Nam Định mang nghê Việt đi quảng bá

03/08/2015 09:15 GMT+7

Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định cho biết, trong hơn 1 năm qua, Bộ sưu tập linh vật nghê Việt của Bảo tàng Nam Định đã có mặt ở nhiều vùng miền, địa phương cả nước.

Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định cho biết, trong hơn 1 năm qua, Bộ sưu tập linh vật nghê Việt của Bảo tàng Nam Định đã có mặt ở nhiều vùng miền, địa phương cả nước.

Nam Định mang nghê Việt đi quảng bá
Bộ linh vật Nghê do bảo tàng Nam Định sưu tập - Ảnh: Hoàng Long
Ông Thư cho biết, hơn 20 năm trước, Bảo tàng Nam Định đã sưu tập các linh vật thuần Việt, đặc biệt là nghê ở các công trình tôn giáo, tín ngưỡng bị hư hỏng hoặc do chiến tranh tàn phá. Nay tại đây đã có bộ sưu tập linh vật nghê được xem là lớn nhất nước với khoảng trên 50 hiện vật, trải từ triều Lý, Trần, Lê đến Nguyễn. Trong đó, nổi bật là 31 con nghê thời Hậu Lê (thế kỷ 17, 18), là thời kỳ mà linh vật này được hoàn thiện nhất và được làm từ nhiều chất liệu như gỗ, gốm, đồng, đá...
Theo các nghiên cứu, bên cạnh tứ linh, nghê là một trong những linh vật phổ biến trong không gian tín ngưỡng của người Việt. Nơi nghê xuất hiện nhiều là đình và chùa.
Qua các giai đoạn lịch sử, tạo hình nghê có sự biến hóa và thay đổi nên nghê có nhiều dạng thức khác nhau như sư tử nghê, long nghê, kỳ lân nghê, khuyển nghê...
Trong đó, Sư tử nghê gắn bó mật thiết với Phật giáo (thường cõng tòa sen), xuất hiện nhiều trong mỹ thuật Lý - Trần.
Tại Bảo tàng Nam Định, bộ sưu tập được bày trong không gian trang trọng nhất của tầng 2. Trong đó, điểm nhấn là đôi chân đèn gốm thế kỷ 17 đã được công nhận là bảo vật quốc gia, mỗi chân đèn có 21 con nghê lớn nhỏ, nghê được trang trí đăng đối trên thân đèn.
Theo chị Nguyễn Thị Thư Hường, nhân viên bảo tàng Nam Định, linh vật của Trung Quốc có nét hung dữ, uy hiếp và hướng mặt ra ngoài, còn linh vật Việt lại mang dáng vẻ thuần chủ với hướng mặt nằm ngang hoặc quay vào trong. Ngoài công năng trang trí, những chú nghê với các biểu tượng cõng trên mình còn có ý nghĩa cầu mong sự sum vầy, hạnh phúc, sinh sôi.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thư, “kho báu” này rất ít được quan tâm và đặc biệt hơn, đây là công trình hầu như do cán bộ, nhân viên của Bảo tàng tự lực, tự bỏ tiền sưu tầm vì say mê. Vài năm gần đây, khi linh vật ngoại lai “xâm lấn” mạnh, “kho báu” này mới được "đánh thức”, ông Thư cho biết.
Triển lãm khắp nước
Bắt đầu từ tháng 8.2014, “kho báu” trên của bảo tàng Nam Định được phát hiện nhờ Bảo tàng Mỹ thuật VN. Tháng 8.2014, 2 bảo tàng này phối hợp tổ chức triển lãm đầu tiên và lập tức thu hút được sự chú ý của công chúng, trở thành triển lãm “đông khách” nhất của Bảo tàng Nam Định.
Quan trọng hơn, từ triển lãm trên, Giám đốc bảo tàng Nam Định nhận ra còn rất nhiều người Việt chưa từng thấy mặt “linh vật” của dân tộc mình.
“Vì vậy, không chỉ tiếp tục triển lãm trong tỉnh, chúng tôi quyết định mang nghê đi triển lãm khắp nước”, ông Thư nói.
Từ cuối năm 2014 đến nay, các cuộc triển lãm của bảo tàng Nam Định về Nghê đã có mặt khắp các thành phố, vùng miền. Tiêu biểu là tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, vùng Tây Nguyên, các tỉnh biên giới phía Bắc. Các triển lãm đã có tác dụng mạnh, tại Nam Định, rất nhiều đình chùa, trong đó có cả di tích đặc biệt cấp quốc gia như Phủ Tiên Hương đã dỡ bỏ các linh vật ngoại lai, đi đặt nghê về bày. Tại làng đá Ninh Vân (H.Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), sau dự triển lãm, người dân đã xin mẫu để chế tác mà không sản xuất sư tử, rồng đá mẫu cũ. Đặc biệt, tại Đà Nẵng, Ban tổ chức triển lãm đã đến tận các xưởng đá để giới thiệu mẫu, mời dự triển lãm Nghê.
“Ngay sau cuộc triển lãm tại Đà Nẵng, các nghệ nhân làng đá Non Nước đã đề nghị chúng tôi hỗ trợ để họ tổ chức cuộc thi sáng tác mẫu linh vật thuần Việt. Tháng 8.2015 vừa qua, cuộc thi này đã chính thức được khởi động. Đây là một dấu hiệu cho thấy người dân Việt đã quan tâm và đang tìm về với những giá trị văn hóa Việt đích thực”, ông Thư hồ hởi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.