Những giọt nước mắt đoàn tụ, những cái ôm hạnh phúc, những nụ cười chan chứa tình thân, tất cả cứ vỡ òa sau những tháng ngày đầy tủi hổ.
“Ngày trước nếu có người hỏi em, em không trả lời và cũng không muốn nhắc lại. Nhưng hôm nay, em đã xem đó là dĩ vãng, nên mới có thể kể ra được như thế này”, T.T.Đ, cô gái từng bị ép tiếp 7 - 8 lượt khách/ngày và ban đêm còn phải phục vụ “gã chồng” hơn mình 20 tuổi nơi xứ người, đã tâm sự với chúng tôi như vậy.
“Cứ ngỡ sẽ mất em rồi…”
Đ. kể, ngày ấy trốn khỏi xứ người, lúc đặt chân đến nhà đã nhá nhem tối. Nhìn thấy ba mẹ đang giã ngô, còn chị gái loay hoay nhóm bếp, Đ. thốt lên: “Mọi người ơi! Con đã về”, thế là cả gia đình ôm chầm lấy nhau mà khóc. Chuyện xảy ra đã 3 năm về trước, nhưng chị cả của Đ. - chị T.T.H (35 tuổi) - khi chúng tôi nhắc đến, vẫn đỏ hoe đôi mắt nói: “Ngày em tôi về thương lắm, trông em xanh và gầy, 2 năm em trôi dạt cứ ngỡ sẽ mất em rồi. Em tôi về được chứng tỏ ông trời còn thương…”.
Còn A. thì khác, để đưa em về, ba mẹ phải thế chấp sổ đỏ, thuê người sang Trung Quốc tìm em. Lúc nghe tin A. sắp về, đại gia đình hai bên nội ngoại tập trung đông đủ từ chiều hôm trước. “Vừa về đến ngõ, nhìn thấy người thân ùa ra, mọi tủi hổ tan biến cả”, A. nói và lộ rõ niềm vui trên khuôn mặt. Ngày trước, trong nhà A. rất sợ và luôn giữ khoảng cách với ba vì ba khó tính và ít biểu lộ tình cảm. Nhưng lần này, cô về ba cứ ôm chầm lấy A. và khóc. Dường như với nhiều người, chỉ khi xảy ra chuyện, họ mới thấy tình thân gia đình ấm áp đến như thế nào.
Tương tự như A., chị T., rơm rớm nước mắt kể lại: “Ngày về nhìn ba tội nghiệp lắm, ba gầy sọp, đôi mắt trũng sâu. Bà nội nói với em rằng từ ngày em bị lừa bán, không chiều nào ba không lang thang ngoài đường tìm em. Từ lúc em về, ba vui lắm, mập hẳn lên. Sau đó ba không còn la mắng em như ngày trước, mà ba càng gần gũi con gái hơn”.
Khi phút giây hội ngộ qua đi, những cô gái ấy cũng bắt đầu đối mặt với khó khăn của thực tại. Họ lo sợ sự dè bỉu của những người xung quanh, lo lắng chẳng biết làm thế nào để bắt đầu cuộc sống mới khi ngoài kia có những người không hiểu chuyện. Họ thu mình lại, sợ giao tiếp, sợ gặp người lạ...
Mọi cuộc đời đều cần được bảo vệ
May mắn là vẫn còn rất nhiều tấm lòng nhân hậu, những tổ chức nhân ái... luôn tạo điều kiện giúp đỡ nạn nhân của bọn buôn người tái hòa nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời mới.
Trường hợp của T.T.Đ cũng vậy. Sau một năm trở về, đến 2015 Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái đã làm cầu nối giới thiệu Đ. với tổ chức Hagar tại Hà Nội. Tổ chức này đã đưa cô qua dự án dạy nghề làm tóc của Trung tâm Loreal (chi nhánh Hà Nội). Tại đây, Đ. được học nghề mà không phải tốn học phí. Học làm tóc được 3 tháng tại Hà Nội, Đ. được một người cùng làng nhỏ hơn 2 tuổi đem lòng yêu thương và đem sính lễ đến dạm hỏi. “Ban đầu mình sợ, cũng không dám chấp nhận vì sợ dư luận phía nhà chồng. Nhưng chồng và ba mẹ hai bên đều động viên nên mình nhận lời”, Đ. nói trong hạnh phúc. Hai vợ chồng xây căn nhà và mở một tiệm tóc nhỏ. Bình quân, Đ. thu nhập được 100.000 đồng/ngày, còn chồng thì đi phụ hồ. Chồng Đ. cười nói: “Em không quan trọng trước đây như thế nào, cũng không bao giờ em hỏi vợ, chỉ biết vợ sống tốt với hiện tại, sớm sinh cho em những đứa con, đời thế là vui rồi”. Nhìn căn nhà với những máng gỗ cắt sắc sảo, lợp mái lá cọ, sạch sẽ, bên trong là chiếc giường nhỏ với cặp gối màu hồng thêu in hình trái tim… chúng tôi biết điều tốt đẹp đã đến với cô gái ấy.
Cũng như Đ., các cô gái khác như T., A., N. khi nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức Hagar, hay Ngôi nhà bình yên (thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ VN), đều đã thay đổi cuộc đời, tìm được cho mình một công việc yêu thích, phù hợp với bản thân.
Đi cùng chuyến xe với T. để lên lại Hà Nội, qua cách em trò chuyện rôm rả và say mê khi nói về công việc làm tóc của mình, chúng tôi cảm nhận được niềm vui không giấu giếm của em. Sau khi hội phụ nữ giới thiệu qua Ngôi nhà bình yên và được tham gia khóa học 6 tháng, tốt nghiệp em được nhận vào làm ở một salon tóc lớn tại Q.Ba Đình (Hà Nội).
T. rạng ngời cười nói: “Lúc mới về, em giam mình trong nhà chẳng đi đâu, may mà mọi người trong làng đều thông cảm và động viên nên em cũng dần quen. Em thật sự thích nghề làm tóc. Cuộc đời ít ra với em vẫn còn đáng sống”.
Còn H. thì làm việc cho salon trên đường Trần Quốc Toản (Q.Hoàn Kiếm). Không còn bộ dạng gầy gò, đen nhẻm như lúc mới về, bây giờ H. tròn trịa, trắng trẻo, cuộc đời đã bước sang trang mới. Cô vừa thoăn thoắt đôi tay búi tóc cho khách vừa nói: “Nhờ sự cảm thông của người thân, những người xung quanh và sự giúp đỡ của các anh chị trong tổ chức, em và gia đình đã gần như quên đi được những ngày giông tố trước đây. Em hài lòng với cuộc sống hiện tại, đó là điều mà lúc mới về em tưởng chừng không bao giờ thực hiện được”.
Cuộc đời cuối cùng đã mỉm cười với những cô gái ấy. Thời gian sẽ giúp làm phai mờ đi những nỗi đau mà họ từng phải trải qua, sẽ để họ chiêm nghiệm, thấm thía và thấu hiểu. Và mỗi chúng ta cũng sẽ hiểu được rằng: Mọi cuộc đời đều cần được bảo vệ, mọi ước mơ đều được tiếp sức. Và chỉ cần dang rộng vòng tay, cho họ một cơ hội để làm lại, thì không gì là không thể.
Bình luận (0)