Từ xa xưa, rồng gắn liền với các vị hoàng đế và là biểu tượng của sức mạnh, trí thông minh và sự thành công, và những đứa trẻ chào đời trong năm Thìn (năm con rồng) được cho là sẽ có những đặc điểm như thế. Quan niệm này có khả năng thúc đẩy số ca sinh tăng lên ở Trung Quốc trong năm Giáp Thìn 2024, theo tờ South China Morning Post.
"Nguyên nhân chủ yếu"
Tuy nhiên, trích dẫn dữ liệu điều tra dân số thường niên của Trung Quốc, nhà nhân khẩu học Fuxian Yi thuộc Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) cho rằng năm Thìn ít ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh ở Trung Quốc cho đến ít nhất là năm 2010", theo báo Newsweek.
Trong năm 2000 (năm Canh Thìn), Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ sinh là 1,22 ca sinh trên 1.000 phụ nữ, giảm 0,23 so với năm Mão 1999 và thấp hơn 0,17 so với năm Tỵ 2001.
Trong khi đó, mức tăng đột biến nhỏ ít nhất 0,5 ca sinh trên 1.000 phụ nữ đã được ghi nhận vào năm 2000 tại Hồng Kông cũng như ở Đài Loan và Hàn Quốc.
Trung Quốc đã đạt được mức tăng khiêm tốn 0,22 về tỷ lệ sinh vào năm 2012 (Nhâm Thìn). Theo cơ sở dữ liệu của ông Yi, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc và dân số gốc Hoa ở Singapore cũng có mức tăng nhỏ.
Ở Trung Quốc, hôn nhân "có mối tương quan chặt chẽ với việc sinh con vào năm sau", theo ông Yi. Số lượng cuộc hôn nhân đã tăng 4,5% trong 3 quý đầu năm 2023 sau khi chính phủ từ bỏ chính sách zero-Covid-19 nghiêm ngặt trong tháng 1.2023.
Giới chức Trung Quốc dự kiến sẽ có tới 9,3 triệu ca sinh vào năm 2024, cao hơn so với con số 9,02 triệu của năm ngoái. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ sinh tăng, nguyên nhân chủ yếu là do các biện pháp chống virus thời đại dịch đã kết thúc hơn là do năm Thìn, theo ông Yi.
Năm Giáp Thìn, xem quẻ cho người tuổi rồng
Bất chấp nỗ lực của chính phủ Trung Quốc?
Số liệu do cục thống kê Trung Quốc công bố ngày 17.1 cho thấy dân số Trung Quốc đã giảm 2,08 triệu người vào năm ngoái, cao hơn gấp đôi so với con số giảm của năm 2022, bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm khuyến khích nuôi dạy trẻ em để giải cứu lực lượng lao động già của đất nước.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đưa ra các chính sách nhằm khuyến khích sinh con và hỗ trợ các gia đình. Chính phủ Trung Quốc đã bãi bỏ chính sách một con kéo dài hàng thập niên vào năm 2016. Cùng lúc, chính quyền các tỉnh và thành phố đã cung cấp các khoản trợ cấp tiền mặt khiêm tốn cho các bậc cha mẹ có con mới sinh.
Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình năm ngoái đã kêu gọi cả nước "tích cực thúc đẩy một nền văn hóa mới về hôn nhân và sinh con, đồng thời tăng cường hướng dẫn về quan điểm của giới trẻ về hôn nhân".
Tuy nhiên, những sáng kiến trên dường như đến quá ít và quá muộn trong bối cảnh có sự thay đổi thái độ trong thế hệ trẻ Trung Quốc, những người thường xem chi phí sinh hoạt ngày càng tăng ở các thành phố lớn là một trở ngại cho kế hoạch hóa gia đình, theo Newsweek.
Một nghiên cứu được công bố trên chuyên san International Journal of Environmental Research and Public Health vào năm ngoái cho thấy 37% phụ nữ Trung Quốc sống ở khu vực thành thị có ý định sinh tối đa hai con. Tuy nhiên, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 29% ở các thành phố hạng nhất ngày càng đắt đỏ như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến.
Bà Dương Phàm, một nhà nghiên cứu dân số thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, mới đây nhận định với tờ China Daily rằng Mỹ và một số khu vực ở châu Âu trong nhiều năm đã có xu hướng kết hôn muộn hơn và sinh ít hơn. Bà Dương cho rằng xã hội Trung Quốc hiện đang đạt đến giai đoạn này và mô tả việc giảm dân số là điều đương nhiên.
Bình luận (0)