Nạn 'cò' lôi kéo người bệnh tại các bệnh viện ở TP.HCM còn dai dẳng

16/12/2022 12:47 GMT+7

TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, nạn 'cò' tại các bệnh viện diễn biến phức tạp, lôi kéo người bệnh từ cơ sở khám chữa bệnh qua các cơ sở tư nhân, trá hình, không tuân thủ pháp luật, gây mất an ninh trật tự.

Sáng 16.12, Công an TP.HCM phối hợp Sở Y tế TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học "Tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM".

Hội thảo khoa học "Tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM" diễn ra tại trụ sở Công an TP.HCM sáng 16.12

duy tính

Số vụ bạo hành y tế cao hơn sau đại dịch Covid-19

Tại hội thảo, TS-BS Nguyễn Anh Dũng (Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM) nói về tình hình an ninh trật tự (ANTT) đối với ngành y tế trên thế giới. Theo đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận có từ 8% đến gần 40% nhân viên y tế từng bị bạo lực thể chất. Hiệp hội Bệnh viện Hoa Kỳ ghi nhận có hơn 650.000 nhân viên y tế bị tổn thương do bị bạo lực, cao đáng kể so với ngành nghề khác. Đáng lưu ý, số vụ bạo hành y tế cao hơn sau đại dịch Covid-19, số nhân viên y tế bị bạo hành cao gấp 8 lần so với ngành nghề khác.

Tình trạng “cò” lôi kéo bệnh nhân trước cổng bệnh viện

ngọc dương

TS-BS Nguyễn Anh Dũng lý giải nguyên nhân, nhiều bệnh viện công không đủ nhân viên y tế, thiếu bác sĩ khám cho bệnh nhân. Do đó, không đủ thời gian tương tác, giải thích với người nhà bệnh nhân, nên họ không hài lòng, thiếu tin tưởng vào hệ thống y tế.

TS-BS Dũng cho biết, TP.HCM có hệ thống y tế từ cơ sở tới chuyên sâu, từ công lập tới tư nhân, từ khám chữa bệnh tới cấp cứu tại bệnh viện và bên ngoài rất khổng lồ, lớn nhất cả nước, nên ANTT trong ngành y tế là vấn đề lớn cần quan tâm. Từ năm 2014, đã có quy chế phối hợp giữa Công an TP.HCM và ngành y tế TP.HCM về việc đảm bảo ANTT trong lĩnh vực y tế.

Theo TS-BS Nguyễn Anh Dũng, ngành y tế đang đứng trước những thách thức về ANTT. Cụ thể, nạn "cò" tại các bệnh viện diễn biến phức tạp, lôi kéo người bệnh tại một số cơ sở khám chữa bệnh để đưa đến các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân và trá hình, không tuân thủ pháp luật. Tệ nạn buôn bán gây mất trật tự trước bệnh viện, giả làm người đi khám bệnh để trộm cắp tài sản của bệnh nhân và bệnh viện.

Giả danh Thanh tra Sở Y tế để hù dọa tống tiền người vi phạm

TS-BS Dũng cho rằng, vấn nạn hành hung nhân viên y tế, đập phá tại bệnh viện gây tâm lý hoang mang, không an tâm đối với đội ngũ y tế, làm giảm chất lượng khám chữa bệnh, giảm uy tín của các bệnh viện và ngành y tế.

Về nạn giả danh cơ sở khám chữa bệnh, hoạt động không phép, những cơ sở này sử dụng bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề, còn "vẽ bệnh". Những cơ sở chỉ được cấp phép làm đẹp, không có giấy phép hành nghề y tế thì thực hiện dịch vụ kỹ thuật của y tế, đào tạo kỹ thuật thẩm mỹ mà không khai báo cơ quan chức năng, khi bị xử lý thì sang tên đổi chủ...

TS-BS Nguyễn Anh Dũng nói thêm, một vài cơ sở khám chữa bệnh tư nhân có yếu tố nước ngoài không tuân thủ pháp luật, trục lợi trên sức khỏe của người bệnh, gây bức xúc dư luận. Bên cạnh đó, còn có tình trạng giả mạo nhân viên y tế, giả mạo Thanh tra Sở Y tế, liên hệ người vi phạm hù dọa để tống tiền, hứa sẽ giảm nhẹ hình phạt, chỉ xử phạt tiền vì họ có thông tin tên, địa chỉ, CCCD…

TS-BS Dũng lo lắng khi thông tin của người bệnh có ở trên mạng, nếu quy trình không chặt chẽ thì đây là “miếng mồi thơm” cho kẻ xấu.

Trước thực trạng trên, TS-BS Dũng nêu giải pháp, các bệnh viện cần phối hợp chặt chẽ với công an địa phương, trao đổi thông tin thường xuyên để giữ gìn ANTT trên địa bàn. Ngoài ra, cần tăng cường hệ thống camera an ninh đặc biệt ở các bệnh viện lớn; tăng cường lực lượng bảo vệ tại các bệnh viện; tập huấn kỹ năng cho nhân viên y tế xử lý khi xảy ra tình huống xấu.

Sở Y tế TP.HCM cũng kiến nghị các cấp cao hơn, xem xét bổ sung điều khoản của luật nhằm đảm bảo ANTT trong lĩnh vực y tế, rất cần những điều khoản để triển khai đồng bộ, sâu rộng hơn.

Sở Y tế TP.HCM ghi nhận, trong năm 2022, các cơ sở y tế trực thuộc sở này xảy ra 240 vụ việc (trong đó có 15 vụ bạo hành nhân viên y tế), có 167 vụ đã chuyển công an địa phương xử lý.

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cũng chuyển 15 vụ việc cho công an liên quan giả mạo giấy phép hành nghề, chứng chỉ hành nghề. Sở Y tế TP.HCM đã phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý 161 tổ chức, cá nhân khám chữa bệnh vi phạm pháp luật, không có giấy phép…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.