Nam kỳ thế kỷ 19 qua ghi chép của người Pháp: Những công trình đẹp nhất ở Sài Gòn

14/05/2022 06:30 GMT+7

Bệnh viện Quân đội [nay là Bệnh viện Nhi đồng 2 - ND] là một cơ sở tuyệt vời có kiến trúc giống như kiến trúc của doanh trại: Một loạt các cánh nhà lớn liên kết với nhau bằng những hàng hiên rộng với các cột chống đúc gang.

“Nó gây ấn tượng nhờ những tỷ lệ tao nhã và sự hài hòa tuyệt đối thể hiện trong từng chi tiết nhỏ tạo nên tổng thể” (theo Delteil). Cơ sở to lớn này được lính công binh xây trên một mặt bằng đồ sộ, có thể tiếp nhận hơn 350 bệnh nhân.

Nhà thờ Đức Bà năm 1921

Ludovic Crespin

Bệnh viện (BV) chiếm trọn một không gian rộng lớn trên điểm cao nhất của bình nguyên, làm thành một vị trí tuyệt đẹp. Ngoài các cánh nhà chúng tôi vừa đề cập, tất cả nhà phụ đều được sắp xếp rất hợp lý: nhà thuốc, chỗ ở của các nữ tu, nhà nguyện, nhà bếp, phòng tắm, nhà giặt, giảng đường… Công việc BV do các bác sĩ hải quân và thuộc địa đảm trách, dưới sự điều hành của một bác sĩ trưởng.

Bác sĩ trong mỗi phòng được hỗ trợ bởi một số y tá bản xứ và một nữ tu dòng Saint Paul de Chartres. Nhà thuốc do một dược sĩ cao cấp điều hành, có một dược sĩ hạng nhất và 2 dược sĩ hạng hai phụ tá.

Một ủy viên của hải quân chịu trách nhiệm về phần hành chính. Một cha tuyên úy, R.P.Thinselin, một người dễ mến và hiền lành, chịu trách nhiệm nâng đỡ người bệnh khi họ cần trợ giúp về mặt tôn giáo.

Nếu đi tới BV bằng đại lộ Norodom [nay là Lê Duẩn], sẽ thấy Dinh Tổng tư lệnh [nay là Tổng lãnh sự quán Pháp], câu lạc bộ sĩ quan [nay là UBND Q.1], một nhà thờ được khởi công xây dựng vào ngày 7.10.1877 [Nhà thờ Đức Bà], Dinh Toàn quyền [nay là Dinh Độc lập], tòa nhà lộng lẫy với mặt tiền không dưới 80 m.

“Đây là một công trình xứng đáng với thủ phủ đế chế thuộc địa tương lai của chúng ta ở Viễn Đông. Dinh gây ấn tượng với các đường nét kiến trúc thuần khiết và trang nhã, cũng như những tỷ lệ đẹp của khối kiến trúc. Nó gợi nhớ ngay đến các cung điện xứ Florence với hàng cột trắng. Hai cấu trúc đáng chú ý nhất là tiền sảnh và lễ đường bên trong, vì sự sang trọng và nét hoa mỹ không kém gì các cung điện nổi tiếng nhất Paris mà chúng ta hằng ngưỡng mộ.

Lễ đường, có thể chứa đến 800 người, mang một dáng vẻ hùng vĩ. Trần nhà đồ sộ với các ô lõm viền chỉ mạ vàng, được nâng đỡ bởi những cột trụ kiểu cách; ở mỗi bên đều có hành lang cho phép không khí lưu thông khắp nơi và cuối cùng là một đình tròn với bao lơn nhìn ra công viên. Trong những ngày tiếp tân hoặc vũ hội lớn, khi phòng được thắp sáng và trang hoàng, không còn gì tuyệt vời và hoành tráng hơn” (theo Delteil).

Công viên thành phố [nay là công viên Tao Đàn] nằm phía sau dinh [Toàn quyền] và cạnh đường Chasseloup-Laubat [nay là Nguyễn Thị Minh Khai].

Nhà Bưu điện [nay là Bưu điện thành phố], nằm ở góc đường Tabert và quảng trường Nhà thờ, vừa được hoàn thành. Đó là một trong những công trình đẹp nhất ở Sài Gòn.

Đoạn trên của đường Catinat và sát các đường mà nó cắt ngang là trụ sở của hầu hết các cơ quan. Trên đường Catinat là: Kho bạc [nay là phần khu đất cao ốc Metropolitan, góc Nguyễn Du - Đồng Khởi], Dinh Tổng thư ký Tòa Thị sảnh, Sở Trước bạ [nay là khu đất Ngân hàng Phát triển VN, 229 Đồng Khởi], Sở Địa chánh [một phần khu đất Sở TN-MT hiện nay, góc Đồng Khởi - Lý Tự Trọng], Dinh Đổng lý nội vụ [Dinh Thượng thơ], Tòa Thị chính [nay là UBND TP]. Trên đường d’Espagne [nay là Lê Thánh Tôn] là các văn phòng của hải quân và sở công chánh. Trên đường de La Grandière là BV Quân đội, Dinh Đổng lý nội vụ (mặt tiền) [hoặc Dinh Thượng thơ, 59 - 61 Lý Tự Trọng], trại hiến binh [nay là Doanh trại QĐND, 38 Lý Tự Trọng], Dinh Tổng Biện lý [nay là trụ sở Sở GTVT, 63 Lý Tự Trọng], Văn phòng cảnh sát trưởng (le bureau central de police), Dinh Phó soái [nay là Bảo tàng TP.HCM], tòa án và nhà tù [nay là Thư viện Tổng hợp TP.HCM].

Ngày nay, trên mỗi đường đều mở nhiều quán cà phê, cửa hàng Âu châu và Trung Hoa sang trọng. Khách sạn Univers do ông Ollivier điều hành, nổi tiếng khắp vùng Viễn Đông, nằm trên đường Turc [nay là Hồ Huấn Nghiệp]. Ngân hàng Đông Dương [nay là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, 17 Võ Văn Kiệt, Q.1] và Hồng Kông - Thượng Hải nằm ở kè cảng.

Dân số Sài Gòn và vùng ngoại ô, gồm cả quân đội, hải quân, công chức và dân bản xứ ước tính khoảng 70.000 người. Diện tích của thành phố khá lớn: chừng 405 ha. Người bản xứ sống ở ngoại ô, gần chợ người Hoa ở mạn dưới thành phố; người Ấn đặc biệt thích vùng quanh đường trên Chợ Lớn. Thương nhân Âu châu có cửa hàng trên các bến cảng và trên các đường lân cận. Về phần quan chức, họ thường sống trên khu vực có độ cao 10 m so với sông Sài Gòn.

Bên ngoài thành phố, nhà riêng chỉ có một tầng trệt; thường gồm một nhà chính giữa sân vườn và có mái hiên bao quanh. Mặt ngoài thật duyên dáng và xinh xắn.

Ở phía trên cao đường Catinat, người ta xây một tháp nước [đập bỏ năm 1921] tráng lệ cung cấp nước uống cho toàn thành phố. Nước này lấy từ các nguồn lọc qua cát của Đồng Mả Mồ.

Sự náo nhiệt của toàn bộ Sài Gòn thật đáng chú ý, nhất là ở hải cảng nơi có nhiều tàu buôn, tàu chở khách, tàu vận chuyển quốc gia, tàu chiến đến neo đậu… Trên đường, một lượng xe cộ qua lại từ sáng đến tối, làm thành phố thêm sinh động.

Thật đáng tiếc khi buộc phải thừa nhận rằng những vùng đất đẹp nhất thành phố đã bị bỏ hoang kể từ cuộc chinh phục; chính quyền quân sự sở hữu chúng nhưng không muốn hoàn trả, và sự cố chấp này không thể giải thích, vì những vùng đất này họ hoàn toàn không sử dụng.

(còn tiếp)

(Trích từ Nam Kỳ và cư dân, J.C.Baurac, Huỳnh Ngọc Linh dịch, Omega+ và NXB Tổng hợp TP.HCM xuất bản 2022)

Nam kỳ thế kỷ 19 qua ghi chép của người Pháp

Thủ phủ của Nam kỳ xưa

Sài Gòn hoa lệ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.