Kế hoạch trộm gần 1 tỉ USD từ tài khoản ngân hàng Bangladesh tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), một doanh nhân người Trung Quốc - Philippines liên quan đến casino ở Manila và luật chống rửa tiền lỏng lẻo...
Bangladesh cáo buộc tin tặc đã đánh cắp hàng trăm triệu USD mà nước này gửi trong tài khoản ở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Ảnh: AFP |
Đây chỉ là vài trong số những yếu tố hấp dẫn của câu chuyện về một trong những trường hợp rửa tiền tiềm năng lớn nhất được ghi nhận ở Philippines.
Vụ việc có thể dập tắt nỗ lực của đất nước Đông Nam Á trong việc chống nạn rửa tiền, nhắc lại mối đe dọa đặt ra trước bất cứ tổ chức chính phủ hay tư nhân nào về bọn tội phạm đang ngày càng tinh vi, cố trộm cắp tiền từ các nạn nhân thiếu chuẩn bị thông qua các hoạt động tấn công mạng, trong đó bao gồm đánh cắp mã ngân hàng.
Bangladesh là đất nước bị tấn công mạng nhiều thứ 20 trên thế giới, theo số liệu từ bản đồ nguy cơ không gian mạng được hãng phát triển phần mềm bảo mật quốc tế Kaspersky Lab thiết lập.
Từ tài khoản ngân hàng của Bangladesh
Vụ việc bắt đầu ở Bangladesh, đất nước có dân số vào khoảng 170 triệu người và gần đây có dự trữ ngoại hối tăng đáng kể nhờ bùng nổ xuất khẩu nhiên liệu và lượng kiều hối lớn. Một phần trong khoản dự trữ của Bangladesh gửi trong tài khoản tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ ở thành phố New York.
Bộ trưởng Tài chính Bangladesh Abul Maal Abdul Muhith mới đây cáo buộc Fed có “những hoạt động bất thường” dẫn đến việc chuyển nhượng trái phép 100 triệu USD từ tài khoản của nước này.
Ngân hàng Trung ương Bangladesh cho rằng số tiền đã bị hacker đánh cắp và một phần số tiền này dẫn tới Philippines khi được truy nguồn. Một quan chức giấu tên thuộc Ngân hàng Trung ương Bangladesh còn cho hay một đợt chuyển riêng 870 triệu USD cũng bị chặn bởi Fed.
Fed cho biết không có dấu hiệu nào chứng minh hệ thống của họ đã bị hack và phát ngôn viên của Fed hôm 9.3 không bình luận khi được hỏi về đợt chuyển 870 triệu USD và kế hoạch thu hồi số tiền trong tài khoản của nước bạn. Quốc gia Nam Á nói rằng Fed cần kiểm tra lại các giao dịch với ngân hàng trung ương nước này, và họ sẵn sàng kế hoạch hành động pháp lý chống lại Fed để lấy lại số tiền bị mất.
Đầu mối vụ trộm 1 tỉ USD của Bangladesh gửi ở Fed dẫn về các casino ở thành phố Manila (Philippines) - Ảnh: Bloomberg
|
Đến số tiền đáng ngờ ở Philippines
Ở Philippines, giới chức quản lý hoạt động đánh bạc cho biết họ đang điều tra báo cáo về việc có đến 100 triệu USD trong các quỹ đáng ngờ được chuyển vào tài khoản ngân hàng của ba sòng bạc không xác định.
Cuộc điều tra trên cho thấy điểm yếu tiềm năng của Philippines trong việc dập tắt nạn rửa tiền, phát sinh sau khi các nhà lập pháp thành công trong việc không buộc các sòng bạc phải báo cáo giao dịch đáng ngờ đến Hội đồng Chống Rửa tiền. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Philippines Teresita Herbosa cho biết nước này có thể tái gia nhập “danh sách đen” các nước không hành động triệt để nhằm chống lại nạn rửa tiền.
“Đây là vết đen trên toàn bộ ngành tài chính của Philippines”, Thượng nghị sĩ Serge Osmena, Chủ tịch Ủy ban Thượng viện về các ngân hàng và tổ chức tài chính nói. Giới lập pháp quốc gia Đông Nam Á sẽ điều tra vụ án trong thời gian tới, song vẫn chưa thể sửa đổi luật pháp trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Benigno Aquino kết thúc.
Tờ The Philippine Daily Inquirer có bài báo đầu tiên vụ việc. Tờ báo cho hay tiền có thể đã vào Philippines thông qua Jupiter Street, Makati City, chi nhánh của Rizal Commercial Banking.
Số tiền được đổi thành peso và gửi vào tài khoản của một doanh nhân người Trung Quốc - Philippines chưa rõ danh tính, điều hành doanh nghiệp đánh bạc đang ăn nên làm ra ở Philippines. Khoản tiền trên được sử dụng để mua chip casino hoặc bù lỗ tại các điểm kinh doanh như Solaire Resort & Casino và City of Dreams Manila.
Mặt khác, số tiền chính xác mà Bangladesh bị lấy cắp lại không thống nhất. Trong khi Bộ trưởng Tài chính Muhith cho hay Fed chịu trách nhiệm về khoản tiền 100 triệu USD, một quan chức Ngân hàng Trung ương Bangladesh khác cho biết đã có 20 triệu USD trong tổng số tiền 101 triệu USD đã được thu hồi từ một tài khoản đặt ở Sri Lanka, tức còn khoảng 81 triệu USD “mất tích”.
Dù thế nào, trợ lý giáo sư khoa học chính trị Richard Javad Heydarian tại Đại học De La Salle cho hay Philippines vẫn cần thiết lập bộ máy có thể giám sát và điều tiết hệ thống tài chính tốt, vì hiện “còn vô số lỗ hổng trong hệ thống luật và thực thi pháp luật của Philippines”.
Bình luận (0)