Nạn phá thai 'lậu' của phụ nữ trẻ Myanmar

20/06/2017 21:02 GMT+7

Bất chấp lệnh cấm và truyền thống “cái ngàn vàng”, hàng ngàn phụ nữ trẻ Myanmar "ăn cơm trước kẻng" vẫn tìm đến những cơ sở phá thai trái phép.

Luật pháp Myanmar cấm phá thai trừ phi sinh mạng người phụ nữ bị đe dọa và các bác sĩ không tuân thủ sẽ đối mặt với bản án 10 năm tù giam. Thậm chí nói về vấn đề tình dục ở nước này cũng bị xem là điều cấm kỵ. Mặc dù thanh niên có thể dễ dàng tiếp cận các biện pháp phòng tránh thai, nhưng rất ít phụ nữ biết cách sử dụng và nhiều người trẻ ngại ngùng, không dám mua bao cao su, dẫn đến mang thai ngoài ý muốn. Các chuyên gia nhận định văn hóa im lặng và bêu xấu phụ nữ "ăn cơm trước kẻng" khiến 250.000 phụ nữ Myanmar hằng năm phải tìm đến những cơ sở phá thai phi pháp, thậm chí tự ý dùng thuốc phá thai không rõ nguồn gốc.
Bỏ mạng vì phá thai
Trong một căn phòng khách sạn ở TP.Yangon, Thiri (28 tuổi) uống thuốc để phá bào thai ngoài ý muốn sau khi bị bạn trai bỏ rơi. Đây là một câu chuyện khá phổ biến ở Myanmar, nơi vẫn còn nhiều người xem phụ nữ là "gái hư" nếu họ quan hệ tình dục với bạn trai trước hôn nhân. “Lúc uống liều thuốc cuối cùng mua từ chợ đen, tim tôi đập rất nhanh, cơ thể run rẩy và khi máu bắt đầu chảy ra, bụng tôi đau kinh khủng. Bây giờ tôi lo là không thể mang thai", Thiri (tên đã được thay đổi) kể lại với AFP. Cô hiện không dám nói với chồng sắp cưới về việc từng phá thai cách đây 2 năm.
Các số liệu cho thấy tỷ lệ người mẹ tử vong của Myanmar đứng hàng thứ hai ở Đông Nam Á (sau Lào) và gấp đôi tỷ lệ trung bình cả khu vực, cứ 100.000 phụ nữ mang thai thì có 282 người chết. Trong số đó, 10% tử vong do phá thai theo số liệu thống kê chính thức, nhưng giới chuyên gia cho rằng con số thực tế cao hơn. "1/3 số phụ nữ mang thai tử vong ở Myanmar có liên quan đến phá thai", Giám đốc Sid Naing của Tổ chức phi chính phủ Marie Stopes lưu ý.
Ngoài việc mua thuốc phá thai từ chợ đen, hàng ngàn phụ nữ trẻ ở Myanmar hằng năm tìm đến các cơ sở phá thai trái phép, phó thác mạng sống cho “lang băm”. Các chuyên gia cho biết hàng chục người tự xưng bác sĩ hoạt động ngầm ở TP.Yangon, với giá 30.000 - 100.000 kyat (20 - 75 USD)/ca nạo phá thai.
Nhiều trường hợp phụ nữ xuất huyết chết ngay tại cơ sở phá thai trái phép và số khác bị nhiễm trùng nghiêm trọng đe dọa tính mạng. Bác sĩ Ni Ni, Giám đốc Tổ chức Bảo vệ nữ quyền IPAS, đưa ra một trường hợp cụ thể gần đây là bé gái 14 tuổi phải trải qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ tử cung bị thủng vì căm xe đạp được “lang băm” dùng để phá thai.
Số liệu từ Bệnh viện Phụ sản trung tâm Yangon cho thấy khoảng 300 phụ nữ nhập viện bị chứng nhiễm trùng máu vì phá thai trái phép từ tháng 1 -9.2016. "Nếu họ không đến sớm, chúng tôi chẳng giúp được gì. Đa số trường hợp nhập viện quá muộn bởi vì họ lo sợ", Su Su, một nữ bác sĩ từng làm việc tại bệnh viện này, cho hay.
Kế hoạch hóa gia đình
Không chỉ riêng những cô gái trẻ chưa chồng, nhiều phụ nữ kết hôn cũng mang thai ngoài ý muốn. "Phụ nữ bị đe dọa nếu họ không quan hệ tình dục với chồng. Họ không thể thỏa thuận với chồng về việc dùng bao cao su", theo bà Htar Htar, nhà sáng lập Tổ chức Bảo vệ nữ quyền Akhaya Women.
Myanmar dưới thời quân đội cầm quyền trước đây phớt lờ kế hoạch hóa gia đình, thậm chí khuyến khích người dân sinh thêm nhiều con cái do lo ngại dân số quá đông của các nước láng giềng Ấn Độ, Trung Quốc và thậm chí Thái Lan. “Trước đây, từ ngữ kế hoạch hóa gia đình từng là điều cấm kỵ”, Kaori Ishikawa, phó đại diện của Quỹ dân số LHQ (UNFPA) tại Myanmar, cho hay.
Nhưng kể từ năm 2011, chính quyền bán dân sự đã tiến hành chính sách kế hoạch hóa gia đình, giúp nhiều phụ nữ kết hôn tiếp cận biện pháp tránh thai. Nhiều tổ chức phi chính phủ đang nỗ lực tuyên truyền và hỗ trợ phụ nữ về biện pháp tránh thai, nhất là tại khu vực nông thôn, nơi có tỷ lệ mẹ tử vong cao gấp đôi thành thị.
Trong hai năm qua, UNFPA hỗ trợ 10 triệu USD cho chương trình kế hoạch hóa gia đình ở Myanmar. Cơ quan này cùng những tổ chức phi chính phủ nỗ lực vận động, đề xuất hủy bỏ luật cấm phá thai để bảo vệ phụ nữ, nhưng đến nay chính phủ vẫn từ chối. Đối với những cô gái mang thai ngoài ý muốn, đây là vấn đề sống chết. “Nếu chính phủ hủy bỏ lệnh cấm sẽ cứu sống được nhiều người”, Thiri chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.