Nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội

20/06/2019 16:11 GMT+7

Đó là mục tiêu xuyên suốt mà Trường cao đẳng nghề Đà Lạt (Lâm Đồng) đã thực hiện mang lại hiệu quả tốt, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương và trở thành nơi đào tạo nghề uy tín khu vực Tây nguyên.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết từ năm học 2016 - 2017, nhà trường đã triển khai đào tạo theo hình thức tín chỉ và hằng năm trường tổ chức xây dựng phát triển các ngành nghề mới theo danh mục ngành nghề cấp IV do Bộ LĐ-TB-XH ban hành. Trong quá trình đào tạo, trường thường xuyên rà soát, biên soạn lại giáo trình, ngân hàng câu hỏi cho phù hợp với chương trình đào tạo theo tín chỉ ban hành từ các năm 2016-2017, 2017-2018 và đã hoàn thành xây dựng, thẩm định ngân hàng đề thi kết thúc môn học, mô đun theo phương thức này cho tất cả các nghề đang đào tạo. Nhà trường đã đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, giảng dạy các chương trình đào tạo; chương trình đào tạo cơ bản đã được được số hóa, một số mô đun được giảng dạy trên phần mềm mô phỏng. Để tạo điều kiện cho người học, nhà trường đã áp dụng đa dạng các loại hình đào tạo: liên kết với Học viện Chisholm (Úc) đào tạo thí điểm lớp cao đẳng công nghệ sinh học dạy theo chương trình của Úc; tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp (DN), tổ chức các lớp sơ cấp, ngắn hạn thường xuyên theo nhu cầu của học viên và theo đơn đặt hàng của DN; triển khai liên kết với các trường đại học tổ chức đào tạo liên thông từ trình độ cao đẳng lên đại học.
Điều đáng ghi nhận, đến nay nhà trường đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với trên 150 DN, cộng tác chặt chẽ trong các lĩnh vực: tham gia xây dựng, điều chỉnh chương trình; tham gia giảng dạy và phản biện góp ý cho đề thi, kỹ năng đào tạo, tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp cho từng mô đun, môn học. DN phối hợp cùng thực hiện đào tạo lý thuyết, thực tập giai đoạn, thực tập sản xuất, thực tập tốt nghiệp… theo chuyên môn phù hợp nội dung sản xuất, kinh doanh của DN. Nhà trường cũng đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo nghề với sử dụng lao động theo yêu cầu thực tiễn sản xuất - kinh doanh; đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng.
Ông Trương Duy Việt, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết thêm, năm học 2017 - 2018 toàn trường có 128 CBVCNV, trong đó trên 70% giảng viên có trình độ trên đại học; 100% giáo viên đủ chuẩn về nghiệp vụ sư phạm. Thực hiện cải tiến phương pháp giảng dạy, lồng ghép giảng dạy và rèn luyện 15 kỹ năng thiết yếu cho học sinh sinh viên vào các giờ giảng dạy chuyên môn của các môn học. Không chỉ vậy, nhà trường còn luôn chú trọng đến hoạt động kiểm định và qua các đợt đánh giá năm 2009, 2014 trường liên tục đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Trong khuôn khổ Dự án EU VET Toolbox năm 2017-2018 của Liên minh châu Âu (thông qua hợp tác giữa các tổ chức Enabel - Vương quốc Bỉ, Hội đồng Anh - Vương quốc Anh, GIZ - CHLB Đức, LuxDev - Lucxembourg, AFD - Pháp) và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Cục Kiểm định chất lượng GDNN), Trường cao đẳng nghề Đà Lạt tham gia đánh giá chất lượng theo khung và phương pháp đánh giá tiêu chuẩn chất lượng của Vương quốc Anh, kết quả đạt loại tốt.
“Trong thời gian đến, nhà trường phát triển đào tạo theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt với nhiều phương thức và trình độ đào tạo, xây dựng văn hóa chất lượng trở thành yếu tố cốt lõi để thực hiện các hoạt động tổ chức và quản lý đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cấp kỹ năng nghề nghiệp suốt đời của người lao động để đáp ứng yêu cầu của vị trí làm việc và phát huy tối đa hiệu quả nguồn nhân lực. Gắn kết chặt chẽ đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động và phát triển kinh tế xã hội của địa phương; lấy sự chấp nhận của thị trường lao động làm thước đo của hiệu quả đào tạo; phát triển nhiều phương thức và trình độ đào tạo nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế”, cô Hạnh cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.