Cuộc sống sẽ không có ngõ cụt nếu chúng ta quyết tâm đến cùng tìm lối ra. Tiến Đoàn giờ đã bình yên sau những cú sốc. Được mời đến Thái Lan làm giám khảo cuộc thi Nam vương Quốc tế 2017 (mà trước đó năm 2008 anh từng đăng quang), Tiến Đoàn vừa trở lại Mỹ để tiếp tục công việc. Anh đã dành cho Thanh Niên cuộc trò chuyện về cuộc sống của mình nơi xứ cờ hoa.
* Đang yên đang lành với nhiều show diễn, đóng phim trong nước bỗng nhiên bạn chọn đi học ngành phi công tại Mỹ để rồi gặp sự cố chủ đầu tư của trường bạn học ôm tiền bỏ trốn. Đúng là trường hợp của bạn quá hi hữu. Cuộc sống hiện nay của bạn có còn “bi thảm” như hồi mới sang?
- Nam vương Tiến Đoàn: Thật sự là tôi thiếu may mắn, các tin không tốt cứ đến dồn dập… nhưng giờ cũng đỡ rồi (cười). Nói “bi thảm” có vẻ hơi quá vì cuộc sống có lúc thăng lúc trầm, không nên nghĩ quá tiêu cực. Tuy nhiên nếu làm bài toán so sánh mới hiểu đúng hơn những gì Tiến Đoàn đã trải qua. Lúc trường tôi gặp sự cố, bạn bè ly tán, tiền học và dành dụm đã gần hết, không người thân nơi đất khách quê người. Giấy tờ đi làm cũng không có (luật pháp bên Mỹ hơi khắt khe, đòi hỏi mọi người nước ngoài phải có giấy phép mới có thể đi làm, đóng thuế)… đã từng là một cú sốc lớn đối với tôi. Hiện tại tôi đỡ hơn rồi, bạn bè “vừa đủ”, đi làm có giấy tờ đàng hoàng, công việc chụp hình cũng tạm ổn, việc học cũng được tiếp tục. Nhìn lại thấy được thở phào nhẹ nhõm khi mọi thứ đi qua.
|
* Đã có vài người bạn của Tiến Đoàn trở về nước sau khi trường bạn đóng cửa. Tại sao bạn không chọn giải pháp này để đỡ phải mất một thời gian quá khổ tại Mỹ tìm kiếm cuộc sống mới đầy thử thách?
- Đã có nhiều người khuyên tôi từ bỏ nhưng tôi hơi cứng đầu, không chấp nhận đầu hàng dễ dàng như vậy. Mất một số tiền lớn là một chuyện, thời gian và cơ hội nghề nghiệp còn là cái mất lớn không kém. Do đó, nếu về nước tôi đã lãng phí quá nhiều. Chấp nhận một ít khó khăn trước mắt để có được kết quả tốt là điều mà tôi đã lựa chọn.
|
- Tôi không nghĩ quá đơn giản như vậy đâu. Ở đây, cơ hội có nhưng cạnh tranh cũng rất nhiều. Ở khu người Việt nơi tôi đang sống studio chụp hình dày đặc. Người Mỹ cũng có, người Việt cũng nhiều và cả các dân tộc khác nữa nên sự cạnh tranh rất cao. Dịch vụ lẫn giá cả thay đổi chóng mặt. Tôi vẫn phải học nhiều hơn nữa mới có thể tồn tại lâu trên mảnh đất này. Tương lai chưa dám nói trước.
* Vậy danh hiệu Nam vương Quốc tế có cho bạn nhiều lợi thế khi sống tại Mỹ, và cộng đồng người Việt ở Mỹ có biết nhiều đến tên tuổi Tiến Đoàn không?
- Cũng có lợi một ít (cười). Nhiều người đến studio chụp đơn giản chỉ để thấy mình ở ngoài như thế nào thôi. Nhưng số này không nhiều lắm, vì muốn được chọn thì thường phải gửi sản phẩm cho khách hàng xem trước. Bên này các cuộc thi sắc đẹp nhiều lắm, ngồi kể không hết luôn.
|
* Ba năm qua, cộng đồng người Việt tại Mỹ phát triển khá mạnh về các cuộc thi nhan sắc lẫn giải trí. Điều này hẳn cho Tiến Đoàn thêm cơ hội hoạt động nơi xứ người?
- Đúng là vậy. Mỗi năm các cuộc thi sắc đẹp dành cho thiếu nữ, quý bà, quý ông cứ diễn ra liên miên. Các cuộc thi không cần xin phép như ở Việt Nam nên chất lượng là điều thường xuyên phải bàn cãi. Tuy nhiên, với tôi, các cuộc thi này không nhằm mục đích quá cao sang như: đại diện cho nhan sắc nước nhà, làm rạng danh trên quốc tế hay góp sức cho sự thay đổi thế giới… Tôi chỉ coi đây là sân chơi cho người Việt ở hải ngoại, đơn giản chỉ vậy. Tôi được mời làm giám khảo cho hầu hết cuộc thi đó. Song, do thời gian cũng như xem xét một ít thông tin về ban tổ chức nên tôi chỉ tham gia một số cuộc tại đây. Tôi thường diễn cho các show của Mỹ hơn, còn các show thời trang của người Việt tại đây tôi chưa có cơ hội được cộng tác. Hy vọng thời gian tới sẽ sắp xếp tham gia nhiều hơn nữa. Còn các show truyền hình tại Mỹ tôi cũng tham gia một ít, không nhiều lắm.
* Có một dạo người ta đồn rằng Tiến Đoàn đang yêu một ca sĩ nổi tiếng nên cuộc sống ở Mỹ bớt đi khó khăn nhờ mối quan hệ từ ca sĩ này? Bạn nói gì?- (Cười) Tôi cũng mong có ai đó đỡ đầu mà sao khó quá, tìm chưa ra cho đến bây giờ. Tin đồn vẫn là tin đồn mà thôi.
* Vừa rồi Tiến Đoàn đi Thái Lan chấm Nam vương Quốc tế và trở về thăm nhà quá nhanh. Bạn bận việc tại Mỹ hay sao?
- Đúng là do tôi có một số cái hẹn chụp hình đã lên lịch. Làm trễ ngày cưới, ngày trọng đại trong cuộc đời khách hàng là điều không thể chấp nhận nên tôi phải về ngay. Tôi rất muốn ở lại Việt Nam chơi lâu hơn với mọi người.
* Việc trở thành giám khảo quốc tế có cho Tiến Đoàn thêm lợi thế trong hoạt động nghệ thuật ở Mỹ?
- Lợi thế cho hoạt động tại Mỹ là rất ít. Vì bên Mỹ khi gửi hồ sơ casting không ai xem danh hiệu, thành tích của mình là gì đâu. Bầu show hay nhà thiết kế chỉ xem hình ảnh hiện tại của mình có phù hợp với trang phục của họ hay không mà thôi.
|
* Nhắc thêm về Nam vương Quốc tế 2017, trong đêm chung kết vừa qua, là giám khảo Việt Nam, bạn có nghĩ thí sinh mình ra đấu trường quốc tế phải trả lời ứng xử bằng tiếng Anh sẽ ổn hơn nói tiếng mẹ đẻ rồi nhờ phiên dịch?
- Tiếng Anh không phải là điều bắt buộc đối với mọi thí sinh thi các cuộc thi sắc đẹp quốc tế. Miễn là họ có thể truyền đạt hết tình cảm, sự thân thiện, suy nghĩ… cho mọi người. Còn nhớ năm 2008, Hoa hậu Nga Ksenia Sukhinova đã đăng quang Hoa hậu Thế giới mặc dù không trả lời được bằng tiếng Anh. Tuy vậy, chắc chắn trong quá trình cuộc thi diễn ra cô đã thể hiện rất tốt với mọi người bằng sự hoà đồng, nụ cười tươi sáng, thân thiện của cô. Nói vậy, không có nghĩa tôi phủ nhận ưu thế của người biết nói tiếng Anh mà chỉ nghĩ đây không phải là điều quan trọng nhất.
* Nói vậy nhưng có một thực tế ví như Hoa khôi Nam Em ở Hoa hậu Trái đất 2016 và Tiến Đạt ở Nam vương Quốc tế 2017 vì không nói tiếng Anh nhờ phiên dịch dẫn đến gặp sự cố lớn nên mới không đạt kết quả cao. Tiến Đoàn chia sẻ một chút kinh nghiệm từ bản thân để thí sinh Việt Nam nắm hơn?- Để đừng gặp sự cố về ngôn ngữ chỉ đơn giản phải học tiếng Anh thôi, không còn cách nào khác. Tự mình trả lời và tự có trách nhiệm với lời nói của mình thì sẽ không bị rơi vào hoàn cảnh tương tự như Nam Em thôi.
Bình luận (0)