Trong bối cảnh này, tổ chức ngày lễ Nhà giáo Việt Nam 20.11 thế nào cho ý nghĩa nhất để tôn vinh tinh thần tôn sư trọng đạo?
Tấm lòng chân thành, thái độ trân trọng là điều đáng quý
Cô Trần Thị Thanh Quang, giáo viên ngữ văn, Trường THPT Củ Chi (H.Củ Chi, TP.HCM), cho biết: “Trong 17 năm gắn bó với nghề, 20.11 năm nay thật sự đặc biệt. Ngày lễ nhà giáo được tổ chức trực tuyến, cô trò gặp gỡ nhau qua màn hình, sẽ không có những cánh hoa tri ân các em cài lên ngực áo thầy cô theo truyền thống của Trường THPT Củ Chi, không được nhìn và nghe các tiết mục văn nghệ vinh danh nghề giáo, tri ân người đưa đò của cả thầy và trò, sẽ rất nhớ. Thực lòng chúng tôi luôn mong được gặp gỡ đồng nghiệp, học sinh. Việc không thể tổ chức trực tiếp ngày này vì dịch bệnh là điều không ai mong muốn”.
Học sinh Trường THPT Củ Chi cắm hoa tri ân thầy cô nhân ngày Nhà giáo VN những năm trước |
NVCC |
Tuy nhiên, cô Quang cho rằng tôn sư trọng đạo là truyền thống đạo lý mang đậm giá trị nhân văn của dân tộc Việt Nam. Trong thời đại 4.0, tinh thần này vẫn tiếp tục được kế thừa và phát huy. Ngày 20.11, dù không được gặp gỡ thầy cô trực tiếp, những lời chúc các em gửi tới bằng tấm lòng chân thành và thái độ trân trọng đã là điều rất đáng quý.
“Chúng tôi rất hạnh phúc khi thấy rằng ngày càng nhiều học sinh giỏi chọn ngành sư phạm để tiếp bước thầy cô trong sự nghiệp đưa đò. Xã hội ngày một chăm lo chu đáo hơn cho người thầy. Tất cả những điều này góp phần động viên các nhà giáo tâm huyết với nghề ra sức khắc phục khó khăn để làm tròn sứ mệnh cao cả “trồng người” cho xã hội”, cô Quang chia sẻ.
Điều thầy cô mong mỏi nhất chính là những cố gắng trong học tập của các em học sinh. Nhìn thấy các em vượt qua khó khăn phía trước, đó là món quà to lớn nhất, không cầu kỳ nhưng đủ làm ấm áp trái tim những thầy cô giáo
Nhiều hoạt động trực tuyến ý nghĩa
Thạc sĩ Lê Văn Nam, giáo viên hóa học, Trường THPT Trần Văn Giàu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, chia sẻ: “Ngày 20.11 năm nay là ngày lễ Nhà giáo Việt Nam chưa từng có tiền lệ. Tình hình dịch bệnh còn phức tạp nhưng không vì thế mà chúng ta quên đi ngày tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. Theo tôi, để tổ chức lễ kỷ niệm trang trọng, ý nghĩa, vẫn an toàn trong bối cảnh dịch bệnh, các trường có thể tổ chức buổi lễ theo hình thức trực tuyến, tri ân đóng góp của thầy cô”.
Thầy Lê Văn Nam và các học trò trong những ngày tháng TP.HCM chưa có dịch Covid-19 |
nvcc |
Thầy Nam đưa ra các ví dụ: Nhà trường có thể tổ chức các hoạt động như cánh thiệp tri ân, thi vẽ tranh về thầy cô giáo theo hình thức trực tuyến để các em học sinh gửi đến thầy cô giáo tấm lòng, tình cảm của mình. Học trò các thế hệ có thể gửi những lời chúc chân thành qua tin nhắn, bưu thiếp, những lá thư điện tử tới thầy cô…
“Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng điều thầy cô mong mỏi nhất chính là những cố gắng trong học tập của các em học sinh. Nhìn thấy các em vượt qua khó khăn phía trước, đó là món quà to lớn nhất, không cầu kỳ nhưng đủ làm ấm áp trái tim những thầy cô giáo”, thầy Nam nhắn gửi.
Mỗi học trò có cách tri ân riêng
Ngọc Ái, sinh viên năm nhất, Khoa Giáo dục quốc phòng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, bộc bạch: “Năm nay là ngày 20.11 đặc biệt trong đời học sinh, sinh viên của em. Những năm trước, sau giờ học, chúng em đi mua bánh kem và rủ bạn bè tới thăm nhà các thầy cô, cùng ăn uống và cảm ơn thầy cô vì đã dìu dắt chúng em nên người. Năm nay trong tình hình dịch bệnh, em nghĩ rằng buổi lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam nên tổ chức trực tuyến. Mỗi học trò có nhiều cách để gửi sự tri ân tới các thầy cô của mình, như những tin nhắn, cuộc điện thoại hỏi thăm, những món quà… Từ hôm nay em đã ngồi chuẩn bị từng lời chúc để gửi riêng từng người thầy, cô thân yêu của mình và gửi tin nhắn cho thầy cô vì không thể gặp gỡ. Em nghĩ rằng quan trọng nhất là tấm lòng của mỗi học trò, chưa từng quên đi công ơn người đã cho mình có ngày hôm nay…”.
Bình luận (0)