>> Nạn nhân của pháp đình: Hành trình nước mắt
Từ tháng 8.2005 - 11.2005, bà Lê Thị Ngọc Thanh (ngụ Long An) nhiều lần vay của bà Nguyễn Thị Thúy Hồng (ngụ Q.1, TP.HCM) tổng cộng 850 triệu đồng. Đến hạn trả tiền, ngày 14.2.2006, bà Thanh không có tiền trả nên thỏa thuận bán căn nhà 136/2 khu dân cư Mai Thị Non (Bến Lức, tỉnh Long An) cho bà Hồng với giá 950 triệu đồng. Thực hiện giao kèo này, bà Hồng đưa thêm 100 triệu đồng cho bà Thanh. Hai bên làm hợp đồng mua bán căn nhà, có xác nhận của chính quyền địa phương, hồ sơ mua bán đã chuyển đến Phòng TN-MT.
|
Khoảng 6 tháng sau, bà Thanh xin ngừng mua bán, xin chuộc nhà. Ngày 25.12.2006, hai bên lập giấy thỏa thuận (có xác nhận của UBND TT.Bến Lức) hủy giao kèo mua bán nhà. Bà Hồng đồng ý nhận lại tiền làm 2 đợt. Đợt 1: sau khi ký giấy thỏa thuận, bà Thanh trả trước 500 triệu đồng; Đợt 2: 450 triệu đồng, trả chậm trong 5 năm, không lãi suất.
Sau khi nhận 500 triệu đồng, ngày 26.12.2006, bà Hồng khởi kiện yêu cầu bà Thanh trả 1 lần 450 triệu đồng cùng lãi suất. Cụ thể, lãi suất 950 triệu đồng do chậm trả từ 16.3.2006 đến 25.12.2006 và lãi của 450 triệu đồng từ 26.12.2006 đến ngày tòa giải quyết xong. Theo bà Hồng, việc bà chịu ký giấy thỏa thuận chỉ để nhằm lấy lại tiền.
Tại bản án sơ thẩm ngày 18.9.2007, TAND H.Bến Lức chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Hồng, buộc bà Thanh phải trả cho bà Hồng tổng cộng hơn 657 triệu đồng (gồm 450 triệu đồng và hai khoản lãi nói trên). Sau đó, tại phiên phúc thẩm tòa tuyên y án sơ thẩm.
Sau nhiều kêu cứu, ngày 28.6.2011, Tòa dân sự TAND tối cao có bản án giám đốc thẩm hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm nói trên để xử sơ thẩm lại từ đầu. Theo bản án giám đốc thẩm, thỏa thuận cho trả chậm 450 triệu đồng trong 5 năm, không lãi suất là thỏa thuận hợp pháp, có hiệu lực bắt buộc theo quy định tại điều 4 bộ luật Dân sự. Phán quyết của 2 cấp tòa là trái với nội dung thỏa thuận của hai bên và không đúng với quy định tại bộ luật Dân sự. Ngoài ra, hai bên không thỏa thuận trả lãi với 950 triệu đồng mà tòa lại buộc trả lãi suất là không đúng và không có căn cứ.
Bà Thanh thở dài: “Phán quyết này ra đời quá chậm! Bởi sau khi án có hiệu lực, năm 2009, căn nhà của tôi bị cưỡng chế phát mãi, bán đấu giá cho người thứ ba để thi hành án cho bà Hồng. Từ đó đến nay gia đình tôi không có chỗ ở, phải che lều bạt tạm trên phần đất trống gần nhà để nương náu”.
Bi kịch hơn, sau khi có bản án giám đốc thẩm, bà Hồng rút đơn khởi kiện nên vụ án bị khép lại. Ròng rã nhiều tháng trời hỏi thăm tìm hiểu, khiếu nại, ngày 9.12.2011, bà Thanh khổ sở nộp đơn khởi kiện bà Hồng để mở lại hồ sơ vụ kiện, bắt đầu lại hành trình khó nhọc “vô phúc đáo tụng đình”.
Đến nay, vụ kiện của bà vẫn chưa được đưa ra xét xử.
"Lên bờ xuống ruộng" vẫn chưa xong
Cũng rơi vào hoàn cảnh dở khóc, dở cười như bà Thanh là trường hợp ông Hà Hữu Oanh (ngụ ấp Chánh Lộc, xã Chánh Mỹ, TX.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Ngày 29.9.2005, ông Nguyễn Văn Sang (ngụ cùng ấp) khởi kiện tranh chấp đất, yêu cầu ông Hà Hữu Oanh trả lại đất. Theo đơn khởi kiện, nguồn gốc đất tranh chấp do cha, mẹ ông Sang mua lại năm 1957 và để lại cho ông. Ban đầu, trên đất có một số hộ ở nhờ, trong đó có nhà cụ Hà Văn Chơi (cha ông Oanh). Sau này, chỉ còn mỗi hộ ông Chơi ở. Lúc ông Chơi chết, ông Oanh tiếp tục sử dụng. Năm 1991, ông Sang được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) bìa trắng, năm 1998 đổi thành bìa đỏ với diện tích 5.529 m2, trong diện tích này có 200 m2 diện tích đất của ông Oanh đang sử dụng nên ông yêu cầu ông Oanh trả lại.
Ông Oanh lại cho rằng đất này là đất thừa kế của cha, mẹ khai phá từ 1946. Năm 2003, ông Oanh đi đăng ký kê khai thì xảy ra tranh chấp. Thời gian qua, hằng năm ông Oanh đóng thuế đất, nhà nước vẫn thu.
Ngày 31.5.2006, TAND TX.Thủ Dầu Một quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Sang, cho ông Oanh lưu cư nhưng phải bồi hoàn lại giá trị QSDĐ là 84 triệu đồng cho 168 m2. Nửa tháng sau, TAND tỉnh Bình Dương xử phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm.
“Mãi bốn năm sau với hàng tá lá thư gửi ra Hà Nội, ngày 19.3.2010, Tòa dân sự TAND tối cao mới có quyết định giám đốc thẩm hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, trong khi vợ chồng tôi phải lên bờ xuống ruộng vì nhà đất đã bị phát mãi mất rồi”, ông Oanh than thở. Cụ thể, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, ba tháng sau, ông Oanh không có tiền trả nên thi hành án Thủ Dầu Một tiến hành phát mãi, bán đấu giá cho bên thứ ba. Ông Sang đã nhận tiền từ thi hành án.
Lý do hủy án, quyết định giám đốc thẩm phân tích, cả hai cấp tòa chưa xác minh thực tế phần đất cha, mẹ ông Sang mua và đất ông Sang được cấp giấy có trùng khớp nhau. Ông Sang không có chứng cứ nào nói gia đình ông Oanh ở nhờ. Đồng thời, gia đình ông Oanh đã sử dụng ổn định mảnh đất này 50 năm không ai đòi đất (điều 247 bộ luật Dân sự: “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn ba mươi năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ bất động sản thuộc sở hữu nhà nước - PV).
Khi vụ kiện bị hủy án, ông Sang đến tòa rút đơn khởi kiện. Trong vụ án này không chỉ có ông Oanh khốn khổ mà còn có thêm người thứ ba mua trúng đấu giá đang bị “tiền mất tật mang”, bởi lẽ, tiền đã nộp nhưng đất thì chưa nhận được. Còn ông Oanh chới với không thể tiếp tục vụ kiện vì nguyên đơn rút đơn khởi kiện đương nhiên tòa đình chỉ giải quyết.
“Đất của tôi nằm cách đất ông Sang một con đường. Việc cấp đất không làm đúng quy trình, không lấy ý kiến gia đình tôi, không niêm yết, nhưng hai cấp tòa đều không xem xét. Nay TAND TX Thủ Dầu Một đình chỉ giải quyết bỏ lửng hậu quả khác nào đem con bỏ chợ”, ông Oanh bức xúc.
Lê Nga
Bình luận (0)