Khi còn là học sinh tiểu học, Kensuke Makihata thường xuyên ngủ trong lớp và ở trung tâm học thêm. Và tình trạng này còn xảy ra giữa các bữa ăn, khiến cậu bé trải qua thời gian vô cùng khó khăn.
Cha mẹ cũng thường xuyên la mắng cậu bé vì cho rằng con trai họ không nghiêm túc học tập. Tuy nhiên, sau một thời gian, họ phát hiện có điều gì không đúng và dẫn con đi khám bệnh.
Tại bệnh viện, các bác sĩ xác định Makihata mắc chứng ngủ rũ, một chứng rối loạn giấc ngủ hiếm gặp có thể làm gián đoạn cuộc sống và thói quen hằng ngày của bệnh nhân.
Ước tính cứ mỗi 1.000 người thì có một người bị chứng ngủ rũ, xảy ra do não không sản sinh được một chất gọi là neuropeptide orexin, khiến bệnh nhân không duy trì được sự tỉnh táo.
Ở tư thế ngồi, bệnh nhân lâm vào tình cảnh bị ngủ gục vô phương khống chế từ vài phút đến vài chục phút và cứ thế tái diễn nhiều lần trong ngày.
Sau khi xác định được tình trạng bệnh tật, gia đình không biết phải xoay sở như thế nào, vì người cha Kiyoshi, hiện 52 tuổi, là bác sĩ và rất hy vọng con trai có thể kế nghiệp phòng mạch gia đình.
|
Mọi chuyện tưởng chừng như bế tắc, cho đến khi Makihata tình cờ nghe được bài thuyết trình của giáo sư Masashi Yanagisawa, 58 tuổi, đang công tác tại Đại học Tsukuba ở Tsukuba. Lúc đó Makihata học lớp 11.
Cuộc gặp gỡ với giáo sư Yanagisawa, người đã phát hiện orexin và làm rõ cơ chế của chứng ngủ rũ, đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của nam sinh này.
Makihata hỏi ông Yanagisawa rằng liệu vị giáo sư tình cờ biết được người nào mắc chứng này và vẫn thi đậu vào trường y hay không. Câu trả lời là có, giúp khơi gợi hy vọng cho cậu học sinh.
“Tôi không còn cách nào khác mà phải sống với chứng bệnh này”, tờ Asahi Shimbun hôm 24.3 dẫn lời anh Makihata. Sau khi nỗ lực học tập, cậu đã thi đậu trường y vào năm 18 tuổi.
Bình luận (0)