Nan giải doanh nghiệp FDI nợ thuế

Nguyên Nga
Nguyên Nga
06/06/2019 07:50 GMT+7

Trong số hơn 1.000 doanh nghiệp nợ thuế xuất nhập khẩu vừa bị Cục Hải quan TP.HCM điểm mặt, phần lớn rơi vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và thuộc diện khó thu hồi.

Theo Cục Hải quan TP.HCM, hơn 1.000 doanh nghiệp (DN) này nợ hơn 1.000 tỉ đồng tiền thuế và hầu hết thuộc diện nợ cưỡng chế, phát sinh từ nhiều năm. Đáng nói hơn, các DN này đa số đã bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh, có DN “quên” đóng thuế lên đến 150 tỉ đồng và đã ngưng hoạt động từ lâu.

Nợ hàng trăm tỉ đồng rồi ngưng hoạt động

Cụ thể, theo Danh sách nợ thuế do Cục Hải quan TP.HCM công bố cho thấy, đứng đầu trong danh sách này là Công ty cổ phần NIVL (ấp 6, xã Lương Hòa, H.Bến Lức, Long An) 100% vốn nước ngoài. Tính đến hết tháng 4 năm nay, NIVL đã nợ thuế trên 150 tỉ đồng, chưa tính tiền phạt chậm nộp liên tục nhiều năm qua.
Cơ quan quản lý thuế xuất nhập khẩu có cần phải “kiên trì” như thế không? Phải hiểu bản chất của việc này là xù nợ
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
Đáng nói hơn, công ty được cấp phép từ năm 1998, nhưng phải đến năm 2007 mới bắt đầu hoạt động. Ngành nghề kinh doanh theo đăng ký của DN này là sản xuất, truyền tải và phân phối điện; buôn bán gạo, buôn bán thực phẩm. Hơn 150 tỉ đồng nợ thuế của công ty tập trung 3 tờ khai nhập khẩu theo loại hình đầu tư sản xuất xuất khẩu phát sinh tại Cục Hải quan TP.HCM từ năm 2013, bao gồm thuế nhập khẩu và lệ phí hải quan và hiện công ty này đã... ngưng hoạt động.
Tương tự, Công ty TNHH Silver star VN nợ thuế tại 376 tờ khai hải quan chỉ trong vòng 2 năm 2007 - 2008 với số tiền nợ hơn 47 tỉ đồng. Thông tin trên Cổng đăng ký thông tin DN cũng cho thấy, công ty này (trụ sở đặt tại E4/48 KP.5, P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TP.HCM) được cấp phép năm 2008, chuyên sản xuất giày dép, và đã ngừng hoạt động từ năm 2011 nhưng chưa làm thủ tục đóng mã số thuế. Hay Công ty TNHH sản xuất giày dép Kwang Nam nợ thuế trên 700 tờ khai hải quan thuộc nhiều loại hình đầu tư - sản xuất xuất khẩu, nhập gia công từ 1994 - 1999, đã phát sinh nợ thuế gần 36 tỉ đồng.
Công ty TNHH Neocacse Inc VN thành lập từ năm 2007 (địa chỉ hoạt động tại 532A đường TA 28, KP.2, P.Thới An, Q.12, TP.HCM), do JEON JEONG JAE là người đại diện pháp luật, đóng mã thuế từ tháng 4.2014. Tuy nhiên, trong hai năm 2012 - 2103, công ty này mở hơn 540 tờ khai hải quan nhập khẩu hàng hóa và hiện nợ thuế hải quan gần 30 tỉ đồng.
Ngoài ra, hàng loạt các công ty khác cũng nợ thuế “lai rai” vài chục tỉ đồng kéo dài trong nhiều năm như Công ty TNHH may mặc Hong Better nợ 22,4 tỉ đồng trong năm 2008 - 2009, Công ty TNHH Vina Haeng Woon Industry nợ hơn 21 tỉ đồng, Công ty TNHH thời trang Sepplus VN nợ trên 19 tỉ đồng, Công ty TNHH Sang Chun (địa chỉ 24/5C ấp Tam Đông, xã Thới Tam Thôn, H.Hóc Môn, TP.HCM) nợ 20 tỉ đồng thuộc 189 tờ khai nhập khẩu hàng hóa theo loại hình đầu tư gia công, Công ty may mặc S.M nợ 17,4 tỉ đồng, Công ty Karos (Q.2, TP.HCM) nợ gần 21 tỉ đồng thuộc hơn 300 tờ khai hải quan nhập khẩu theo loại hình đầu tư - gia công trong năm 2003 và 2004...

Trách nhiệm thuộc về cơ quan thuế

Theo Cục Hải quan TP.HCM, số nợ thuế nói trên thuộc diện nợ cưỡng chế, phát sinh từ nhiều năm. Điều đáng nói là đa số các DN này không còn hoạt động hoặc đã trốn khỏi địa phương. Tính đến ngày 15.5, nợ thuế khó thu hồi tại Cục Hải quan TP.HCM lên đến 1.400 tỉ đồng, bao gồm hơn 1.000 tỉ đồng khó thu hồi tập trung của DN FDI nói trên. Đại diện phòng thuế của Hải quan TP.HCM cũng cho biết, đơn vị này đã có nhiều biện pháp thu hồi cưỡng chế thuế theo luật Quản lý thuế, tuy nhiên, việc chây ì, trốn thuế và DN đã “biến mất” khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh là vấn đề “nan giải”, khó khăn và thách thức lớn cho ngành.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Giá cả - Bộ Tài chính, cho rằng vấn đề nợ đọng thuế không mới, là hậu quả của việc buông lỏng quản lý. Bởi để cho DN nợ thuế trên hàng trăm tờ khai kéo dài 3 - 5 năm trong thời kỳ DN này đang hoạt động là điều quá vô lý. Cái nào cũng có thời hạn, khi DN nợ tờ khai đến cuối năm chưa quyết toán thuế phải “hỏi thăm” ngay và thường xuyên. Không thể để nợ năm này qua năm khác. Đối với DN nợ đọng khó đòi nhẽ ra có biện pháp siết nhập khẩu nguyên vật liệu ngay, sao lại để mở tờ khai, tiếp tục nhập, sản xuất, xuất khẩu vậy...
“Cơ quan quản lý thuế xuất nhập khẩu có cần phải “kiên trì” như thế không? Phải hiểu bản chất của việc này là xù nợ”, ông Long nói.
Việc để nợ đọng thuế tập trung DN FDI nhiều khiến DN trong nước có quyền nghi ngờ tính công minh của cán bộ thuế. Tôi nghĩ cơ quan quản lý cần xem xét lại và truy trách nhiệm của những ai để nợ đọng thuế xuất nhập khẩu kéo dài vô lý thế này. Nếu chúng ta cứ bảo khó đòi khó làm và để năm nay qua năm khác gây tâm lý nghi ngại từ chính DN trong nước và thất thu lớn cho ngân sách.
Ông Ngô Trí Long
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.