Sân khấu học đường chưa đến nơi đến chốn
NSND Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Hà Nội, là người đầu tiên nhắc tới sân khấu học đường tại tọa đàm chiều 20.5, một sự kiện thuộc Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên - nhi đồng lần thứ nhất (diễn ra từ 13 - 20.5 tại Hải Phòng). Những năm dài theo dõi sân khấu này, NSND Hoàng Tuấn thấy các sản phẩm còn bất ổn. "Sân khấu học đường là gì, là từ lớp 1 đến lớp 10 mà năm nào cũng xem xiếc, năm nào cũng xem múa rối. Sân khấu học đường hiện nay, chúng ta làm không đến nơi đến chốn", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng cho rằng nhiều em sau khi xem sân khấu vẫn chưa hiểu về loại hình sân khấu, về vở diễn sân khấu mình vừa được xem. "Đấy không phải là sân khấu học đường. Sân khấu học đường là ngày hôm nay xem vở thì hôm trước phải có nói chuyện về loại hình đấy, về vở diễn đấy, từ đó các em hiểu về bộ môn, về xuất xứ. Tôi mong sân khấu học đường sẽ phong phú hơn", ông nói. Có nghĩa là sân khấu học đường phải có cả phần diễn giải để thiếu niên nhi đồng có thể hiểu và cảm nhận về từng loại hình mình thưởng thức.
NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, lại nhắc tới hiện trạng thiếu hụt các tác phẩm sân khấu có nội dung truyền thống văn hóa VN. "Ngoài múa rối nước mang đậm bản sắc dân tộc thì những loại hình khác chưa được biết đến nhiều. Nhà hát chưa phát triển được phần giáo dục yêu nước và văn hóa dân tộc. Kịch tràn ngập nhân vật nước ngoài. Điều này do các em tiếp cận nhiều kênh giải trí nước ngoài, nên yêu thích tác phẩm giải trí nước ngoài nhiều hơn. Vì vậy, những nội dung giải trí nước ngoài trên sân khấu cũng nhiều", ông Hiếu nói.
Bên cạnh đó, NSND Trung Hiếu cũng cho rằng các khán giả nhí hiện ít tiếp cận được sân khấu. Những khán giả nhỏ tuổi đi xem sân khấu hiện chủ yếu tập trung ở những TP lớn. Chưa kể, theo ông Hiếu, khán giả nhí cũng chỉ chủ yếu đi xem sân khấu vào dịp Trung thu và ngày tết thiếu nhi.
Trên cơ sở đó, NSND Trung Hiếu mong muốn có thêm nhiều dự án sân khấu kịch học đường để các vở diễn sân khấu có thể tiến thẳng vào trường học. Điều này, theo ông Hiếu, khá phù hợp với việc các trường phổ thông cũng đang đẩy mạnh các hoạt động sân khấu hóa tác phẩm văn học, hoặc các hoạt động ngoại khóa cũng nhiều hơn.
"Đề án sân khấu kịch học đường với kịch bản mang văn hóa VN cũng giúp khán giả tiếp cận văn hóa tốt hơn. Khán giả nhí có thể tiếp cận tạo hình nhân vật, thiết kế âm thanh ánh sáng mang yếu tố văn hóa dân tộc. Trong quá trình học ngữ văn và lịch sử lồng ghép với sân khấu, các con cũng sẽ hứng thú hơn trong học tập. Tôi hy vọng các nhân vật không chỉ nằm trong sách giáo khoa", NSND Trung Hiếu nói.
Chia độ tuổi, tăng "chất thiếu nhi"
Đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, cho rằng sân khấu thiếu nhi hiện có những vở khai thác tiếng cười nhưng chưa tốt. "Họ sẽ nghiêng về khai thác tiếng cười, đồng ý là phải có tiếng cười cho các em, nhưng đâu đó cũng vẫn có tiếng cười như giả gái chẳng hạn thì chưa tốt, chưa phù hợp", ông nói. Tuy nhiên, ông Đạt cho rằng có cái mừng là sân khấu truyền thống đã bắt nhịp được với sân khấu thiếu nhi.
NSƯT Cao Ngọc Ánh, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, đánh giá việc đa dạng hóa tác phẩm sân khấu thiếu nhi rất quan trọng. Vì thế, nhà hát của bà luôn có các dự án hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp… Họ cũng lập kế hoạch biểu diễn cho cả năm từ rất sớm, đưa chương trình lên các fanpage… Bà cho biết thêm nhà hát đã xây dựng mô hình sân khấu hóa các tác phẩm văn học.
"Mô hình này giúp các em vận dụng kiến thức văn học để phát triển tư duy. Xen chương trình nghệ thuật là trao đổi với các nhà nghiên cứu, người nổi tiếng. Phần giao lưu này đều thường kéo rất dài và chúng tôi phải cho kết thúc nếu không sẽ không đủ thời gian", bà Ánh chia sẻ.
NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối VN, cho rằng cần làm sao để các em thấy mình sống ở một đất nước có nhiều loại hình nghệ thuật rất hay. "Chỉ cần khi xem các em hiểu: A đây là chèo, đây là tuồng đã là tốt rồi", ông Dũng nói. Mặc dù vậy, theo NSND Tiến Dũng, ở lần tổ chức tới, cần phân loại độ tuổi vở diễn do các lứa tuổi sẽ có nhu cầu thưởng thức khác nhau.
Liên hoan trao 4 huy chương vàng cho các vở: Chú mèo dạy hải âu bay (Nhà hát Tuổi trẻ), Rồng thần trở lại (Nhà hát Kịch VN), Dế mèn phiêu lưu ký (Đoàn nghệ thuật Múa rối Hải Phòng), vở Nắm xôi kỳ diệu hay chuyện thằng Bờm (Nhà hát Chèo Hà Nội).
3 huy chương bạc được trao cho các vở: Tấm Cám Bống bống bang bang (Liên đoàn Xiếc VN), Mặt trời quê hương (Đoàn kịch nói Hải Phòng), Lá cờ thêu 6 chữ vàng (Sân khấu Sen Việt).
7 giải xuất sắc trao cho các thành phần sáng tạo: Đạo diễn xuất sắc cho Đào Duy Anh (vở Chú mèo dạy hải âu bay); Họa sĩ xuất sắc: NSƯT Văn Trực (Nắm xôi kỳ diệu hay chuyện thằng Bờm); Biên đạo múa xuất sắc: Phùng Khải (Cây tre trăm đốt); Đạo diễn âm thanh xuất sắc: Đặng Thế Hiếu (Rồng thần trở lại); Thiết kế ánh sáng xuất sắc: Việt Tuấn (Mặt trời quê hương); Họa sĩ tạo hình xuất sắc: NSƯT Thế Khiển (Dế mèn phiêu lưu ký); Nhạc sĩ xuất sắc: Tuấn Nghĩa (Dế mèn phiêu lưu ký).
NSND Xuân Bắc, Chủ tịch Ban giám khảo Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên - nhi đồng, đánh giá các tác phẩm đến từ các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp hay xã hội hóa đều có sự đầu tư nghiêm túc. Tuy nhiên, ban giám khảo cũng cho rằng các tác giả, tác phẩm dành cho thiếu nhi hiện nay còn ít. Quan trọng hơn, các thành phần sáng tạo vẫn đưa góc nhìn của người lớn vào tác phẩm dự thi. Cách diễn của một số nghệ sĩ khiến nhiều tác phẩm không có góc nhìn ngây thơ, trong sáng, đáng yêu của trẻ nhỏ. Việc 2 trong số những nhà hát kịch hàng đầu lại mang đến toàn vở diễn với câu chuyện nước ngoài phần nào cho thấy sự thiếu hụt của kịch bản trong nước, các tích truyện dân gian…
Bình luận (0)