Năm nào cũng thanh tra, sao vẫn tái diễn lạm thu?

02/10/2024 07:17 GMT+7

Vì sao năm nào cũng nóng rực chuyện thu chi đầu năm dù các sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT các quận, huyện, thành phố năm nào cũng tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn chỉ đạo, triển khai các khoản thu; vẫn có thanh tra, giám sát?

XEM LẠI CÁC QUY ĐỊNH

Khi trả lời PV Thanh Niên về việc thanh tra, giám sát, chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong trường học, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Đức Cường viện dẫn các văn bản chỉ rõ trách nhiệm của các địa phương, cơ sở giáo dục trong việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Một trong những nội dung đó là: "Việc thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách; các khoản đóng góp hỗ trợ tự nguyện không hoàn lại bằng tiền, hiện vật hoặc phi vật chất từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước". Thanh tra sở GD-ĐT có trách nhiệm chủ động tham mưu, tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý sai phạm (nếu có) theo quy định.

A 7.jpg

Chuyện cô giáo “xin hỗ trợ cái laptop” là một trong những vụ việc gây xôn xao dư luận những ngày qua

Ảnh: Vũ Đoan

Đầu năm học này, Bộ GD-ĐT cũng có văn bản yêu cầu: "Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội về các mức thu, khoản thu của cơ sở giáo dục; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "lạm thu" đầu năm học…".

Thông tư 55 quy định điều lệ ban đại diện cha mẹ HS do Bộ GD-ĐT ban hành, nêu rõ các khoản không được quyên góp của người học.

Các cơ sở giáo dục muốn tổ chức kêu gọi xã hội hóa, huy động tài trợ, phải thực hiện đúng quy định tại Thông tư 16 ban hành năm 2018 của Bộ GD-ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Cô giáo xin hỗ trợ laptop: ‘Tôi biết mình sai vì chưa hiểu rõ thông tư về xã hội hóa giáo dục’

Văn bản, kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát không thiếu nhưng năm nào lạm thu cũng diễn ra khiến dư luận bức xúc hơn năm trước. Liệu Bộ GD-ĐT có thấy cần phải nhìn nhận lại tính khả thi và hiệu quả của những chỉ đạo này?

TRÊN NGHIÊM MINH, DƯỚI ẮT KHÔNG LOẠN

Ở góc độ pháp luật, trả lời PV Thanh Niên, luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát (TP.HCM), cho rằng mấu chốt của nguyên nhân, cũng là giải pháp trong vấn đề lạm thu, thu chi chưa đúng quy định đầu năm, theo ông đó chính là sự quán triệt triển khai của từng nhà trường, ở đây là vai trò của hiệu trưởng, của bí thư chi bộ nhà trường. Hiệu trưởng nghiêm minh, ở dưới chắc chắn sẽ tuân thủ.

"Về nguyên tắc, tất cả các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục thì hiệu trưởng phải là người đầu tiên được nắm. Hiệu trưởng phải là người nghiêm minh, thường xuyên, nhất quán trong các chỉ thị tới cấp dưới của mình, chỉ đạo xuyên suốt tới từng lớp học", luật sư Lê Trung Phát nói.

Cũng theo luật sư Lê Trung Phát, hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu quả. Khi có các vấn đề sai sót xảy ra, hiệu trưởng - ở cương vị viên chức nhà nước - sẽ chịu các hình thức chế tài theo luật Viên chức và các quy định liên quan; về mặt Đảng, hiệu trưởng cũng sẽ bị đánh giá, kiểm điểm, xử lý theo quy định.

Năm nào cũng thanh tra, sao vẫn tái diễn lạm thu?- Ảnh 2.
Năm nào cũng thanh tra, sao vẫn tái diễn lạm thu?- Ảnh 3.
Năm nào cũng thanh tra, sao vẫn tái diễn lạm thu?- Ảnh 4.
Năm nào cũng thanh tra, sao vẫn tái diễn lạm thu?- Ảnh 5.

Cứ vào đầu năm học là bùng nổ chuyện thu chi tiền trường, gây xôn xao dư luận

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

NẾU CỐ TÌNH VI PHẠM, PHẢI XỬ LÝ THẬT NGHIÊM KHẮC

Theo Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, phải nghiêm minh từ cấp cán bộ quản lý, thủ trưởng đơn vị, bởi giáo dục là một môi trường nhạy cảm, số lượng học sinh lớn, chỉ cần một đốm lửa nhỏ cũng có thể bùng lên thành ngọn lửa lớn với sức ảnh hưởng rất mạnh, tác động rất mạnh đến xã hội. Do đó, theo luật sư Lê Trung Phát, có những vụ việc lạm thu, thu chi không đúng quy định đã xảy ra là cá biệt, là "con sâu làm rầu nồi canh" nhưng cần phải xử lý dứt điểm, để không phải năm học mới nhưng luôn tồn tại những vấn đề cũ, năm học nào cũng xảy ra.

Trong lần trả lời phỏng vấn Thanh Niên mới đây, nhà giáo Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định trong câu chuyện này, vai trò, trách nhiệm lớn nhất là thủ trưởng đơn vị - hiệu trưởng nhà trường.

Theo ông Ngai, là người đứng đầu nhà trường, hiệu trưởng phải gương mẫu, nêu gương, có trách nhiệm tìm hiểu các văn bản, quy định, các chỉ đạo của cấp trên để triển khai trong trường học mình. Trong quá trình thực hiện, nếu hiệu trưởng thấy có gì chưa phù hợp, cần điều chỉnh thì phản ánh lên cơ quan cấp trên; nhưng trong lúc chờ hướng dẫn thì hiệu trưởng vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật, văn bản hiện hành.

Ông Ngai cũng đề xuất các cuộc kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất của các phòng GD-ĐT, sở GD-ĐT trong năm học phải phát huy hiệu quả; trường hợp nào cố tình vi phạm để xảy ra lạm thu thì phải xử lý nghiêm khắc, công khai xử lý trong toàn ngành để răn đe.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.