Nam sinh làm thiện nguyện từ năm 16 tuổi không vì thành tích hay chờ khen thưởng

Thảo Phương
Thảo Phương
06/03/2024 16:25 GMT+7

Dù còn rất trẻ nhưng Lê Văn Phúc, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã tạo ra nhiều giá trị to lớn cho cộng đồng thông qua những hoạt động tình nguyện. Với những đóng góp đó, Phúc là 1 trong 20 ứng viên được đề cử cho Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023.

Mong muốn tạo môi trường cho người trẻ trải nghiệm

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Gia Lai, từ nhỏ Phúc đã tham gia các hoạt động thiện nguyện cùng với gia đình và được chứng kiến nhiều hoàn cảnh, mảnh đời khó khăn. Điều đó khiến Phúc không khỏi trăn trở. Phúc mong bản thân nói riêng và người trẻ nói chung làm được điều gì đấy để giúp ích cho những hoàn cảnh đó. Hơn nữa, chàng trai gen Z cũng mong muốn tạo nên một môi trường để người trẻ được cống hiến và trưởng thành.

“Mình mong có một môi trường để những người trẻ như mình được trải nghiệm và dấn thân, nhưng nó phải được duy trì lâu dài chứ không chỉ tham gia vì phong trào. Do vậy, tháng 9.2018 nhóm từ thiện Fly To Sky được thành lập, năm đó mình đang học lớp 11”, Phúc chia sẻ.

Nam sinh làm thiện nguyện từ năm 16 tuổi không vì thành tích hay chờ khen thưởng- Ảnh 1.

Lê Văn Phúc thành lập nhóm từ thiện Fly To Sky khi mới 16 tuổi

NVCC

Từ một nhóm từ thiện chỉ có sự tham gia của 40 học sinh, đến nay Fly To Sky đã trở thành tổ chức lớn mạnh với gần 7.000 tình nguyện viên ở nhiều tỉnh, thành. Với một cậu sinh viên như Phúc, thì đó là thành tựu đáng tự hào cho quá trình đầy cố gắng và nỗ lực.

Thời gian đầu khi mới thành lập nhóm, Phúc gặp không ít khó khăn. Với cậu học sinh mới 16 tuổi lúc đó thì việc đứng ra kêu gọi nguồn lực thật sự không hề dễ dàng. “Khi đó, mình còn khá nhỏ nên việc xây dựng lòng tin với mọi người khá khó. Do vậy, những ngày đầu nhóm gây quỹ bằng việc bán hàng, sau này khi đã có đủ sự tin tưởng thì tụi mình tổ chức đêm nhạc, rồi vận động từ các doanh nghiệp. Với mình, nếu chưa có nguồn lực thì sẽ làm những điều trong khả năng”, Phúc chia sẻ.

Với những người trẻ như Phúc, muốn theo đuổi con đường thiện nguyện lâu dài thì phải cân bằng được thời gian giữa việc học và tham gia hoạt động.

“Vì xuất phát từ mong muốn tạo cho người trẻ một môi trường để cống hiến và duy trì các hoạt động thiện nguyện như thói quen nên buộc các thành viên phải cân bằng hài hòa được việc học với tham gia hoạt động. Điều mà bản thân mình vẫn làm là duy trì một lối sống có kế hoạch bằng cách liệt kê ngày hôm nay mình sẽ làm những gì. Nhờ vậy mà hiện tại mình vẫn cân bằng, sắp xếp được quỹ thời gian cho mọi việc”, chàng trai trẻ chia sẻ.

Nam sinh làm thiện nguyện từ năm 16 tuổi không vì thành tích hay chờ khen thưởng- Ảnh 2.

Lê Văn Phúc (phải) mong muốn đóng góp nhiều giá trị nhân văn cho cộng đồng

NVCC

Tình nguyện bằng sự đam mê

Dù gặp không ít khó khăn, trở ngại nhưng tính đến nay nhóm từ thiện do Phúc làm chủ nhiệm đã trải qua hơn 5 năm hoạt động. Tâm sự về những động lực thôi thúc bản thân cố gắng, Phúc nói: “Thú thật mình làm thiện nguyện vì đam mê và khao khát được cống hiến. Một cậu học sinh mới 16 tuổi, khi bắt tay vào làm mình chỉ có tấm lòng nhiệt thành và mong muốn cho đi chứ không có gì”.

Phúc cũng chia sẻ rằng, quan điểm của cậu khi tham gia các hoạt động tình nguyện không phải chạy theo phong trào mà bản thân phải cho được cái mà người ta cần và phải theo đuổi được lâu dài. “Nhóm mình không tìm kiếm những ý tưởng mới để làm mà các dự án phải xuất phát từ thực tiễn, giải quyết các vấn đề thực tế của địa phương và đồng hành cùng họ lâu dài”, Phúc nói.

Cho đi nhiều nhưng Phúc chẳng mong được nhận lại gì cho riêng bản thân. Điều mà nam sinh mong muốn nhất khi làm thiện nguyện là nhìn thấy niềm vui, sự hạnh phúc của những người được giúp đỡ chứ không phải để lấy thành tích hay chờ khen thưởng. “Mình có cơ hội nhận được rất nhiều giải thưởng, danh hiệu khác nhau nhưng đó không phải là mục tiêu cuối cùng mà bản thân hướng đến. Điều quan trọng nhất là mình giúp được bao nhiêu người, cuộc sống họ thay đổi ra sao. Vì chỉ có những giá trị mình tạo ra mới khiến người khác nhớ mãi”, Phúc bày tỏ.

Chàng trai gen Z cũng chia sẻ thêm rằng trong những năm tháng tham gia hoạt động thiện nguyện bản thân Phúc đã học hỏi được rất nhiều điều, nhận được các bài học quý giá, giúp cậu trưởng thành hơn. Và điều khiến Phúc tự hào nhất bây giờ là đã có thể tạo ra môi trường để nhiều bạn trẻ dám làm, dấn thân, trải nghiệm và cống hiến cho xã hội.

“Sắp tới cho dù có nhận được Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu hay không thì mình và nhóm vẫn sẽ tiếp tục cố gắng thực hiện những dự án còn dang dở, viết tiếp sứ mệnh của Fly To Sky”, Phúc nói.

Một số thành tích nổi bật của Lê Văn Phúc

Phúc đã sáng lập và điều hành nhóm thiện nguyện Fly To Sky với gần 7.000 tình nguyện viên tham gia; hơn 5 năm qua nhóm thiện nguyện đã và đang thực hiện hơn 27 dự án cộng đồng, hơn 150 chương trình, chiến dịch ở các lĩnh vực văn hóa – giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội và môi trường tại 23 tỉnh, thành phố khác trên cả nước với tổng kinh phí gần 12 tỉ đồng…

Phúc tham gia nhiều diễn đàn, là người truyền cảm hứng, chia sẻ các thông điệp sống tử tế, tích cực cho cộng đồng, đặc biệt là người trẻ; chia sẻ câu chuyện trên hơn 250 báo, truyền hình, tạp chí…

Phúc được T.Ư Đoàn trao tặng Giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2019.

Năm 2020, Phúc được T.Ư Đoàn trao tặng huy hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc.

Giải thưởng Thanh niên sống đẹp năm 2022.

Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động tình nguyện vì cộng đồng năm 2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.