Thể thao thế giới năm 2015: Bùng nổ bê bối

23/12/2015 12:05 GMT+7

Năm 2015 có lẽ là năm 'xui rủi' cho thể thao thế giới khi hàng loạt bê bối tham nhũng, gian lận, rửa tiền, doping... tại 'hang ổ' của những tổ chức quyền lực nhất đều đồng loạt bị đưa ánh sáng và ít nhiều làm lu mờ những dấu ấn đẹp.

Năm 2015 có lẽ là năm 'xui rủi' cho thể thao thế giới khi hàng loạt bê bối tham nhũng, gian lận, rửa tiền, doping... tại 'hang ổ' của những tổ chức quyền lực nhất đều đồng loạt bị đưa ánh sáng và ít nhiều làm lu mờ những dấu ấn đẹp.
Hàng loạt quan chức cấp cao bị bắt vì tham nhũng đẩy FIFA vào cuộc khủng hoảng bê bối tồi tệ nhất trong lịch sử - Ảnh: Reuters
FIFA và IAAF “thi nhau” bê bối
Bê bối điền kinh bùng nổ bắt nguồn từ tố cáo của Hãng phát thanh ARD/WDR (Đức) về việc LĐ Điền kinh (IAAF) làm ngơ hàng loạt mẫu xét nghiệm dương tính của nhiều VĐV người Nga trước thềm Olympic 2012. Trong đó, cựu Chủ tịch IAAF Lamine Diack bị điều tra nhận hối lộ hơn 1 triệu euro để bao che cho hành vi sử dụng doping của các VĐV Nga vào năm 2011. 
Cùng với Diack còn có nhiều quan chức cấp cao khác của IAAF và điền kinh Nga bị buộc tội tương tự. Trước đó, báo cáo của Ủy ban Phòng chống doing thế giới (WADA) gây chấn động làng điền kinh khi công bố báo cáo tiết lộ 1.400 mẫu thử dương tính đối với doping của VĐV đã bị quan chức điền kinh của một số quốc gia “bảo trợ” để che đậy kết quả, trong đó chủ yếu xảy ra ở Nga và Kenya. 
Bê bối dẫn đến án phạt đình chỉ thi đấu vĩnh viễn đối với nhiều VĐV hàng đầu của Nga và bản thân điền kinh quốc gia này cũng nhận án đình chỉ tạm thời tham dự các cuộc thi quốc tế. Đây được xem là bê bối lớn nhất lịch sử điền kinh nhưng đối với tân Chủ tịch IAAF Lord Coe thì không thể “đấu lại” cuộc khủng hoảng tham nhũng ở tổ chức quyền lực nhất bóng đá (FIFA).
Điền kinh Nga lâm vào "cơn bão" bê bối doping - Ảnh: AFP

Theo đó, kể từ tháng 5 (thời điểm trước cuộc bầu cử chức Chủ tịch FIFA), Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) mở cuộc tấn công vào bê bối tham nhũng, hối lộ, rửa tiền... đối với các quan chức cấp cao bóng đá. Cuộc “thanh trừng” từ phía Mỹ khiến gần 50 quan chức cấp cao của FIFA, giám đốc tiếp thị... bị truy tố và bắt giữ biến tổ chức này thành “một đống đổ nát”. Mới đây nhất, Chủ tịch FIFA và Chủ tịch UEFA Michel Platini bị đình chỉ hoạt động bóng đá 8 năm liên quan đến một khoản thanh toán mờ ám với số tiền 2 triệu USD.

Một số nhà bình luận đặt câu hỏi rằng việc phía Mỹ bất ngờ tấn công dồn dập FIFA ngoài việc muốn “thay máu” toàn bộ hệ thống quản lý để cải cách, còn có mục đích gì? Câu trả lời sẽ phải chờ những diễn tiến trong năm mới 2016.

Những dấu ấn

Serena Williams tiếp tục thống trị làng quần vợt nữ thế giới - Ảnh: Reuters
Sự thống trị quần vợt nữ của Serena Williams và cuộc lật đổ của Tyson Fury ở quyền anh hạng nặng được xem là điểm sáng của thể thao trong năm 2015. Ở làng banh nỉ, dù đã bước qua tuổi 34 nhưng Serena vẫn độc chiếm các đấu trường Grand Slam. Tay vợt người Mỹ vẫn độc chiếm ngôi vương Úc mở rộng, Pháp mở rộng và Wimbledon để năm thứ 2 liên tiếp giữ  vị trí số 1 thế giới. 
Tuy nhiên vinh quang trong năm qua của Serena chưa được trọn vẹn khi tạm lỗi hẹn với cột mốc lịch sử sau khi thua ở bán kết Mỹ mở rộng. Bởi nếu đăng quang danh hiệu Grand Slam trên sân nhà, Serena sẽ chính thức cán mốc kỷ lục đoạt 22 chức vô địch Grand Slam của đàn chị huyền thoại Steffi Graf và hoàn tất bộ sưu tập 4 danh hiệu Grand Slam trong một năm. Tuy nhiên cơ hội đi vào lịch sử của Serena vẫn còn ở năm 2016.
Tyson Fury làm cuộc lật đổ ấn tượng ở quyền anh hạng nặng thế giới - Ảnh: Reuters
Khác với Serena, tay đấm Fury đã chấm dứt thập kỷ thống trị quyền anh hạng nặng thế giới của “Tiến sĩ búa thép” Wladimir Klitschko bằng một chiến thắng thuyết phục bằng tính điểm sau 12 hiệp đấu. Cuộc lật đổ để đoạt 5 đai WBA, IBF, WBO, IBO và The Ring của Fury được ví như cuộc chuyển giao quyền lực ở quyền anh hạng nặng thế giới.
Chiến thắng của tay đấm người Anh hồi tháng trước khiến hấp lực của “cuộc đấu thế kỷ” Floyd Mayweather thắng điểm đầy tranh cãi trước huyền thoại Manny Pacquiao ở cuộc thượng đài tranh đai vô địch hạng bán trung vào đầu năm ít nhiều rơi vào quên lãng. Bởi sức nóng của cuộc tái đấu khó có cơ hội xảy ra bởi tay đấm người Mỹ tuyên bố giã từ sự nghiệp ở tuổi 38 sau trận thắng Andre Berto hồi tháng 9. Tuy vậy, chiến thắng này cũng Mayweather kết thúc sự nghiệp trong vinh quang để trở thành huyền thoại với thành tích lịch sử: 49 trận “bất khả chiến bại”.
Floyd Mayweather (trái) kết thúc sự nghiệp trong vinh quang với 49 trận "bất khả chiến bại" - Ảnh: Reuters
Ngoài thành công của Serena và Mayweather, thể thao Mỹ trải qua một năm đầy vinh quang khi đội tuyển bóng đã nữ đánh bại Nhật Bản với tỷ số 5-2 ở trận chung kết World Cup để chấm dứt 16 năm chờ đợi. Thành tích này giúp các cô gái Mỹ đi vào lịch sử khi trở thành quốc gia đầu tiên 3 lần đăng cai World Cup bóng đá nữ.
Ở làng xe đạp, trong bối cảnh đi tìm lại uy tín sau bê bối doping, sự nổi lên của cua rơ Chris Froome như một sự “cứu cánh” với năm thứ 2 liên tiếp đoạt áo vàng chung cuộc tại Tour de France. Thành tích này giúp Froome trở thành cua rơ đầu tiên của Anh 2 lần đăng quang ở giải đua xe đạp danh tiếng nhất thế giới...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.