Môn ngữ văn đến như một cái duyên
Nguyễn Quốc Thạch (nam sinh lớp 12/2, Trường THPT Phan Bội Châu, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam), thí sinh duy nhất ở tỉnh Quảng Nam đạt 9,75 điểm môn văn. Thạch sinh ra trong một gia đình nghèo có hai anh em, ba làm thợ hồ, mẹ làm thợ may ở P.Hòa Hương (TP.Tam Kỳ). Thế nhưng cậu học trò này đã không ngừng phấn đấu để vươn lên, và suốt 12 năm liền luôn là học sinh khá giỏi.
"Em sinh ra trong một gia đình khó khăn nên chỉ có con đường học mới giúp em thoát được cảnh nghèo khó này. Đây cũng là lý do để em lấy làm động lực để cố gắng vươn lên", Thạch mở đầu câu chuyện với chúng tôi.
|
[VIDEO] Không học đại học thì làm gì?
|
Cậu học trò tâm sự, trong ba môn thi thì em thích nhất vẫn là môn tiếng Anh, từ năm lớp 10 em đã nằm trong đội tuyển học sinh giỏi môn tiếng Anh. Năm học trước, Thạch đạt huy chương đồng môn tiếng Anh cấp tỉnh, còn năm nay đạt giải 3.
Riêng môn văn, theo Thạch, như một "cái duyên". Năm lớp 10 Thạch tình cờ đọc được một bài văn rất hay nói về thực trạng giới trẻ trong đời sống xã hội hiện đại. Bài văn đã chỉ ra rất rõ lối sống thực dụng của giới trẻ hiện nay.
"Khi đọc xong bài văn này, em ngộ nhận ra được rất nhiều điều. Từ đó sau những lúc rảnh rỗi em lại tìm đọc những cuốn sách hoặc những câu châm ngôn hay nhất nói về cuộc sống con người và xã hội", Thạch tâm sự.
Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Thạch đạt tổng điểm 26,95, điểm 3 môn tuyển sinh ĐH như sau: lịch sử 9, tiếng Anh 8,2 và đặc biệt môn ngữ văn đạt 9,75 điểm gần như tuyệt đối. Thạch là thí sinh duy nhất ở Quảng Nam đạt 9,75 điểm và mong muốn sẽ được vào Trường ĐH Ngoại Ngữ - Huế, chuyên ngành tiếng Anh
Biết dựa vào thế mạnh mạng xã hội
Khi hỏi về "mẹo" để học tốt môn văn, Thạch không ngần ngại chia sẻ bí quyết: "Trước hết phải nắm chắc kiến thức cơ bản của các tác phẩm, đồng thời phải tìm hiểu thêm kiến thức bổ trợ và mở rộng ra. Để làm được những bài văn hay, em thường xuyên luyện viết tập làm văn. Bên cạnh đó, lên mạng xã hội đọc những câu châm ngôn hay về cuộc sống và tài liệu người khác chia sẻ lên".
Theo Thạch, thay vì học miên man thì cứ mỗi ngày dành khoảng 2 giờ đồng hồ để tập trung học môn văn và phân bố các môn học một cách hợp lý. Bên cạnh đó, Thạch chọn những lúc mình có cảm hứng, tâm trạng thoải mái để học bài chứ không học khi căng thẳng.
Thạch cũng cho rằng, muốn làm được bài văn hay không chỉ đơn thuần là chỉ học thuộc lòng những bài giảng của thầy, cô trên lớp. Cái quan trọng nhất mình phải thể hiện được "cái tôi" cá nhân trong mỗi bài viết, có như vậy bài viết mới trở nên sinh động.
Trong quá trình trò chuyện với chúng tôi, Thạch không ngừng cảm ơn cô giáo Bùi Thị Hoa, giáo viên dạy môn ngữ văn của trường THPT Phan Bội Châu. "Trong quá trình giảng dạy, cô luôn tìm ra những phương pháp mới để học sinh cảm thấy thích thú, không bị nhàm chán do môn văn khô khan. Cô Hoa chính làm người giúp em nhận ra học văn là xuất phát từ niềm đam mê, yêu thích chứ không phải "nhồi nhét" kiến thức để thi", Thạch vui vẻ nói.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (38 tuổi, mẹ Thạch), không giấu nổi niềm vui. Chị cho biết khi nghe tin con báo đạt được 9,75 môn ngữ văn tôi rất vui mừng. Dù đang ngồi may đồ cho khách nhưng tôi đành dẹp qua một bên để gọi điện cho bố nó đang làm phụ hồ ở nơi xa biết để chia vui cùng con.
"Thật sự ngay lúc này không có niềm vui nào lớn hơn khi nghe tin con đạt điểm cao trong kỳ thi vừa qua. Sắp tới dù khó khăn thế nào vợ chồng tôi cũng sẽ cố gắng làm lụng, vay mượn thêm để có có thể theo đuổi niềm đam mê theo đuổi "con chữ", chị Thúy nói trong nước mắt.
Bình luận (0)