Ông Kim Jong-kil nói mình tự hào về trang trại nuôi chó lấy thịt đã nuôi sống gia đình ông trong 27 năm qua và ông còn có kế hoạch giao lại công việc kinh doanh cho các con. Song ông cảm thấy bất bình trước nỗ lực ngày càng tăng của các chính trị gia và các nhà hoạt động nhằm cấm tiêu thụ thịt chó ở Hàn Quốc.
"Không chỉ là cảm giác tồi tệ. Tôi cực lực phản đối những động thái như vậy và chúng tôi sẽ tìm mọi cách để chống lại chuyện này", ông Kim, 57 tuổi, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với AP tại trang trại của ông ở thành phố Pyeongtaek, ngay phía nam thủ đô Seoul của Hàn Quốc.
Phản đối việc cấm đoán
Ăn thịt chó là thói quen đã tồn tại trong nhiều thế kỷ ở bán đảo Triều Tiên và từ lâu đã được coi là cách để bồi bổ cơ thể trong những ngày hè nóng bức. Theo AP, việc này không bị cấm, cũng không được hợp pháp hóa một cách rõ ràng ở Hàn Quốc, nhưng ngày càng có nhiều người muốn cấm tiêu thụ thịt chó. Nhận thức của công chúng về quyền động vật cũng như những lo lắng về hình ảnh quốc tế của Hàn Quốc ngày càng gia tăng.
Chiến dịch phản đối ăn thịt chó gần đây đã nhận được cú hích lớn khi đệ nhất phu nhân nước này bày tỏ sự ủng hộ đối với lệnh cấm và hai nghị sĩ đã đệ trình dự luật nhằm xóa sổ hoạt động buôn bán thịt chó.
"Người nước ngoài nghĩ Hàn Quốc là một cường quốc văn hóa. Nhưng văn hóa Hàn Quốc càng nâng cao vị thế quốc tế, thì người nước ngoài càng sốc hơn về việc tiêu thụ thịt chó của chúng ta", Han Jeoung-ae, nhà lập pháp thuộc phe đối lập, người đã đệ trình luật cấm sản xuất và kinh doanh thịt chó vào tháng trước, nói với AP.
Triển vọng thông qua luật cấm thịt chó vẫn còn mơ hồ vì sự phản đối của nông dân, chủ quán ăn và những người khác liên quan đến thị trường này. Các cuộc khảo sát cho thấy cứ ba người Hàn Quốc thì có một người phản đối việc cấm đoán như vậy, mặc dù hầu hết mọi người không còn ăn thịt chó nữa.
Ngành sản xuất và kinh doanh thịt chó của Hàn Quốc nhận được nhiều sự chú ý của quốc tế vì Hàn Quốc là quốc gia dân chủ hiện đại, giàu có. Đây cũng là quốc gia duy nhất có các trang trại nuôi chó lấy thịt với quy mô công nghiệp. Theo một hiệp hội của nông dân nuôi chó lấy thịt, hầu hết các trang trại ở Hàn Quốc đều nuôi trên 500 con chó.
Trang trại của ông Kim, một trong những trang trại lớn nhất Hàn Quốc với 7.000 con chó, trông tương đối sạch sẽ nhưng có mùi hôi thối nồng nặc ở một số khu vực. Tất cả những con chó được nhốt trong lồng cao và được cho ăn thức ăn thừa và thịt gà xay. Chúng hiếm khi được thả để ra để vận động và thường được bán để lấy thịt khi được một năm tuổi.
Ông Kim cho biết hai người con của ông, 29 và 31 tuổi, đang cùng ông điều hành trang trại và công việc kinh doanh đang phát triển tương đối tốt. Ông cho biết những con chó được nuôi để lấy thịt khác với thú cưng, quan điểm bị các nhà hoạt động phản đối.
Nhu cầu sụt giảm
Hiện tại rất khó để tìm thấy một quán ăn bán thịt chó ở khu trung tâm nhộn nhịp của thủ đô Seoul, mặc dù nhiều quán như vậy vẫn tồn tại ở các vùng nông thôn.
"Tôi chỉ kiếm được một phần ba số tiền mà tôi từng kiếm được. Những người trẻ tuổi không đến đây. Chỉ những người già cả mới đến ăn trưa... Tôi nói với những khách hàng lớn tuổi của mình hãy đến ăn đồ ăn của tôi thường xuyên hơn trước khi thịt chó bị cấm", ông Yoon Chu-wol, 77 tuổi, chủ một quán thịt chó ở chợ truyền thống Kyungdong tại Seoul, cho biết.
Nông dân cũng phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng từ cơ quan quản lý cũng như dư luận ngày càng tiêu cực. Họ phàn nàn rằng lực lượng chức năng đã đến gặp họ nhiều lần vì các nhà hoạt động và người dân cáo buộc họ lạm dụng động vật và các hành vi sai trái khác. Ông Kim cho biết hơn 90 đơn khiếu nại như vậy đã được đệ trình chống lại trang trại của ông trong khoảng 4 tháng gần đây.
Son Won Hak, tổng thư ký hiệp hội nông dân nuôi chó lấy thịt, cho biết nhiều trang trại đã phá sản trong những năm gần đây vì giá thịt chó và nhu cầu đều sụt giảm. Ông cho rằng đó là kết quả của các chiến dịch vận động cũng như việc đưa tin không công bằng trên báo chí vốn tập trung vào các trang trại có điều kiện không tốt. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng tiêu thụ thịt chó đã giảm, trong đó nhiều người trẻ tuổi nói không với thịt chó.
"Thành thật mà nói, tôi muốn từ bỏ công việc này vào ngày mai. Chúng tôi không thể tự tin nói với con cái rằng chúng tôi đang nuôi chó... Khi bạn bè gọi cho tôi, họ nói 'Này, bạn vẫn điều hành một trang trại nuôi chó lấy thịt à? Không phải đó là hoạt động bất hợp pháp sao?'", ông Son cho biết.
Số lượng trang trại nuôi chó lấy thịt trên khắp Hàn Quốc đã giảm một nửa so với vài năm trước xuống còn khoảng 3.000 đến 4.000. Khoảng 700.000 đến một triệu con chó bị giết thịt mỗi năm, giảm so với số lượng vài triệu con cách đây 10 đến 20 năm.
Tìm kiếm đồng thuận
Vào cuối năm 2021, Hàn Quốc đã thành lập một lực lượng chuyên trách có đại diện từ cả chính quyền và công chúng để xem xét việc cấm thịt chó theo đề xuất của tổng thống khi đó là Moon Jae-in, một người yêu thú cưng. Ủy ban, với thành viên bao gồm nông dân và các nhà hoạt động vì quyền động vật, đã họp hơn 20 lần nhưng không đạt được thỏa thuận nào, có vẻ như là do tranh chấp về vấn đề bồi thường.
Các quan chức nông nghiệp từ chối tiết lộ nội dung thảo luận trong các cuộc họp kín. Họ cho biết chính phủ muốn chấm dứt việc tiêu thụ thịt chó dựa trên sự đồng thuận của công chúng.
Vào tháng 4, Đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee, phu nhân của đương kim Tổng thống Yoon Suk Yeol, cho biết trong một cuộc họp với các nhà hoạt động rằng bà hy vọng có thể sớm chấm dứt việc ăn thịt chó. Nông dân nuôi chó lấy thịt đã phản ứng bằng cách biểu tình và đệ trình các khiếu nại chính thức chống lại bà Kim với cáo buộc làm tổn hại đến sinh kế của họ.
Nhà lập pháp Han cho biết bà "đánh giá cao" những nhân vật có ảnh hưởng lên tiếng phản đối việc ăn thịt chó. Bà nói dự luật của bà đưa ra các chương trình hỗ trợ cho những nông dân đồng ý đóng cửa trang trại. Họ sẽ được nhận tiền để tháo dỡ cơ sở vật chất, được đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm và các lợi ích khác.
Ju Yeongbong, một quan chức của hiệp hội nông dân nuôi chó lấy thịt, cho biết nông dân muốn tiếp tục hoạt động trong khoảng 20 năm nữa cho đến khi những người lớn tuổi, khách hàng chính của họ, qua đời, khiến thị trường này biến mất một cách tự nhiên. Các nhà quan sát cho biết hầu hết nông dân cũng ở độ tuổi 60-70.
Borami Seo, giám đốc văn phòng Hàn Quốc của Humane Society International, cho biết bà phản đối việc tiếp tục giết hàng triệu con chó trong một thời gian dài như vậy. "Để cho hành động tàn ác thầm lặng (đối với chó) xảy ra ở Hàn Quốc là điều vô lý", bà Seo nói.
Bình luận (0)