Mùa chất chà thường bắt đầu từ cuối tháng 9 âm lịch kéo dài cho đến tết. Ông Trần Văn Sơn, một người dân chuyên chất chà tại bãi bồi gần bến đò vàm xáng Vịnh Tre (H.Châu Phú, An Giang) cho biết: “Chẳng phải xin phép gì cả, hễ thấy trên đồng ngả màu nước cỏ thì bắt đầu mua nhánh me nước, tre, dây keo… rồi chọn nơi chất chà. Tuy nhiên, muốn dụ được cá nhiều cần chọn chỗ thoáng và có dòng nước chảy thật nhẹ. Tay nào mới vào nghề, chọn nơi nước sâu, chảy xiết để chất chà thì coi như phủi tay, chẳng có cá nào vào ở. Ngoài ra, phải biết cách chọn mồi để cá, tôm bắt hơi mạnh và thích ăn”.
|
Từ TP.Long Xuyên (An Giang) ngược dòng sông Hậu, hầu như nơi nào cũng hiện hữu những đống chà trái phép, đặc biệt là ven các đuôi cồn phía dưới bến phà Năng Gù (H.Phú Tân) và gần khu vực ngã ba vàm xáng Cây Dương (H.Châu Phú). Khi hết mùa cá, những đống chà được dỡ đi để lại bãi bồi lấn dần ra sông. Mỗi năm bồi một ít, đến nay đã tạo thành một bãi bồi rộng lớn. Tại khu vực bến đò vàm xáng Vịnh Tre, khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, hiện tượng bồi lắng xảy ra rất nhanh. Phía trên bến đò, ngày trước sâu hoắm, nay cát bồi tạo thành một bãi rộng trải dài. Chủ đò Tám Minh than: “Mỗi lần tới mùa nước rút, tôi phải thuê xáng thổi một lòng lạch nhỏ để tiện cho đò đưa rước khách. Phía trên và dưới bến đò hiện có đến hàng chục đống chà, lòng lạch không bị bồi lắng mới là lạ”.
Nhưng điều đáng lo ngại nhất là việc lưu thông của ghe tàu tại những khu vực này. Tại những nơi giao nhau như kênh xáng Vịnh Tre và Cây Dương, ghe tàu thường xuyên qua lại vào ban đêm. Nếu lạc tay lái sẽ đâm vào đống chà, hết sức nguy hiểm. Ông Mười Tánh, một lái ghe hay qua lại ngay đoạn đầu kênh xáng Cây Dương, bức xúc: “Bữa đó trời tối như mực, đèn bình lại hết điện, tôi lần mò lái ghe chạy ra đầu sông. Do không thấy vật cản phía trước nên chiếc ghe rướn lên đống chà, suýt chìm. Vậy mà còn bị gia đình chủ đống chà túa ra chửi mắng, đòi bồi thường”.
Đề cập đến vấn đề này, một cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang cho biết, việc chất chà từ lâu đã bị cấm do làm cản trở, che chắn giao thông thủy; đồng thời gây bồi lắng kênh mương, ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp… Do đó, các địa phương cần phải kiểm tra, lập biên bản xử lý và bắt buộc người dân dỡ bỏ. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng trên, chính quyền địa phương cần sớm phát hiện và cấm chất chà ngay từ đầu. Nếu để bà con chất chà rồi sẽ rất khó khăn cho công tác tháo dỡ, bởi khi đến xử phạt, người dân thường không nhận đống chà đó là của mình.
Trường An
>> Bắt cá sấu nặng 30 kg gần trường học
>> Tiếp tục truy bắt cá sấu sổng chuồng
>> Hàn Quốc quyết đánh bắt cá voi, bất chấp phản đối của quốc tế
Bình luận (0)