Nâng cao mức sống cho nông dân

26/07/2011 07:00 GMT+7

“Tôi đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, vậy Nhà nước có đảm bảo đời sống cho tôi?”, một nông dân ở tỉnh An Giang đặt câu hỏi với Bí thư tỉnh này, ông Phan Văn Sáu. Không trả lời được, ông Sáu đã đặt lại vấn đề trên tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL thời kỳ 2001-2010”. Một câu hỏi khiến nhiều người phải suy ngẫm, nhưng ít người dám và có câu trả lời.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, 10 năm qua, ĐBSCL đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, toàn diện trên tất cả các mặt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân toàn vùng đạt 11,7%/ năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Môi trường đầu tư của các tỉnh trong khu vực được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của các địa phương đều nằm trong nhóm khá trở lên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 là 1.000 USD, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2001. Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng (theo chuẩn mới) giảm từ 14,18% xuống còn 7,32%.

Đời sống người dân từng bước được nâng lên, nhưng vẫn còn nhiều yếu kém cần được cải thiện. Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Lương Lê Phương cho rằng: Nếu so với các vùng miền khác, ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ tụt hậu. Giai đoạn 1999 - 2002, thu nhập bình quân đầu người của vùng ĐBSCL cao hơn mức bình quân cả nước. Nhưng đến năm 2004, thì chỉ bằng 97,3% và năm 2008, chỉ bằng 94,5%. Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói năm 2010, thu nhập bình quân đầu người ở của ĐBSCL chỉ bằng 80% so với cả nước. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương cần tìm giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân, phấn đấu trong 5 năm tới, GDP bình quân theo đầu người phải bằng 90% so với bình quân chung của cả nước.

TS Nguyễn Văn Sánh, trường ĐH Cần Thơ, cho rằng: nông nghiệp, nông dân và nông thôn sẽ bị áp lực rất lớn trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới và tác động của biến đổi khí hậu. Nếu không có giải pháp ngay từ bây giờ thì rất khó tận dụng cơ hội để phát bền vững trong tương lai. Để nâng cao thu nhập cho người nông dân cần đầu tư cho giáo dục và dạy nghề bên cạnh việc xây dựng các cơ chế chính sách hợp lý tạo bước đột phá qua liên kết vùng và tham gia “4 nhà”.

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.