Nâng cao chất lượng giáo dục từ chất lượng giáo viên

06/08/2006 22:48 GMT+7

“Nâng cao chất lượng giáo dục” là chủ đề buổi đối thoại “Nói và làm” do HĐND TP.HCM và HTV phối hợp tổ chức sáng 6/8.

Ra đề thi theo hướng khuyến khích sáng tạo

Nhận định về ngành giáo dục TP.HCM những năm gần đây, Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo cho rằng, hiện tượng tiêu cực, gian lận trong thi cử đã không còn xảy ra. Vấn đề mà người dân thành phố hiện quan tâm là làm sao nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng chất lượng nhìn từ chuẩn nào? Ông Võ Văn Sen, Phó hiệu trưởng Trường đại học KHXH-NV TP.HCM đặt vấn đề. Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Huỳnh Công Minh cho rằng, chất lượng giáo dục phải được nhìn nhận trên 3 yếu tố: trường (cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện học tập...); đội ngũ giáo viên (sự toàn tâm toàn ý, trí lực, kỹ năng dạy...) và quản lý. Trong các yếu tố này, chất lượng đội ngũ giáo viên được quan tâm đặc biệt.

Về chất lượng thực chất của giáo dục phổ thông TP.HCM, ông Minh khẳng định từ lâu thành phố đã không quan niệm tỷ lệ học sinh cuối cấp đậu là bao nhiêu, mà yêu cầu ở cấp mầm non, tiểu học các cháu phải có thời gian chạy nhảy, chơi, ca, múa và cho biết từ năm học 2006 - 2007 sẽ cấm hết các cuộc thi của học sinh ở cấp tiểu học.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, khách mời của buổi đối thoại, cũng đồng tình với quan điểm của ông Minh. Theo Bộ trưởng, trong đợt vận động nói không với tiêu cực, bệnh thành tích, vai trò của người thầy là rất quan trọng. Bộ trưởng dẫn chứng: "Ở Cà Mau, An Giang, khi tiến hành thi nghiêm túc thì tỷ lệ đậu xuống rất thấp: An Giang chỉ trên 30%, Cà Mau 69%. Sau đó thầy dạy thật và trò học thật nên tỷ lệ này được nâng lên trên 70%".

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ GD-ĐT đang làm việc với các trường sư phạm để tiến hành soạn thảo đề thi theo hướng khuyến khích sáng tạo của thí sinh. "Trước đây, học sinh thi nặng về gạo bài, cứ học thuộc là làm được. Còn sắp tới nếu học thuộc bài chỉ đạt 60%, số 40% còn lại là sáng tạo, về lâu dài thì tỷ lệ câu hỏi đòi hỏi sự sáng tạo trong đề thi là 60%..." - Bộ trưởng nói.

Lương giáo viên sống được... 10 ngày!

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Diễn đàn "Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 5.8, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã cho biết một trong những nỗi day dứt lớn nhất của những người làm công tác giáo dục hiện nay là thu nhập của giáo viên không đủ sống. Vấn đề này một lần nữa lại được đề cập trong buổi đối thoại.

Tại TP.HCM, theo bà Phạm Phương Thảo, năm 2005 thành phố chi cho giáo dục 21,7% chi ngân sách, năm 2006 là 22,5% với số tiền khoảng 1.315 tỉ đồng, chưa kể tiền xây dựng trường lớp và "đây là những nỗ lực lớn của thành phố". Ông Minh tính toán: "Trong 22% chi ngân sách cho giáo dục, lấy 80% chi cho lương giáo viên... thì mỗi người cũng chỉ được 1 triệu đồng/tháng. Nhưng theo nghiên cứu của Trung tâm xã hội của thành phố, người giáo viên tối thiểu phải nhận lương 3 triệu đồng/tháng mới sống được". Theo ông Minh, giải pháp duy nhất là đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, giải quyết vấn đề thu nhập của giáo viên phải có hai tiền đề. Một là ngành giáo dục phải chấn chỉnh kỷ cương trước, làm rõ trách nhiệm mình với học trò, với phụ huynh, với xã hội thì lúc đó mới có tư thế để yêu cầu nhà nước quan tâm hơn. Vấn đề thứ hai là làm sao để chất lượng đào tạo tốt hơn. Qua đó, khối đại học, cao đẳng và dạy nghề phát huy vị thế của mình là dạy nghiên cứu và làm dịch vụ theo nhu cầu xã hội, tăng thu nhập bằng các dịch vụ phục vụ xã hội, đào tạo theo đơn đặt hàng. Riêng khối phổ thông, bên cạnh việc nâng cao chất lượng, Bộ GD-ĐT sẽ bàn lộ trình với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tìm cách nâng cao thu nhập của giáo viên. "Không có lý gì mà sau 20 năm phát triển liên tục, tốc độ GDP tăng 7,5% mỗi năm mà thu nhập của giáo viên vẫn chưa đủ sống" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đ.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.