(TNO) Một quan chức cao cấp của Nam Sudan tuyên bố nước này đã ngừng khai thác 900 giếng dầu sau khi buộc tội Sudan ăn cắp dầu của họ, hãng AP đưa tin.
Ông Pagan Amum, Tổng thư ký của Phong trào Giải phóng nhân dân Sudan (đảng cầm quyền tại Nam Sudan), ngày 25.1 cho biết việc đóng cửa các giếng dầu sẽ có tác động lớn đến quốc gia mới, vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn lợi dầu mỏ.
Nhưng ông khẳng định thà để dầu yên vị dưới lòng đất hơn là để mất vào tay Sudan. “Điều đó thậm chí còn tồi tệ hơn”, ông nhấn mạnh.
Thông tin trên được đưa ra một ngày sau khi Nam Sudan và Kenya ký bản ghi nhớ xây dựng một đường ống dẫn dầu từ các mỏ dầu đến Lamu, vốn tọa lạc trên bờ biển phía bắc Kenya, nơi một cảng mới sẽ được xây dựng.
Dự án đã là đề tài đồn đoán trong vài năm qua, nhưng Bộ trưởng Dầu mỏ Nam Sudan Stephen Dhieu Dau khẳng định việc lập dự án giờ đây sẽ được bắt đầu trong thời gian sớm nhất có thể.
“Chúng tôi không biết chính xác khi nào, nhưng đường ống là một vấn đề ưu tiên của chính phủ”, ông Dau cho biết.
Thỏa thuận trên, vốn được Thủ tướng Kenya Raila Odinga và Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir ký kết ở Juba, đạt được khi các cuộc thương thuyết giữa Sudan và Nam Sudan đang bị bế tắc.
Tâm điểm của cuộc thương thuyết là mức phí do phía Khartoum ấn định. Toàn bộ dầu của Nam Sudan được xuất khẩu thông qua các đường ống của Sudan. Khartoum đề nghị mức phí 32 USD trên mỗi thùng dầu xuất khẩu qua các đường ống của nước này, nhưng Juba coi đó là hành động tống tiền.
Đến lượt mình, Nam Sudan chỉ đề nghị 1 USD/thùng, mức phí mà Bộ trưởng Thông tin Nam Sudan Benjamin Barnaba Marial tuyên bố là “cao nhất thế giới”.
Ông Dau cho biết Kenya đã đồng ý ấn định mức phí cho đường ống sẽ được xây dựng “dựa trên những thông lệ nhà nước tốt nhất”.
Ông Dau nói một ủy ban lập kế hoạch sẽ được thành lập ngay lập tức để xác lập chi phí cho dự án cũng như các vấn đề về môi trường và xã hội liên quan đến việc xây dựng đường ống.
Nam Sudan ngày 22.1 đã ngừng sản xuất dầu sau khi buộc tội Sudan đánh cắp 815 triệu USD giá trị dầu của Nam Sudan.
Nam Sudan đã tách khỏi Sudan vào tháng 7.2011 để trở thành quốc gia mới nhất thế giới, nhưng hai nước chưa bao giờ đạt được thỏa thuận về mức phí trung chuyển dầu mà Juba phải trả cho Khartoum.
Khang Huy
>> Iran loại công ty Nga khỏi dự án dầu
>> Trung Quốc che đậy sự cố rò dầu
>> Câu chuyện bên giếng dầu cổ
>> Mỹ kiện BP về vụ tràn dầu
>> BP đòi các đối tác chi 4,5 tỉ USD dọn dầu loang
Bình luận (0)