'Nam Xương tửu quán' - Những câu chuyện của làng quê

24/11/2022 07:04 GMT+7

Những truyện ngắn trong Nam Xương tửu quán của nhà văn Trương Điện Thắng mang hơi thở dòng văn xuôi trữ tình, với một lối viết giàu cảm xúc. Các nhân vật vẫn thấp thoáng đâu đấy hình ảnh của tác giả được diễn ngôn bằng một lối viết tự sự chú ý đến tâm trạng của nhân vật.

Cô bé Huệ trong truyện Cây mai hạ là bạn thân thiết gần gũi của Khoa thời còn học lớp Nhứt trường làng, biết bao kỷ niệm khó quên ở vùng quê bên cây mai hạ hiếm có, một loại mai đại lão vì thường chỉ nở bông trắng vào mùa hạ. Nếu mai nở tiếp vào mùa thu là báo hiệu thiên tai dịch bệnh sẽ xảy ra. Cây mai hạ trở thành một hình ảnh “linh thiêng” đối với người làng. Hai người bạn nhỏ phải xa nhau sau cái chết của mẹ Khoa. Ba của Khoa phải gửi con vào ông chú ở xa, có điều kiện để học thành tài. Còn Huệ thì vẫn ở lại làng. Khi về lại làng đã 50 năm sau, Khoa trở lại thăm cây mai hạ với tư cách là một nhà lâm học ở nước ngoài. Cứ tưởng đó là công việc nghiên cứu của một nhà khoa học, nhưng thật ra trong sâu thẳm của lòng mình, đó là cuộc trở về tìm lại những kỷ niệm ấu thơ của đời người. Câu chuyện kết thúc khi Khoa biết rằng Huệ đã đi tu trong một ngôi chùa ở Huế nhưng có lúc đã về lại quê xưa chỉ để “xin chiết một cành mai hạ ra trồng ở sân chùa”. Chỉ một chi tiết nhỏ nhưng đã thể hiện nỗi nhớ nhung về quê hương tuổi thơ trong tâm hồn của hai nhân vật chính, luôn khắc khoải day dứt với nỗi nhớ đến nghẹn lòng: “Là một nhà lâm sinh, Khoa rất thích một loại tín ngưỡng về cây của người Việt. Trong cái im lặng của cây còn có tâm hồn của con người bền quyện”. Không gian truyện ngắn thường dựa trên lối viết đồng hiện, có độ lùi về khoảng cách thời gian và địa lý. Đọc Cây mai hạ được viết nhẹ nhàng êm ái bằng một ngôn ngữ lắng đọng như thơ.

'Nam Xương tửu quán' - Những câu chuyện của làng quê - Ảnh 1.

Bìa sách

NXB

Những truyện ngắn trong Nam Xương tửu quán thường mang một nỗi cảm thương bùi ngùi, xa xót nhưng kết thúc thường lóe lên một niềm hy vọng như một niềm an ủi ấm áp. Các nhân vật từng gắn bó neo đậu yêu thương suốt thời thơ ấu hoặc thiếu niên để rồi mấy chục năm sau bất ngờ gặp lại trong một hoàn cảnh có khi rất nghiệt ngã. Quận và Thu trong truyện Giấc mơ dài cũng nằm trong hoàn cảnh như thế. Họ là “thế hệ của những con người, mặc dù đã may mắn tránh được bom đạn chiến tranh, vẫn bị chiến tranh hủy diệt...” (Remarque). Sau bao năm chia cách do hoàn cảnh, mỗi nhân vật đã có một số phận khác, nhưng đều có chung một mối cảm hoài, tiếc thương ngày xưa cũ về nơi quê hương nguồn cội: “Quận mỉm cười đưa cả hộp quẹt và thuốc cho Thu, rồi nói: Cuộc đời nào rồi cũng như một giấc mơ dài, chỉ có điếu thuốc này là ngắn…”. Tình yêu giữa hai người kết thúc có đôi chút ngậm ngùi nhưng vẫn sáng lên niềm thương yêu của sự chia sẻ ấm áp như thể chẳng mất nhau trong tâm tưởng.

Nam Xương tửu quán - truyện ngắn được đặt tên cho tập sách - là một câu chuyện lịch sử liên quan đến Trần Cao Vân, người cùng với Thái Phiên trong cuộc khởi nghĩa ở Kinh thành Huế năm 1916 đã bị xử trảm tại An Hòa, Huế. Ngoài yếu tố văn học, truyện Nam Xương tửu quán còn góp phần giải mã một số nghi vấn về người anh hùng Trần Cao Vân nhất là chi tiết về cuộc khởi nghĩa tại Kinh thành Huế 1916 đã được họp bàn, vạch kế hoạch tại tửu quán Nam Xương. Một số bài thơ sáng tác tại làng Thanh Quýt của Bạch sĩ Trần Công nhất là bài thơ Vịnh Tam tài là một tuyên ngôn sớm nhất về vạn giáo nhất lý, đặt nền móng cho đạo Cao Đài mà cụ Trần Cao Vân đã viết từ rất sớm tại làng mình. Truyện còn cho thấy một hình ảnh của nhà yêu nước Trần Cao Vân với phẩm chất cao quý của một bậc anh hùng, một chí sĩ học rộng hiểu biết thiên văn, địa lý.

Nam Xương tửu quán (NXB Hội Nhà văn 2022) của Trương Điện Thắng gồm 2 phần. Phần 1 gồm 9 truyện ngắn, Phần 2 gồm 12 ký sự… Trong Phần 2 gồm 12 bài ký sự: Từ Ký ức Đà Thành đến chùm ký sự 30 ngày trên đất Mỹ. Vốn là một nhà báo đã có bề dày tác nghiệp nên trong loạt ký sự đều mang tính thời sự, tư duy nhạy bén để phát hiện vấn đề, chi tiết đắt giá, vốn hiểu biết và nguồn tư liệu phong phú kết hợp với ngôn ngữ trữ tình, giàu cảm xúc của nhà văn luôn hòa quyện đã tạo nên một phong cách ký sự Trương Điện Thắng không lẫn, tạo cho người đọc sự thích thú và hấp dẫn.

Có một nhà văn từng cho rằng: “Nếu chúng ta đi hết ngôi làng của mình. Ta sẽ gặp nhân loại”. Đọc văn chương của Trương Điện Thắng, dù là truyện hay ký đều vẫn được xây dựng trên bối cảnh của làng quê nơi anh sinh ra và lớn lên, đã nuôi dưỡng trong tâm hồn anh niềm yêu thương trân quý với nguồn cội...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.