Đặc biệt nấm rơm rất dễ nuôi trồng trên rơm rạ, vốn nhiều vô kể ở nông thôn.
Danh sách các món ăn có dùng nấm rơm khá dài: kho thịt, xào sả ớt, xào sa tế, xào mì căn, kho tiêu, kho tàu hủ, om nước dừa, nấm rơm xào ếch, canh nghêu nấm rơm, bí đỏ hầm nấm rơm, lươn nướng nấm rơm, canh mướp nấu nấm rơm (món chay), cháo cá trê nấm rơm, lẩu nấm...
Thành phần dinh dưỡng của nấm rơm khá phong phú, trong 100 gam nấm rơm khô đúng chuẩn có chứa 21-37 gam chất đạm, 2,1-4,6 gam chất béo, 9,9 gam chất bột đường, 21 gam chất xơ, rất nhiều yếu tố vi lượng như canxi, sắt, phôtpho, các vitamin A, B1, B2, C, D, PP... Đặc biệt trong nấm rơm, thành phần đạm vừa nhiều vừa đầy đủ các axit amin tối cần thiết, hơn cả trong thịt bò và đậu tương.
Với thành phần dinh dưỡng tốt như thế, từ lâu trong y học nấm rơm được chỉ rõ là một thức ăn tuyệt vời, có thể chế biến nhiều “thực phẩm chức năng”, món ăn “thuốc” để hỗ trợ chữa bệnh, đặc biệt với năm loại bệnh nội tiết chuyển hóa nổi cộm hiện nay là: béo phì, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, xơ vữa động mạch và tăng huyết áp.
Các nhà khoa học Nhật và Mỹ cũng cho rằng các polysaccharide đặc biệt trong các nấm ăn như nấm hương, nấm đông, nấm mộc nhĩ và nấm rơm đều có chứa hoạt chất chống lại bệnh ung thư.
Theo đông y, nấm rơm vị ngọt, tính hàn, có tác dụng bổ tì, ích khí, tiêu thực, khử nhiệt, tăng đề kháng. Nấm rơm có mặt trong một số bài thuốc chữa bệnh:
* Nấm rơm xào tôm và rau dền, để chữa di tinh, hoạt tinh, yếu sinh lý.
* Nấm rơm xào với thịt chim sẻ, thịt ếch có tác dụng cường dương, kích dục...
* Canh nấm rơm nấu với đại táo, bồi bổ và tăng cường sức khỏe.
* Nấm rơm hầm đậu phụ, bồi bổ dạ dày, tì vị suy yếu, chống ung thư.
* Nấm rơm xào trứng bồ câu hay trứng cút, bổ gan thận, ích khí huyết, tăng cường sức khỏe.
TS.BS Trần Bá Thoại / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)