Nạn trộm cổ vật ở An Giang

04/06/2013 03:00 GMT+7

Nhắc tới bộ lư cổ bằng đồng đen tuổi đời trên 200 năm, bà H. vẫn nuối tiếc do di vật ông bà để lại đã lọt vào tay kẻ trộm.

Xôn xao những vụ trộm

Bà H. (ngụ thị trấn Núi Sập, H.Thoại Sơn, An Giang) cho biết bộ lư trên cao khoảng 30 cm, trên đỉnh lư có hình hai con lân đang tranh trái châu. Đây là bộ lư do ông bà để lại truyền đến đời bà là đời thứ 5. Bà H. nhớ lại, trong tháng tư năm nay, có một người tới xem lư, khen lư đẹp và trả giá 100 triệu đồng nhưng bà đuổi đi, không bán. Vài ngày sau, bộ lư cổ đã không cánh mà bay. Còn trước đó, bà Hạnh ở thị xã Châu Đốc, An Giang cũng bị trộm lư cổ bằng đồng. Bà Hạnh cho biết lư cổ trên kiểu dáng rất độc đáo, bán rẻ cũng được 50 triệu đồng nhưng tìm mua hay chuộc lại không dễ. Mỗi lần thắp nhang trước bàn thờ, dòng họ bà Hạnh ai nấy nghẹn ngào tạ lỗi với tổ tiên vì không gìn giữ được di vật.

 
Một bộ lư bằng gốm được gia chủ bảo vệ bằng lồng kính dày

Trước bà Hạnh là hộ ông Toàn, ở thị xã Châu Đốc trong đêm cũng bị trộm đột nhập lấy các món đồ cổ như 2 tủ thờ bằng gỗ cẩn xà cừ, 2 lư hương bằng sứ, 2 bộ lư bằng đồng... Còn tại Đồng Tháp, hộ ông Phúc ở xã Bình Thạnh Trung, H.Lấp Vò bị trộm các đồ cổ gồm 1 cái đĩa dùng để chưng trái cây có đường kính 40 cm, 2 đĩa có hình con cá dài 70 cm, 4 tô có đường kính 25 cm, 1 bình bông cao 80 cm và 4 cái muỗng dài 25 cm. Còn hộ bà Tư ở H.Lấp Vò bị trộm cái bàn bằng gỗ cổ hình vuông 1,2 m... Nhưng đau nhất là trường hợp anh L. ngụ ở tỉnh Long An có cặp lục bình tuổi đời hàng trăm năm được giới chơi cổ vật biết đến. Vậy mà trong một đêm mưa gió, cặp lục bình quý, trị giá gần cả tỉ đồng đã biến mất.

Không những lẻn vào nhà dân, kẻ trộm còn táo tợn đột nhập vào các đình chùa trộm cổ vật. Như đình thần Bình Mỹ, H.Châu Phú, An Giang bị lấy trộm bộ lư nặng trên 70 kg và bộ lư nhỏ nặng trên 30 kg. Còn chùa Phi Lai bị trộm lấy mất bộ đỉnh quý giá, tuổi đời trên 200 năm...

Đề phòng người lạ

Có lẽ ông T., ngụ thị trấn Mỹ Luông, H.Chợ Mới, An Giang là người may mắn thoát bàn tay kẻ trộm. Ông T. có bộ lư cao hơn 0,5 m bằng gốm rất đẹp, tuổi đời trên 150 năm. Một ngày nọ có người tới xem lư và hỏi mua trên 50 triệu đồng nhưng ông T. nhã nhặn trả lời đồ gia bảo nên không bán. Rồi đêm nọ, đang ngủ nghe tiếng động lạ, ông T. giật mình đi kiểm tra mới tá hỏa thấy cửa sổ đã bị cưa. Ông T. lật đật chạy lại xem thì bộ lư cổ vẫn còn. Sau vụ đó, ông T. làm cửa nẻo lại cẩn thận, ban đêm xích chó gần vị trí để bộ lư và tuyệt đối không tiếp xúc người lạ đòi xem lư.

 
Bộ lư đình Bình Mỹ may mắn tìm lại được - Ảnh: Thanh Dũng

Chị Quyên, một tay chơi cổ vật ở TP.Long Xuyên, An Giang cho biết sau thông tin hàng loạt đồ cổ các nơi bị trộm, chị đã hạn chế không cho người lạ vào nhà xem cổ vật. Chị Quyên nói: “Bọn gian tới để xem vị trí đồ vật để đâu để lập kế đột nhập, hiện trong nhà tôi lắp các camera ở các góc phòng, tôi đã chụp lại tất cả các vật quý để đề phòng sau này còn có cơ sở để đối chứng khi món đồ nào đó bị mất”. Theo chị Quyên, những đồ cổ hàng trăm năm có món giá trị không thể định được bằng tiền, vì thế mất một món rất đau xót.

Ở An Giang, các đình bị trộm cạy cửa đột nhập nhưng chưa lấy được đồ cổ như đình Châu Phú, đình thần Vĩnh Tế (TX.Châu Đốc), đình thần xã Cần Đăng (H.Châu Thành)... đã tăng cường phòng bị. Những món đồ có giá trị được lưu cất nơi kín đáo, khi đến ngày cần thiết mới trưng bày cho người dân thưởng lãm, cầu cúng...

Thanh Dũng

>> Chia cổ vật trong con tàu đắm
>> Phân chia số cổ vật "khủng" trục vớt tại Cù Lao Chàm
>> Triển lãm về cổ vật triều Nguyễn
>> Bảo tàng tại Huế trưng bày nhiều cổ vật quý hiếm
>> Ứng xử với cổ vật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.