Lâm Đại Lộc (dân tộc Tày, ở thôn Làng Chiềng, xã Ngòi A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) đang học lớp 12 A Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Yên Bái.
Suốt các năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12, em đều đạt học sinh giỏi với kết quả học tập từ 8,0 trở lên. Tuy nhiên, sau khi phải nghỉ học ở nhà tránh dịch Covid-19, con đường học tập của Lộc bị gián đoạn và có nguy cơ phải bỏ học do không có điều kiện để theo học.
“Kiếm được cái gì ăn cái đó”
Lộc mồ côi cha từ nhỏ và đang ở với mẹ già (62 tuổi) bị tàn tật 81%, mất khả năng lao động và anh trai nuôi. “Bố mẹ em là nông dân, lấy nhau 13 năm không có con, mãi đến năm mẹ 45 tuổi mới sinh ra em. Nhưng khi em được 10 tuổi thì bố đột ngột qua đời bị bệnh xuất huyết não.
Mẹ em vì lao động nặng nhọc kiếm sống nên bị viêm đa khớp, đứt dây võng sụn 3 đốt cột sống và bị gù lưng. Khi mẹ em đẻ em thì phải đi mổ, mất rất nhiều máu và bị suy tim nặng, đến nay bệnh ngày càng nặng thêm”, Lộc tâm sự.
|
Do bị ốm đau, nhiều bệnh, nên Bà Hoàng Thị Ảnh (62 tuổi, dân tộc Tày), mẹ Lộc đã bị tàn tật từ 30 năm nay và đang phải cấp cứu tại Bệnh viện huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái với tình trạng suy tim rất nặng. Mấy năm gần đây, bà Ảnh còn bị u nang buồn trứng, u tuyến giáp, cao huyết áp… nên phải liên tục đi nằm viện. Vì thế, gia đình Lộc rơi vào túng quẫn liên miên. Căn nhà em ở vẫn là nhà tranh vách đất xiêu vẹo, trong không có gì đáng giá.
“Gia đình em chỉ có một lao động chính là người anh trai nuôi, được bố mẹ em đã nhận về nuôi từ nhỏ, do anh bị thất lạc gia đình. Anh trai nuôi cũng không có việc làm ổn định chỉ quanh năm đi làm thuê nuôi mẹ và em ăn học. Nhưng khi mẹ em ốm, anh phải đi chăm sóc thì trong nhà không còn người làm nữa”, Lộc chia sẻ.
|
Thời gian Lộc ở nhà để tránh dịch Covid-19, thì mẹ Lộc cũng tái phát bệnh tim, nên anh nuôi Lộc phải đi chăm mẹ ở viện. “Khi anh ở nhà thì còn trồng được rau ăn nhưng giờ anh phải chăm mẹ ở viện nên rau cũng hết. Em chỉ kiếm được cái gì ăn cái đó”, Lộc kể.
Đạp xe 10 km đường rừng ra phố xin sóng wifi nhưng bị đuổi
Cũng từ khi nghỉ học về nhà tránh dịch Covid-19 thì việc học bị dang dở, vì Lộc không có phương tiện để học trực tuyến hay học trên truyền hình. “Nhà em có 1 cái ti vi cũ, mua chục năm nay rồi, giờ nó hỏng, cứ thỉnh thoảng phải đập vào nó mới lên hình, trời mưa thì nó tắt luôn, lại còn không bắt được kênh truyền hình dạy học nên em không biết học tiếp như thế nào”, Lộc kể.
Lộc cũng cho biết, các thầy cô ở trường dạy học trực tuyến nhưng em chỉ có chiếc điện thoại đời cũ được anh nuôi mua cho với giá vài trăm nghìn từ hơn 2 năm trước, nên giờ nó không tải được các bài học thầy cô gửi qua mạng. Thấy bạn bè được học, nên Lộc cũng đã cố gắng tìm cách học. Mỗi tuần vài buổi, em lại đạp xe khoảng 10 km đường rừng, từ nhà ra trung tâm huyện để vào nhà dân bắt nhờ sóng wifi, rồi nhờ bạn bè tải bài học về chụp lại bằng ảnh gửi cho.
Tuy nhiên, việc học như thế này cũng gặp không ít khó khăn. “Khi ra phố, em chẳng có người quen, cứ hỏi nhờ nhà dân (vì dịch bệnh nên quán xá cũng không mở cửa) để bắt nhờ sóng wifi, nhưng chỉ được 1 lần, lần sau họ không cho nữa, nên thấy em đứng lâu là họ đuổi”, Lộc tâm sự.
Lộc cũng chia sẻ, có hôm em lên đồi cao để dò sóng 3G nhưng chiếc điện thoại quá cũ nên bắt sóng rất kém, cứ lúc được, lúc mất. “Do mẹ đang bệnh nặng phải dồn tiền cho mẹ đi viện và anh cũng đã phải vay mượn quá nhiều, nên không thể có tiền mua điện thoại hay ti vi cho em học được. Các bạn em thì đã học được nhiều lắm rồi, mà em thì không, trong lúc kỳ thi tốt nghiệp sắp đến nơi rồi. Em không biết mình có thể theo học được nữa không”, Lộc lo lắng nói.
Đáng nói, gia đình quá khó khăn, nên mẹ Lộc không muốn cho con đi học nữa. “Khi em nói ý định với mẹ là muốn học đại học, mẹ bảo là "mẹ yếu lắm rồi, sợ không chờ được con về". Em đi học xa nhà, sẽ không chăm lo cho mẹ được và nếu có đỗ đại học thì cũng không biết có thể tiếp tục học hay không, vì gia đình em không có tiền. Em hoang mang lắm!”.
|
Rồi Lộc nghẹn ngào nói: “Em hiểu tình mẹ như thế nào, đêm nào em cũng suy nghĩ... Mẹ bị gù lưng vẫn mang nặng đẻ đau ra em, rồi để bị bệnh tim suốt bao năm qua, mà em thì không thể thành công ngay được, để báo hiếu mẹ. Em mất bố rồi, giờ cũng còn mỗi mẹ với anh. Nếu em cứ quyết định đi học vì tương lai của bản thân, sợ một ngày nào đó em lại hối hận cả đời. Em sợ lắm!”.
“Học để có tương lai là như thế nào?”
Đây không phải là lần đầu Lộc phải đứng trước lựa chọn có theo học tiếp hay không. Năm lớp 10, em từng xin nghỉ học vì gia đình quá khó khăn. Cô giáo Hoàng Thị Huệ, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A của Lộc, cho biết dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng Lộc rất hiếu học và học rất giỏi.
“Lộc học giỏi đều các môn tự nhiên và xã hội với kết quả học tập từ 8,0 trở lên. Em là học sinh giỏi cấp tỉnh môn địa lý và còn tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi môn văn cấp tỉnh, được tham gia câu lạc bộ văn học của tỉnh. Lộc là học sinh thông minh và rất ngoan ngoãn…”, cô Huệ nói.
|
Cô Huệ cũng cho biết, trong thời gian học nội trú ở trường, thỉnh thoảng Lộc lại xin phép về chăm mẹ ốm, nhà trường cũng tạo điều kiện và tìm các học bổng xã hội để giúp đỡ em.
“Nhưng học hết năm lớp 10 thì Lộc xin nghỉ học. Khi tôi liên hệ về nhà thì được anh nuôi Lộc cho biết mẹ em bị tai biến rất nặng và không cho Lộc đi học nữa vì lo không đủ điều kiện nuôi tiếp. Tôi phải nói với anh Lộc là cứ cố gắng nuôi em để sau này còn có tương lai”, cô Huệ kể.
Nhưng khi ấy anh trai Lộc vẫn chưa hiểu lời động viên của cô giáo vì anh cũng là người dân tộc, chỉ đi học biết cái chữ là nghỉ. “Mấy hôm sau, tôi thấy anh Lộc xuống tận trường gặp tôi và hỏi: học để có tương lai là như thế nào? Tôi giải thích rằng nếu sau này Lộc đỗ được vào các trường công an hay quân đội thì sẽ được nhà nước nuôi ăn, học, ra trường không phải lo nghề nghiệp. Vậy là anh trai Lộc bảo để về suy nghĩ bàn với mẹ. Rồi mấy hôm sau thì anh Lộc gọi điện nói sẽ để cho Lộc tiếp tục học, nhưng cô giáo phải cho Lộc được học trường quân đội…”, Cô Huệ tâm sự.
Cô Huệ cũng trải lòng, với những học sinh như Lộc, cô luôn tìm cách động viên, giúp đỡ để em có được một tương lại tươi sáng hơn. “Hiện nhà trường luôn tìm quỹ học bổng xã hội để hỗ trợ cho em ăn học, nhưng mỗi năm chỉ được vài triệu đồng. Giờ hoàn cảnh nhà Lộc càng ngày càng khó khăn, lại ảnh hưởng của dịch bệnh mà em không thể tới trường, cũng không có phương tiện để học trực tuyến. Tôi lo lắng lắm, chỉ sợ Lộc lại không được đi học nữa. Tôi mong các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ, để em ấy không phải bỏ học giữa chừng...”, cô Huệ xúc động nói.
Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM.
Nội dung ghi: Giúp đỡ em Lâm Đại Lộc (tỉnh Yên Bái); hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến Lộc trong thời gian sớm nhất.
|
Bình luận (0)