Nam Ô - Ngôi làng huyền sử bên chân sóng: Theo dấu tích 'hải đăng' của người Chăm

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
09/09/2022 06:55 GMT+7

Chỉ là một làng cổ dưới chân đèo Hải Vân nhưng Nam Ô (P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng ) ẩn chứa rất nhiều câu chuyện thú vị về đời sống, văn hóa của cư dân miền biển. Trong loạt bài này, Thanh Niên giới thiệu đến độc giả những mảnh ghép làm nên một Nam Ô lý thú, bí ẩn…

Ngay sát mép biển làng Nam Ô, từ hàng trăm năm trước từng xuất hiện một ngôi tháp Chăm với chiều cao vượt trội. Ngọn tháp được giới nghiên cứu gọi là “hải đăng” dẫn đường cho ngư dân.

Cổ tháp trà vương

Từ tấm bản đồ in trong cuốn Di tích Chăm tại Đà Nẵng và những phát hiện mới (NXB Đà Nẵng, 2014), chúng tôi lần tìm vị trí tháp Xuân Dương tại làng Nam Ô. Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi men theo con đường mòn và đứng trước một thửa đất bằng phẳng, hướng đông nhìn về bãi đá Nam Ô nổi tiếng đẹp như tiên cảnh vào mỗi mùa rêu.

Nếu đúng như định vị trong sách, ngọn tháp giờ đã nằm sâu dưới lòng đất, bên trên là rừng keo tràm phủ kín. Những người già trong làng như cụ bà Trần Thị Linh (81 tuổi, trú tại tổ 50) cũng không biết gì nhiều khi được hỏi về vị trí của tháp Chăm Xuân Dương. “Tôi có nghe nói ngày xưa tại khu vực này từng có một ngọn tháp Chăm rất lớn nhưng cũng không biết ở đâu vì chẳng còn dấu tích gì”, cụ Linh nói.

Tài liệu trên cho biết Xuân Dương là một địa danh có ghi trên bản đồ TP.Đà Nẵng (năm 2003). Đây là tên làng cũ, hiện thuộc P.Hòa Hiệp Nam. Boisselier, một nhà khảo cổ học người Pháp, cũng dùng từ Xuân Dương để chỉ một hiện vật thu thập từ địa điểm này. Tài liệu xuất bản đầu tiên có ghi chép về di tích tại Xuân Dương là sách Đại Nam nhất thống chí (bản chữ Hán, quyển 5 - tỉnh Quảng Nam, xuất bản năm Duy Tân thứ 3 - 1909). Trong mục chép về núi Xuân Thiều có nhắc đến “cổ tháp Trà Vương di tích”.

Căn cứ các sử liệu ghi chép, tháp Chăm Xuân Dương nằm ở khu vực sát mép biển Nam Ô ngày nay, cạnh khu mộ tiền hiền

HOÀNG SƠN

“Xưa gọi là Xuân Sơn, ở xã Xuân Thiều, phía bắc huyện, phía đông trạm Nam Ô; một dãy cát bằng đột khởi hòn núi, chân núi phía đông chạy ra ngoài biển, lại nổi lên một hòn hình như đầu chim hạc, thuộc về xã Hóa Ô. Phía nam núi có những đá lớn chồng chất như hình người đứng phía đông bắc trông giống như bức thành bao quanh vậy. Phía bắc gần cửa biển Câu Đê. Phía tây núi có đền thờ, có đường trạm đi ngang qua, cỏ cây thanh tốt, trong có di tích tháp Trà Vương hồi xưa, cảnh trí thanh nhã khả ái, làm một danh thắng trong huyện hạt. Khoảng niên hiệu Thành Thái đào đục để đắp đường xe lửa bên núi ấy”, sách dẫn.

Cũng theo cuốn sách này, bản chép tay Hòa Vang huyện chí của Trần Hy Tăng và Trần Nhật Tĩnh có ghi “cổ tháp Trà Vương di tích”.

Cần cuộc đại khai quật ?

Nhiều tài liệu chúng tôi thu thập được cho thấy hơn 100 năm trước, Henri Parmentier đã tiến hành cuộc khảo sát và thông tin trên tập san của Viện Viễn Đông Bác cổ (BEFEO): “Ông Cosserat, ở Huế, có chỉ cho chúng tôi một vị trí kiến trúc Chăm gần trạm Nam Ô, dưới chân đèo Hải Vân, sát bờ biển và chúng tôi đã tiến hành cuộc thám sát nhanh vào ngày 19.4.1923”. Đến năm 1928, trong báo cáo thường niên trên BEFEO, Henri Parmentier xác định lại: “dấu vết Chăm tại Nam Ô đã nói đến trong BEFEO 1923 chính xác là thuộc địa phận làng Xuân Thiều, tổng Bình Thái… Người An Nam đã đến để lấy gạch”. Các tài liệu cũng cho biết Henri Parmentier “có thể nhận ra dấu vết của các bức tường và nền móng vuông của một ngôi tháp. Một khối đá cửa tháp còn thấy tại chỗ, về phía đông…”.

Ngày nay, khu vực được cho là vị trí của tháp Chăm Trà Vương giáp phía nam với một ngôi miếu được gọi là miếu Bà. Miếu thờ thần Bô Bô và thần Thiên Y A Na (tên gọi chỉ 2 vị thần của Champa xưa). Trong lịch sử, ngôi miếu này từng được xây dựng bởi những viên gạch Chăm. Chân tường của miếu và ở bậc thềm ghi nhận một số khối đá sa thạch. Ông Đặng Dùng (72 tuổi, một người dân địa phương chuyên nghiên cứu lịch sử Nam Ô) cho biết tháp Trà Vương được giới nghiên cứu, mà cụ thể là TS Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học VN), nhấn mạnh công năng như là ngọn hải đăng định hướng cho việc đi biển của người Chăm xưa.

Năm 2015, sau khi đào thám sát tại phế tích tháp Chăm Xuân Dương, đoàn của Viện Khảo cổ học VN đã tìm được dấu tích nền của di tích cùng nhiều gạch Chăm. Với vị trí xây dựng đặc biệt rất gần biển, cùng với việc trong lịch sử khu vực quanh tháp từng tìm thấy bệ thờ chạm khắc 4 con voi (loại bàn để đặt vật tế lễ trước cửa tháp có niên đại khoảng nửa sau thế kỷ 10 đến thế kỷ 11), các nhà nghiên cứu cho rằng ngoài chức năng như ngọn hải đăng, ngọn tháp là nơi thực hành các nghi lễ của ngư dân Chăm xưa. Cứ mỗi chuyến ra khơi, ngư dân lại đến đây cúng tế cầu an.

“Để xác định chính xác niên đại cũng như vai trò, công năng của tháp Xuân Dương đối với đời sống người Chăm xưa, cách tốt nhất là phải tiến hành khai quật trên diện rộng trước khi quá muộn. Bởi hiện nay khu vực này đã nằm trong tường bao của một dự án. Sau nhiền lần san ủi, hiện không còn dấu tích”, ông Đặng Dùng trăn trở. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho rằng từ thời Pháp thuộc cách đây 100 năm, tháp cổ đã là một phế tích và đã được người Pháp thám sát. Sau đó, TS Lê Đình Phụng cùng các cộng sự cũng đã nghiên cứu và khẳng định được vai trò của đền thờ này đối với đời sống, văn hóa người Chăm xưa.

“Vì đã là phế tích và đền thờ này không giống như những ngôi tháp lớn mang nhiều giá trị như tháp Phong Lệ (Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) nên việc khai quật lại hay không cũng cần phải cân nhắc”, ông Thiện nói. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.