Nam Ô: Từ di sản nghề nước mắm đến du lịch cộng đồng

25/07/2020 08:00 GMT+7

Sau khi nghề làm nước mắm Nam Ô được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, địa phương đã có đề án Phát triển du lịch cộng đồng và Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn liền du lịch.

Ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu cho biết, nhắc đến Nam Ô, nhiều người nhớ ngay đến câu “Nước mắm Nam Ô, cá rô Xuân Thiều”. Điều này cho thấy nước mắm Nam Ô đã đi sâu vào tiềm thức người dân, từng là sản vật tiến vua, là sản phẩm văn hóa tinh thần của làng nghề.

Sản vật tiến vua

Nước mắm Nam Ô không chỉ món ăn, gia vị, mà còn là một phần lịch sử, văn hóa, hàm chứa tri thức dân gian, thể hiện bản sắc cộng đồng vùng biển Liên Chiểu.
“Để có được thành quả hôm nay, làng nghề đã trải qua bao thăng trầm, sóng gió, nhiều lúc bị cạnh tranh thị trường, thu nhập thấp, tưởng chừng thất bại, quên lãng nhưng với truyền thống làng chài, lòng yêu biển, yêu nghề, đến năm 2004, làng nghề chính thức được khôi phục” - ông Nguyễn Đăng Huy chia sẻ.
Ông Trần Văn Miên, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết thêm, nghề làm nước mắm Nam Ô gắn liền với tiến trình mở cõi về phương Nam. Trải qua bao thay đổi thời gian, đến nay nghề vẫn tồn tại và phát triển, những kinh nghiệm dân gian, bí quyết, kỹ thuật làm nước mắm được bảo lưu, trao truyền qua nhiều thế hệ.
“Đây không chỉ là sản phẩm ẩm thực không thể thiếu trong bữa cơm hằng ngày mà còn là biểu tượng thể hiện bản sắc văn hóa cộng đồng địa phương. Nước mắm Nam Ô được nhắc đến như một món ngon nổi tiếng xứ Quảng: Tiếng đồn mì Quảng Phú Chiêm/ Cao lầu phố Hội, mắm nêm Cẩm Hà/ Tam Kỳ có món cơm gà/ Nam Ô nước mắm đậm đà thơm ngon” - ông Trần Văn Miên nói.
Đề án phát triển nghề nước mắm, du lịch cộng đồng Nam Ô nhằm bảo tồn và phát triển bền vững làng nghề

Đề án phát triển nghề nước mắm, du lịch cộng đồng Nam Ô nhằm bảo tồn và phát triển bền vững làng nghề

Nguyễn Tú

Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng khẳng định, ngày 27.8.2019, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận nghề làm nước mắm Nam Ô là di sản phi vật thể quốc gia, đã khẳng định giá trị đặc sắc của di sản, đồng thời ghi nhận công lao và tri ân sâu sắc với nghệ nhân, bà con làng nghề và cống hiến tâm sức sáng tạo, giữ gìn, trao truyền di sản này.

Điểm đến mới Nam Ô

Bên cạnh nghề nước mắm, Nam Ô còn có lợi thế cảnh quan thiên thiên, gắn với di chỉ văn hóa như đền thờ bà Liễu Hạnh, dấu tích Huyền Trên công chú, mộ cổ tiền hiền, lăng cá Ông và các dấu tích Chăm…rất thuận lợi để phát triển du lịch.
“Bên cạnh niềm vinh dự, tự hào, địa phương cần bảo vệ, phát huy giá trị nghề làm nước mắm Nam Ô, xem đây là một nhiệm vụ góp phần thực hiện chiến lực phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam” - ông Trần Văn Miên chia sẻ.
Nghề làm nước mắm Nam Ô giữ phương thức truyền thống

Nghề làm nước mắm Nam Ô giữ phương thức truyền thống

Nguyễn Tú

Do đó, UBND TP.Đà Nẵng đã phê duyệt đề án Phát triển du lịch cộng đồng với 46,1 tỉ đồng, trong đó Tập đoàn Trung Thủy, chủ đầu tư Khu du lịch sinh thái Nam Ô đóng góp 35,4 tỉ đồng, còn lại từ nguồn ngân sách. UBND TP cũng thông qua đề án Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn liền du lịch với 4,7 tỉ đồng.
Hai đề án này nhằm tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho người địa phương, tăng thu nhập, đưa sản phẩm và làng nghề lên tầm cao mới để phát triển bền vững. Cụ thể, người địa phương được tuyển dụng để khai thác các dịch vụ thuyền thúng, cho thuê xe đạp, xe điện, hướng dẫn tham quan làng nghề, đưa du khách trải nghiệm làm nước mắm.
Người dân cũng được đào tạo du lịch, khai thác kinh doanh thương mại, dịch vụ homestay, ẩm thực địa phương để cải thiện đời sống. Đặc biệt, khi Khu du lịch sinh thái Nam Ô đi vào hoạt động sẽ giải quyết một lượng lớn lao động cùng nhu cầu việc làm tại chỗ.
Cá cơm, nguyên liệu làm nên nước mắm Nam Ô

Cá cơm, nguyên liệu làm nên nước mắm Nam Ô

Nguyễn Tú

Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Trung Thủy chia sẻ, đề án có vai trò trọng tâm trong phát triển Khu du lịch sinh thái Nam Ô, với cam kết giữ gìn thiên nhiên, phát triển làng nghề, bảo tồn văn hóa và luôn đặt lợi ích của người dân lên trên hết để tạo ra môi trường du lịch bền vững.
“Khi đề án được khởi động, thì chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, chúng ta sẽ nhìn thấy một diện mạo mới khang trang hơn, tươi đẹp hơn nhưng vẫn nguyên vẹn bản sắc Nam Ô, đưa Nam Ô trở thành một điểm sáng mới trên bản đồ du lịch Đà Nẵng” - bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết tin tưởng.
Ông Trần Văn Miên còn gửi gắm, Q.Liên Chiểu với những lợi thế và tiềm năng phát triển cuả nghề, tiếp tục phát huy giá trị di sản, trong đó đặc biệt chú ý phát triển đề án, đề làng nghề trở thành sản phẩm độc đáo, quảng bá văn hóa biển đặc sắc và mang lại lợi ích cho cộng đồng.
“Trong khi nhiều loại mắm công nghiệp ra đời thì làng Nam Ô vẫn giữ cách làm nước mắm truyền thống. Đặc biệt trong thời buổi cạnh tranh, việc người tiêu dùng thông minh lựa chọn nước mắm sạch, không hóa chất, không chất bảo quản là tín hiệu vui với bà con làng nghề, nước mắm Nam Ô cũng đang dần nắm giữ thị trường và khẳng định thương hiệu”

Ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.