Năm học mới, học sinh THCS tại TP.HCM sẽ được miễn học phí?

Bích Thanh
Bích Thanh
15/08/2022 07:05 GMT+7

Sau khi tiếp nhận Công văn 2903 của Bộ GD-ĐT lấy ý kiến về đề xuất lộ trình học phí và chính sách miễn học phí đối với học sinh THCS, UBND TP.HCM đã có ý kiến cụ thể về chủ trương và kinh phí hỗ trợ học sinh.

Hơn 378 tỉ đồng ngân sách miễn học phí cho học sinh THCS

Cụ thể, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, đã gửi ý kiến góp ý bằng văn bản với Bộ GD-ĐT chỉ rõ đợt bùng phát dịch Covid-19 thời gian qua đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân TP.HCM. Các vấn đề biến động về chính trị, xã hội trên thế giới… cũng tác động đến mức giá, chi phí sinh hoạt.

TP.HCM ủng hộ chủ trương đề xuất chính sách miễn học phí cho học sinh THCS từ năm học 2022 - 2023 của Bộ GD-ĐT

ĐÀO NGỌC THẠCH

Vào thời điểm đầu năm học, phụ huynh (PH) phải chi nhiều khoản như sách giáo khoa, đồ dùng học tập… Hiện nay, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát và kinh tế TP.HCM đang từng bước ổn định, phục hồi nhưng đời sống kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn nên việc tăng học phí vào thời điểm này, mặc dù thực hiện đúng theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 81 là vấn đề hết sức nhạy cảm, tác động mạnh mẽ đến dư luận xã hội, đặc biệt là PH học sinh (HS).

Vì vậy để tiếp tục hỗ trợ kịp thời đối với HS, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của người dân, UBND TP.HCM thống nhất điều chỉnh lộ trình học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập đối với năm học 2022 - 2023 và từ năm học 2023 - 2024 theo đề xuất của Bộ GD-ĐT. Cụ thể, đối với năm học 2022 - 2023, mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập bằng mức học phí đã ban hành năm học 2021 - 2022 ở tất cả cấp học. Từ năm học 2023 - 2024, HĐND TP.HCM quyết định điều chỉnh khung và mức học phí mầm non, phổ thông công lập theo chỉ số giá tiêu dùng hằng năm.

Giữ nguyên mức các khoản thu

Riêng về các khoản thu khác ngoài học phí cho năm học 2022 - 2023, UBND TP.HCM giao Sở GD-ĐT chủ trì phối hợp Sở Tài chính, Sở LĐ-TB-XH hướng dẫn nội dung và mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục, không bao gồm học phí như mức thu trường tiên tiến, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, tổ chức các lớp học ngoại ngữ, tin học, năng khiếu, môn tự chọn, học nghề, tổ chức phục vụ bán trú, vệ sinh lớp bán trú… Trong đó tiếp tục duy trì và giữ nguyên các nội dung và mức thu các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục, theo quy định đang thực hiện trong năm học 2021 - 2022 để tiếp tục thực hiện cho năm học 2022 - 2023.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương đề xuất chính sách miễn học phí cho HS THCS từ năm học 2022 - 2023 của Bộ GD-ĐT. Đồng thời đưa ra số liệu về số HS và mức hỗ trợ được tính toán nếu thực hiện việc hỗ trợ HS THCS. Cụ thể, năm học 2022 - 2023, TP có tổng số 453.518 HS bậc THCS. Trong đó, đã có 8.720 HS THCS được miễn học phí theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Số HS THCS chưa được miễn học phí là 444.798 người. Hiện nay, mức thu học phí bậc THCS mà TP đang áp dụng là 60.000 đồng/HS/tháng đối với nhóm 1 là các quận nội thành và 30.000 đồng/HS/tháng đối với nhóm 2 là các huyện ngoại thành. Từ đó, tính ra tổng kinh phí ngân sách nhà nước cấp bù miễn học phí cho HS THCS là hơn 378 tỉ đồng, trong đó, ngân sách địa phương tự cân đối là 167 tỉ đồng. Số kinh phí TP đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ là hơn 211 tỉ đồng.

Sở GD-ĐT đề nghị 100% các cơ sở giáo dục triển khai việc thu học phí và các khoản thu khác bằng phương thức không dùng tiền mặt

đào ngọc thạch

Đẩy mạnh hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt

Để chuẩn bị cho năm học mới, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết thực hiện theo chỉ đạo của TP, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát các khoản thu của cơ sở giáo dục, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán góp phần thực hiện tốt chủ trương thanh toán không sử dụng tiền mặt của Chính phủ, Sở GD-ĐT đề nghị 100% các cơ sở giáo dục triển khai việc thu học phí và các khoản thu khác bằng phương thức không dùng tiền mặt. Sở cũng yêu cầu các trường thực hiện với nhiều hình thức, không giới hạn các ngân hàng thanh toán. Ưu tiên các giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua các thiết bị chấp nhận thẻ POS, liên kết tài khoản, thẻ ngân hàng qua các kênh trực tuyến…, tạo mọi điều kiện để PH HS thuận lợi trong việc thanh toán.

Nói về phương thức thanh toán nói trên, hiệu trưởng các trường cho biết đã triển khai trong khoảng 5 năm trở lại đây và mỗi năm tỷ lệ PH HS tham gia ngày một tăng. Ông Nguyễn Vân Yên, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương (Q.5), cho biết có khoảng 70% PH đăng ký sử dụng phương thức thanh toán này. Hằng tháng, bộ phận tài vụ của nhà trường sẽ gửi thông báo đến từng PH và cung cấp 2 tài khoản ngân hàng nhà nước mà đa số PH sử dụng để thuận tiện thanh toán. Những PH còn lại đăng ký thanh toán tiền mặt, nhà trường vẫn bố trí bộ phận kế toán thu nhận trực tiếp đáp ứng nhu cầu.

Tương tự, ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh), cho biết trường triển khai và thông tin lợi ích của phương thức thanh toán này đến PH từ năm học 2018 - 2019. Những năm đầu tỷ lệ PH sử dụng còn hạn chế, cao nhất là 60% nhưng đến năm học 2021 - 2022, do ảnh hưởng của dịch thì đã có đến 92% PH thanh toán các khoản thu trong trường bằng hình thức này. Năm học mới nhà trường tiếp tục triển khai phương thức này đến PH HS đầu cấp. “PH không chỉ thanh toán qua các tài khoản ngân hàng mà còn có thể sử dụng các loại ví điện tử”, ông Tuấn chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.