'Nam sinh lớp 9 nhảy lầu': Hãy thử đặt chân vào chiếc giày của em

29/11/2015 10:13 GMT+7

Các bậc phụ huynh hãy thử 'đặt chân vào chiếc giày' của con em mình để từ đó trở thành người 'đứng cùng chiến tuyến', hơn là vạch ra một lằn ranh phân định.

Các bậc phụ huynh hãy thử 'đặt chân vào chiếc giày' của con em mình để từ đó trở thành người 'đứng cùng chiến tuyến', hơn là vạch ra một lằn ranh phân định.

Đ. chạy lên tầng 3 của ngôi trường, rồi nhảy xuống, sau khi lời qua tiếng lại với chị gái trước cổng trường - Ảnh: Lương Ngọc
Đ. là một học sinh hiền lành, học giỏi ở Trường THCS Lý Tự Trọng (quận Gò Vấp, TP.HCM). Không ai ngờ được chuyện trong sáng 28.11,  sau khi lời qua tiếng lại với chị gái trước cổng trường, Đ. chạy một mạch lên lầu 3 rồi nhảy xuống đất tự tử


Tính độc lập và quyền bình đẳng trong quan hệ của các em với người lớn là vấn đề phức tạp và gay gắt nhất trong giao tiếp của các em với người lớn nói riêng, trong việc giáo dục các em ở lứa tuổi này nói chung.


Thạc sĩ Đào Lê Hòa An


Đ. vẫn đang được cứu chữa tại bệnh viện, nhưng sự việc một lần nữa nhắc nhở các bậc phụ hunh về cách ứng xử phù hợp với con em ở độ tuổi thiếu niên, vị thành niên.
Dễ kích động, dễ bột phát 
Thạc sĩ Đào Lê Hòa An (Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam) cho rằng ở tuổi thiếu niên, quá trình hưng phấn của hệ thần kinh chiếm ưu thế rõ rệt so với khả năng ức chế, dẫn đến thiếu niên không làm chủ được cảm xúc của mình, không kiềm chế được những xúc động mạnh. Các em dễ bị kích động, dễ bực tức, cáu gắt, mất bình tĩnh và có những hành vi bột phát.
“Tính độc lập và quyền bình đẳng trong quan hệ của các em với người lớn là vấn đề phức tạp và gay gắt nhất trong giao tiếp của các em với người lớn nói riêng, trong việc giáo dục các em ở lứa tuổi này nói chung. Không nên coi đây là biểu hiện của sự “khủng hoảng” tuổi dậy thì, mà là sự khủng hoảng trong quan hệ của thiếu niên với người lớn, chủ yếu do người lớn gây ra”, thạc sĩ Hòa An nhấn mạnh.
Thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh (Giảng viên khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM) chia sẻ rằng khi thái độ ứng xử của người lớn dành cho các em là kiểu ứng xử dành cho trẻ con thì các em sẽ có những phản ứng tiêu cực.
“Với sự việc đáng tiếc xảy ra ngày hôm qua, có thể sự va chạm với người thân trước cổng trường, nơi có nhiều bạn bè, đã khiến Đ. cảm thấy mình bị tổn thương. Vì ở tuổi này, hình ảnh Đ. muốn xây dựng với bạn bè và vị trí em mong muốn có được trong lòng bạn bè là rất lớn. Mối quan hệ bạn bè là một phần tất yếu của cuộc sống các em”, thạc sĩ Mỹ Hạnh nhận định.
Bên cạnh đó, các em ở độ tuổi này lại thường xuyên suy diễn, thổi phồng những tác động của người lớn mà các em cho là không phù hợp. Chỉ cần người lớn hành xử làm tổn thương chút ít đến các em thì các em thường xem đó là sự xúc phạm lớn và phản ứng tiêu cực với cường độ mạnh, theo thạc sĩ Mỹ Hạnh.
Đặt chân vào "chiếc giày" của con em mình
Để hạn chế những mâu thuẫn dẫn đến hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, thạc sĩ Đào Lê Hòa An nhắc lại rằng người lớn nên xây dựng mối quan hệ bạn bè, bình đẳng và tế nhị trong ứng xử với con em ở độ tuổi này.
Thạc sĩ Hòa An đưa lời khuyên: Các bậc phụ huynh nên đặt chân vào chiếc giày của con để thấu hiểu và đồng cảm về những suy nghĩ và cảm nhận của con. Từ đó, nên là người “đứng cùng chiến tuyến” với con hơn là vạch ra một “lằn ranh" phân định.
"Không la mắng các em trước mặt người khác. Nếu bắt buộc phải có những răn đe, cần tập trung vào hành vi sai trái chứ không hạ thấp hay nhục mạ nhân cách", thạc sĩ Hòa An nói.
Đừng để sự giận dữ "giết chết" sự tinh tế
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, nhận định: "Chính vì luôn nghĩ rằng con mình còn nhỏ, con mình vẫn là con mình, con mình có sai, mình có quyền la mắng dễ dẫn đến những cái kết rất thương tâm. Đó là sự phản ứng tức tưởi, là sự thiếu kiểm soát cảm xúc, là hành vi tự kết liễu đã trở thành phản ứng quá tiêu cực.
Con cái cần sự tôn trọng nhất định. Việc mắng con cái trước bạn bè đã vô tình chạm vào lòng tự trọng và sĩ diện của trẻ. Điều đó đã làm cho trẻ cảm thấy khó chấp nhận và hành vi cuối cùng là cần thể hiện mình, giải tỏa cám xúc nến đã dẫn đến hành vi tự tử.
Nỗi đau còn ở lại mãi. Vấn đề này sẽ là một kinh nghiệm cần quan tâm trong các nguyên tắc giáo dục con tuổi dậy thì: tôn trọng, có thiện ý và chân thành nhưng tránh giận dữ và thiếu tinh tế với các em".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.