Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, bà Nguyễn Thị Xuân, Phó giám đốc BHXH tỉnh Đắk Lắk, nhấn mạnh sự cần thiết thực hiện những nội dung mới của quyết định này nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quy trình nghiệp vụ trong lĩnh vực BHXH nói chung.
Bà có thể cho biết mục đích, ý nghĩa của việc ban hành Quyết định 595/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam?
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14.4.2017 (gọi tắt Quyết định 595) thay thế Quyết định 959/QĐ-BHXH ngày 9.9.2015. Quyết định 595 đã hướng dẫn đầy đủ quy định của pháp luật về tham gia, đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT. Quy trình ban hành theo quyết định này được xây dựng trên cơ sở dữ liệu tập trung, lấy dữ liệu hộ gia đình làm trung tâm và kết nối liên thông với dữ liệu đóng, hưởng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Theo quy định, phải xác định được mã số BHXH của người tham gia trước khi đưa thông tin người tham gia vào phần mềm quản lý để làm căn cứ thu; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT. Đồng thời quy định số sổ BHXH, số thẻ BHYT thống nhất lấy theo mã số BHXH.
Quy trình này quy định việc xử lý, phân tích, kết nối dữ liệu thuế để làm căn cứ xác định số người, số tiền tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Quy trình rút ngắn thời gian, thủ tục thực hiện nhiệm vụ về thu; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT. Hệ thống biểu mẫu về BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT được chuẩn hóa, đơn giản các chỉ tiêu, mẫu biểu để phục vụ giao dịch điện tử và thuận tiện trong việc kê khai của đơn vị và người dân.
Những nội dung mới nào đáng chú ý của Quyết định 595/QĐ-BHXH, thưa bà?
+Trước hết, về thủ tục hồ sơ, Quyết định 595 cắt giảm từ 9 thủ tục hành chính xuống còn 5 thủ tục hành chính (giảm 4 thủ tục). Cụ thể, ghép 4 thủ tục, gồm: đơn vị tham gia lần đầu, đơn vị di chuyển từ địa bàn tỉnh, thành phố khác đến; điều chỉnh đóng BHXH, BHYT, BHTN hằng tháng; truy thu BHXH, BHYT, BHTN; người lao động có thời hạn ở nước ngoài tự đăng ký đóng BHXH bắt buộc thành thủ tục: Đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT. Ghép 2 thủ tục, gồm: ghi xác nhận thời gian đóng BHXH cho người tham gia được cộng nối thời gian nhưng không phải đóng BHXH; điều chỉnh làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trước năm 1995; cấp lại sổ BHXH, đổi, điều chỉnh thông tin trên sổ BHXH, thẻ BHYT thành thủ tục: Cấp lại, đổi, điều chỉnh nội dung trên sổ BHXH, thẻ BHYT.
Về mẫu biểu có liên quan đến đơn vị sử dụng lao động, UBND xã, đại lý thu/ nhà trường… thì bãi bỏ các mẫu biểu: Mẫu DK01, DK02, DK03, DK04, DK05, DK06 và Mẫu C05-TS; bổ sung mẫu biểu: Mẫu D03-TS, D06-TS.
Về thời hạn giải quyết, quy trình theo Quyết định 595 quy định rút ngắn thời gian cấp sổ BHXH từ 20 ngày, thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày (không quy định ngày làm việc). Điều chỉnh nội dung đã ghi trên sổ BHXH: không quá 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Đối với trường hợp cấp lại thẻ BHYT: Nếu không thay đổi thông tin thì không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định; từ ngày 1.1.2019 trở đi thì thực hiện trong ngày khi nhận đủ hồ sơ theo quy định. Nếu thay đổi thông tin thì không quá 3 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Đối với người tham gia đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh (KCB), thực hiện trong ngày khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Về quy trình thu, nhận kết quả: thông báo mã số BHXH thay cho số sổ BHXH và số thẻ BHYT như trước đây. (Đơn vị có thể tra cứu mã số BHXH, mã hộ gia đình của người tham gia tại địa chỉ: http://baohiemxahoi.gov.vn)
Về quản lý thu, điểm mới trong quy định này là đối với nhóm đối tượng do người tham gia và đơn vị đóng, chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên, thẻ BHYT hết giá trị sử dụng. Khi người lao động phát sinh chi phí KCB trong thời hạn thẻ BHYT hết giá trị sử dụng, cơ quan BHXH thực hiện thanh toán trực tiếp chi phí KCB theo quy định sau khi đơn vị đã đóng đủ số tiền chậm đóng BHYT.
-Đối với quy trình giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN, bà có thể cho biết đối tượng và nội dung điều chỉnh trong quy trình?
+Quy trình giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN (gọi chung là giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH) có phạm vi điều chỉnh bao gồm: đăng ký tham gia giao dịch điện tử; đăng ký tham gia BHXH, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN (gọi chung là BHXH); giám định và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định tại Nghị định số 166/2016/NĐ-CP ngày 24.12.2016 của Chính phủ quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH.
Quy trình được áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng giao dịch điện tử và các tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, bao gồm: các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia giao dịch điện tử và sử dụng giao dịch điện tử trong việc tham gia, đề nghị cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; giải quyết, chi trả các chế độ BHXH; giám định và thanh, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT; tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH; cơ quan bưu điện; BHXH các cấp; các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Quy trình giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH sẽ đem lại lợi ích gì cho tổ chức, cá nhân thực hiện?
Có thể nói, thực hiện giao dịch điện tử, giao dịch qua dịch vụ bưu chính sẽ đem lại những lợi ích thiết thực cho người lao động và doanh nghiệp, tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí đi lại. Cụ thể, trong việc khai báo BHXH điện tử, các doanh nghiệp cũng như người phụ trách chỉ cần điền thông tin theo mẫu có sẵn và tự động kết xuất tờ khai theo đúng mẫu. Việc này sẽ giúp cho quá trình quản lý, tra cứu lại tờ khai được dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện. Thay vì phải tới trực tiếp cơ quan BHXH như trước đây thì hiện nay, với việc sử dụng phần mềm khai báo BHXH điện tử, các doanh nghiệp sẽ không phải đến trực tiếp để giải quyết các thủ tục, không phải chờ đợi và có thể thực hiện bất kỳ lúc nào.
Bên cạnh đó, công tác lưu trữ hồ sơ trở nên đơn giản, dễ dàng lưu lại tất cả hồ sơ đã kết xuất và nộp cho cơ quan BHXH (không sợ thất lạc) trên một hệ thống phần mềm đã được thiết lập, giúp người quản lý dễ dàng đối chiếu, khai thác. Đồng thời, việc khai báo BHXH thông qua hệ thống điện tử cũng sẽ giúp các cơ quan BHXH giải quyết các trường hợp, tình huống được nhanh gọn, tiến tới rút ngắn thời gian chờ đợi, trả kết quả.
Tuy nhiên, trong thời gian đầu triển khai thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH sẽ gặp một số hạn chế do chuyển đổi quy trình quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin như: bổ sung thêm thông tin người tham gia, hồ sơ xử lý có thể chậm, muộn… Điều này cần được sự thông cảm, chia sẻ, phối hợp của nhân dân và các cơ quan, đơn vị.
Cám ơn bà về những nội dung trao đổi!
*Trốn đóng BHXH có thể bị xử lý hình sự
Bà Nguyễn Thị Xuân: Quyết định 595 còn có những điểm mới trong việc quản lý nợ; đôn đốc thu nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN; quy định hàng tháng thông báo danh sách đơn vị cố tình không đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Trường hợp đơn vị có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho người lao động, phối hợp chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền đề nghị điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.
Trung Chuyên (thực hiện)
|
Bình luận (0)