Nan giải xử lý 'hóa chất vĩnh cửu'

06/01/2024 07:33 GMT+7

Trong khi ngày càng nhiều loại "hóa chất vĩnh cửu" bị cấm sử dụng, nỗ lực của các quốc gia đang chuyển trọng tâm sang việc xử lý những gì đã tồn tại ngoài môi trường và trong cơ thể con người.

"Hóa chất vĩnh cửu" là các hợp chất per- và polyfluoroalkyl (PFAS), có tác dụng chống nước, chống dính, chống dầu mỡ và chống bám bẩn. Chúng xuất hiện trong vô số sản phẩm thường dùng từ nồi chảo, thiết bị y tế, mỹ phẩm cho đến hộp bánh pizza. Chính phủ các nước đang đối mặt áp lực ngày càng tăng trong việc hạn chế PFAS do ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa PFAS và bệnh ung thư, dị tật bẩm sinh cũng như các tác động tiêu cực đến hệ thống miễn dịch của con người và động vật.

Nan giải xử lý 'hóa chất vĩnh cửu'- Ảnh 1.

PFAS tồn tại trong nước uống của con người

The Guardian

Tuy nhiên, ngay cả khi PFAS bị cấm hoàn toàn, việc loại bỏ dấu vết còn sót lại của chúng trong nguồn nước và cả trong máu của con người vẫn là thách thức to lớn do khác biệt giữa các quốc gia, theo báo The Guardian. Chẳng hạn, Anh đặt ra giới hạn 100 nanogram/lít đối với mỗi một loại PFAS trong nước uống, trong khi ở các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) như Hà Lan, cơ quan y tế công cộng khuyến nghị mức tối đa là 4,4 nanogram/lít. Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ cũng đã đề xuất các giới hạn tương tự đối với 6 loại PFAS trong năm qua.

TS David Megson, giảng viên cao cấp về hóa học tại Đại học Manchester Metropolitan (Anh), cho rằng "không có sự nhất quán về cách tiếp cận, đặc biệt là ở cấp độ toàn cầu" trong việc xử lý ô nhiễm PFAS, theo The Guardian. Vị chuyên gia cho biết số loại PFAS đáng lo ngại đã "tăng từ 2, lên 17, lên 47 và bây giờ chúng ta có thể có tới 14.000 hợp chất", khiến các nỗ lực giám sát hiện nay nhanh chóng trở nên lỗi thời.

"Hóa chất vĩnh cữu" gây ô nhiễm, Tập đoàn 3M chi 10 tỉ USD dàn xếp

Năm ngoái, 3 công ty Chemours, DuPont và Corteva đã đồng ý trả 1,185 tỉ USD để giải quyết các khiếu nại về ô nhiễm PFAS trong hệ thống cấp nước tại Mỹ. Công ty hóa chất 3M cũng đã đồng ý giải quyết các vụ kiện tương tự ở Mỹ. Ngoài ra, giới chức ở Bỉ và 3M đã công bố thỏa thuận khắc phục hậu quả trị giá 571 triệu euro và chính phủ Hà Lan muốn bắt công ty này phải chịu trách nhiệm về tình trạng ô nhiễm liên quan đến một nhà máy của họ ở nước này.

Song cho dù có tiền, việc xử lý ô nhiễm PFAS cũng rất phức tạp do vấn đề công nghệ. Sở hữu hơn 80 công nghệ để xử lý các loại "hóa chất vĩnh cửu", Công ty Nijhuis Saur Industries ở Hà Lan cho rằng việc phân tách và triệt tiêu PFAS rất khó khăn và tốn kém. "Chúng được gọi là hóa chất vĩnh cửu vì chúng không dễ để loại bỏ, không dễ phân hủy nên chúng sẽ tồn tại mãi mãi", The Guardian dẫn lời ông Wilbert Menkveld, giám đốc công nghệ của công ty, phát biểu tại một hội thảo ở Hà Lan gần đây.

Theo ông Menkveld, một trong các công nghệ khả thi và tiên tiến nhất là lọc nano (hay thẩm thấu ngược), sử dụng màng lọc đặc biệt để tách các hạt lớn hơn khỏi nước uống. Lọc bằng than hoạt tính dạng hạt (GAC) là một phương pháp khác, bên cạnh phương pháp sử dụng các loại nhựa trao đổi ion (Ion exchange resin) đắt tiền hơn để phân tách và tập trung chất gây ô nhiễm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.