|
Giúp học sinh hứng thú học hơn
Theo dự thảo quy định đánh giá, xếp loại học sinh (HS) tiểu học của Bộ GD-ĐT, năm học này sẽ hạn chế tối đa việc cho điểm đối với bậc tiểu học, bỏ việc xếp loại HS mà thay vào đó là nhận xét đạt hoặc chưa đạt.
|
Mục tiêu quan trọng nhất của việc đánh giá HS tiểu học, theo ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT là nhằm đánh giá để giúp HS học tốt hơn chứ không phải chỉ để ghi nhận kết quả học tập vào cuối mỗi năm học. "Trước đây chúng ta cứ chờ đến cuối học kỳ, cuối năm học mới đánh giá HS. Nếu không đạt thì cũng quá muộn để hỗ trợ HS. Nay muốn HS học tốt hơn thì phải quan tâm cả quá trình học tập, đánh giá thường xuyên", ông Định phân tích.
Mặc dù Bộ chưa chính thức ký Thông tư ban hành quy định đánh giá HS tiểu học nhưng ông Định cho hay sau khi công bố dự thảo, những ý kiến phản hồi mà Bộ nhận được là rất tích cực. Do vậy, quy định này sẽ chính thức áp dụng trong năm học mới 2014 - 2015 và sẽ có hướng dẫn, tập huấn cụ thể cho giáo viên triển khai áp dụng.
Do bậc tiểu học có những chủ trương đổi mới như vậy nên đối với bậc trung học, theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, việc kiểm tra, đánh giá cũng sẽ được tiến hành đồng bộ để không có sự “vênh” giữa các cấp học. Ông Chuẩn cho biết năm học này Bộ đã yêu cầu việc đánh giá HS THCS và THPT phải rất chú trọng quá trình: trên lớp, bằng hồ sơ, bằng nhận xét, tăng cường hình thức đánh giá thông qua sản phẩm dự án, bài thuyết trình, kết hợp kết quả đánh giá trong quá trình giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học. Các hình thức kiểm tra, đánh giá đều hướng tới phát triển năng lực của HS, coi trọng đánh giá để giúp đỡ HS về phương pháp học tập, động viên sự cố gắng, hứng thú học tập của HS.
Chuẩn bị cho cách thi cử mới
Dù 3 phương án cho một kỳ thi THPT quốc gia dự kiến sẽ áp dụng ngay trong năm học 2014 - 2015 chưa “chốt” phương án nào nhưng Bộ đã có những hướng dẫn khá cụ thể để việc dạy và học đáp ứng được yêu cầu theo cách thi mới. Ông Vũ Đình Chuẩn cho biết năm học này Bộ đã yêu cầu các trường THPT chủ động kết hợp một cách hợp lý giữa hình thức trắc nghiệm tự luận với trắc nghiệm khách quan, giữa kiểm tra lý thuyết và thực hành trong các bài kiểm tra. Tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn. Các môn khoa học xã hội và nhân văn cần tăng cường ra các câu hỏi mở; gắn với thời sự của đất nước để HS được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội.
Với môn ngoại ngữ, do cả 3 phương án một kỳ thi THPT quốc gia đều yêu cầu là môn thi bắt buộc nên theo lãnh đạo Bộ, sẽ dần từng bước thay đổi cách thức thi đối với môn này, chắc chắn sẽ không chỉ thi trắc nghiệm như thời gian vừa qua. Ông Vũ Đình Chuẩn cho hay: “Bộ yêu cầu với bậc trung học phải triển khai phần kiểm tra tự luận trong các bài kiểm tra viết môn ngoại ngữ. Tiếp tục nâng dần chất lượng việc thi cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết để tiến tới mục tiêu đưa vào yêu cầu kiểm tra cả 4 kỹ năng trong những kỳ thi quy mô lớn”.
Tuệ Nguyễn
>> Đánh giá học sinh cũng là dạy làm người
>> Kiểm tra đánh giá học sinh: Bộ GD-ĐT “quên” cải cách !
>> Đánh giá học sinh không bằng điểm số
Bình luận (0)