2015 là một năm thể thao chứng kiến những chiến thắng thần kỳ nhưng cũng là một năm nhiều tượng đài trong làng thể thao thế giới sụp đổ.
Mourinho phải rời Chelsea trong cay đắng - Ảnh: AFP
|
Jose Mourinho là một trong những cái tên vang dội đó. Chỉ 7 tháng sau khi dẫn dắt Chelsea giành chức vô địch Premier League, ông thất bại tại cuộc nội chiến phòng thay đồ, và bị sa thải vì điều đó. Vị HLV được xem là thiên tài về năng lực quản lý và tâm lý chiến không còn duy trì được động lực cho các cầu thủ của mình.
Sự sụp đổ của ông giáng mạnh vào niềm kiêu hãnh của một HLV từng vô địch ở 4/6 giải bóng đá hàng đầu châu Âu, dẫn tới quyết tâm ở lại Anh và khôi phục danh dự cùng một đội bóng khác. Nhưng với làng HLV châu Âu, thất bại của Mourinho không chỉ là sự gục ngã của một cá nhân, mà còn phơi bày sự nghiệt ngã của bóng đá hiện đại.
Trong khi IAAF- Nga- IOC còn đang quấn vào nhau trong cuộc chiến chống dopinh, Lord Coe không mất chức Chủ tịch Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF), nhưng đánh mất uy tín vốn có. Ông chính là gương mặt tiêu biểu, quyền lực và nhiều tầm ảnh hưởng nhất trong việc giúp nước Anh giành quyền đăng cai Olympic 2012 và là kiến trúc sư làm nên một Thế vận hội thành công chưa từng có. Nhưng, ông sai lầm tệ hại khi tiếp quản vị trí Chủ tịch IAAF.
Klitschko không còn thống trị làng quyền anh hạng nặng thế giới - Ảnh: AFP
|
Nếu chiến thắng của Floyd Mayweather trước Manny Pacquiao còn gây nhiều tranh cãi thì thất bại của "Tiến sĩ búa thép" Wladimir Klitschko đã chấm dứt 9 năm thống trị làng quyền anh hạng nặng thế giới của tay đấm người Ukraine, trong một trận đấu phải tới hiệp 9 anh mới tung một cú đấm tay phải thành công về phía đối thủ. Thất bại trong cuộc thượng đài đỉnh cao tại Esprit Arena, khiến Wladimir Klitschko mất 3 đai vô địch WBA, IBF và WBO về tay đối thủ, đồng thời kết thúc mạch bất bại từ 2004 (trong đó có 19 lần bảo vệ thành công đai vô địch trước những kẻ thách đấu).
Hai nhân vật quyền lực nhất của làng bóng đá thế giới cùng bị hạ bệ - Ảnh: AFP
|
Sự sụp đổ của bộ đôi Chủ tịch FIFA và UEFA, từng một thời là đồng minh, Sepp Blatter và Michel Platini, bởi lệnh cấm hoạt động bóng đá trong 8 năm, được thế giới tiếp nhận trong niềm hân hoan, kèm theo sự tiếc nuối đối với Platini, từng là vị Chủ tịch UEFA giàu ý tưởng cách mạng nhất.
Không có giọt nước mắt cho cú gục ngã của Blatter, người phủ bóng đen lên làng bóng đá thế giới trong 2 thập niên, bởi phong cách điều hành được ví như "tiểu Caesar", văn hóa tham nhũng, hối lộ mà ông dung dưỡng để duy trì quyền lực, lợi ích mà tổ chức thể thao quyền lực nhất thế giới đem lại.
Nếu Blatter biến mình thành kẻ độc tài ở FIFA bằng quyết định ra tranh cử (và thắng cử) Chủ tịch FIFA, Platini trở thành kẻ phản bội đối với môn thể thao từng tôn vinh ông như một trong những người hùng. Bên cạnh những sáng kiến như mở rộng giải vô địch châu Âu (Euro), tổ chức các trận đấu Euro ở nhiều thành phố thay vì một quốc gia, đặc biệt là Luật công bằng tài chính (FFP), Platini có một trong những quyết định tệ hại nhất trong sự nghiệp là ủng hộ trao quyền đăng cai World Cup 2022 cho Qatar.
Năm thể thao 2015 chứng kiến nhiều chiến thắng vĩ đại, nhưng tầm ảnh hưởng của Blatter trong làng bóng đá thế giới khiến sự sụp đổ của ông được đón nhận như chiến thắng vĩ đại nhất trên tất thảy.
Bình luận (0)