Henri Emmanuel Souvignet đến Bắc kỳ vào năm 1882 khi cuộc tranh cãi giữa chính quyền Pháp và triều đình Huế diễn ra gay gắt, tham gia vào việc đào tạo giáo sĩ trẻ. Quan tâm đến lịch sử, dân tộc học, tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa..., năm 1903, với bút danh a+b, ông xuất bản cuốn sách Bắc Kỳ tạp lục nhằm mang đến một cuốn cẩm nang cho người Pháp khi tới sinh sống và làm việc tại An Nam lúc đó có thể nắm bắt và thích nghi với các tập tục, thiết chế của người dân bản xứ. Buổi tọa đàm ra mắt bản dịch tiếng Việt cuốn Bắc Kỳ tạp lục đã diễn ra vào tối 10.4 tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội).
Cuốn sách mô tả bao quát nhiều vấn đề trong đời sống từ ngôn ngữ, giáo dục, văn học, lịch sử, tổ chức xã hội, chế độ thuế khóa, tôn giáo tín ngưỡng, cưới xin, tang lễ... cho đến hệ thực vật ở An Nam. TS ngữ văn Mai Anh Tuấn cho rằng, mặc dù chưa vươn đến tầm nghiên cứu của một học giả, nhưng cuốn sách của Henri Emmanuel Souvignet là những ghi chép mang tính chất khảo cứu, trong đó có cả những tật xấu của người An Nam dưới góc nhìn của một giáo sĩ ngoại quốc.
TS Mai Anh Tuấn dẫn chứng những mô tả của Henri Emmanuel Souvignet về giáo dục ở An Nam. Henri Emmanuel Souvignet viết: “Người An Nam rất trọng việc học hành. Việc người biết chữ được kính trọng và có vai trò nổi trội trong đời sống xã hội và chính trị của xứ sở này đã đủ chứng tỏ điều đó”. Tuy vậy, ông cho rằng, mục đích theo đuổi học vấn của người An Nam cốt để phục vụ cho việc làm quan, mà không có lý tưởng như hướng đến những phát minh, tiến bộ khoa học… “Nền giáo dục An Nam lại muốn mọi người nhất nhất như nhau, ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào và trong mọi vấn đề. Một lối ứng xử duy nhất, một lối mòn duy nhất điều chỉnh bước chân của mọi thế hệ quá khứ, hiện tại và tương lai”, tác giả viết.
Henri Emmanuel Souvignet cũng đề cập đến nạn mua quan bán chức ở làng xã, việc quyền bính đã thao túng, tham ô, tham vặt. Chẳng hạn, ông mô tả để lên chức lý trưởng phải mất một khoản phí lớn, nhưng việc thu hồi chi phí sẽ rất nhanh chóng với những khoản hoa hồng, lợi lộc từ kiện cáo, thu thuế... Hàng loạt chức danh cũng được sinh ra. Việc này bị biến thành trò buôn bán nghiêm trọng đến mức triều đình từng phải xóa bỏ, nhưng đến thời điểm tác giả viết cuốn sách, cũng không thể đảm bảo người ta không “đẻ” thêm chức danh nào nữa.
Theo TS Mai Anh Tuấn, nhiều nhận xét của Henri Emmanuel Souvignet khiến chúng ta phải suy ngẫm, bên cạnh đó cũng có những nhận xét cần được tham khảo, nghiên cứu nhiều hơn. TS Tuấn cho rằng, Bắc Kỳ tạp lục là cuốn sách thú vị khi kích thích hay đặt ra cho các nhà nghiên cứu sau này tiếp tục có những đối thoại, phản biện.
Bình luận (0)