Bí thư, Chủ tịch không phải đi thăm Thủ tướng, Phó thủ tướng
Trình bày dự thảo Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết sẽ tập trung hoàn thiện các quy định nhằm tiến tới xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, “duyệt - cấp”. Nghị quyết cũng nhấn mạnh đến các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, "lợi ích nhóm", "sân sau", trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) nhà nước…
|
Chia sẻ về nội dung này, Thủ tướng thừa nhận có tình trạng vô trách nhiệm với công việc, vô cảm với dân, để thất thoát tài sản nhà nước... “Đây đều là việc đụng chạm hằng ngày ở khối chính quyền. Vì vậy tinh thần là phải chống có hiệu quả tình trạng hối lộ, chống “sân trước”, “sân sau”, Thủ tướng nhấn mạnh. Người đứng đầu Chính phủ cũng đặt vấn đề cơ chế giám sát bởi đây là câu hỏi mà nhiều người đã đặt ra cho lãnh đạo Chính phủ để lời nói đi đôi với việc làm.
Thủ tướng nhắc lại thông điệp không “đi tết”, phong bì trong bộ máy hành chính. “Tôi xin được nói với toàn thể quốc dân, đồng bào và các đồng chí bí thư, chủ tịch là các đồng chí không phải đi thăm Thủ tướng, Phó thủ tướng, các bộ trưởng nữa. Không phải chỉ miền Nam không ra Bắc mà ngay miền Bắc cũng không đến Hà Nội”, Thủ tướng lưu ý.
Nhiều tỉnh, thành kêu “khó”
Tại hội nghị, nhiều địa phương lại kêu khó về ngân sách và xin được rót vốn từ T.Ư. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ với lãnh đạo TP.HCM bởi người đứng đầu Chính phủ cảm nhận được tâm tư từ những người có trách nhiệm của TP khi tỷ lệ điều tiết về T.Ư phải tăng lên. “Chính phủ sẽ có những cơ chế để hỗ trợ lại TP. Chính phủ luôn coi TP.HCM là trái tim của mình”, Thủ tướng khẳng định.
Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đề nghị Chính phủ ngay trong năm 2017 bố trí cho địa phương 1.000 tỉ đồng trong gói 5.000 tỉ đồng đã được Quốc hội thông qua để phục vụ tiểu dự án giải phóng mặt bằng cho sân bay Long Thành.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết tỉnh nhiều năm rồi chưa đi xin T.Ư khi luôn là một trong 3 địa phương đóng góp nhiều nhất, song năm nay quá khó khăn nên cần T.Ư hỗ trợ và tỉnh sẽ “bù đắp” lại trong những năm sau. Cụ thể, ông Trình cho biết năm 2016 do giá dầu giảm nên địa phương hụt thu 21.000 tỉ đồng, trong đó thu nội địa cũng hụt 8.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho hay riêng với vấn đề hụt thu do giá dầu giảm thì đã có cơ chế xử lý, người đứng đầu Chính phủ cũng động viên địa phương “cố gắng tiết kiệm tối đa”. Tương tự, đại diện tỉnh Khánh Hòa cũng kêu thiếu vốn cho các dự án giao thông trọng điểm. Còn tỉnh Hà Nam kiến nghị T.Ư hỗ trợ vốn để thực hiện các dự án xử lý môi trường nước sông Nhuệ, sông Đáy.
Bày tỏ quan điểm trước vấn đề này, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng trong dự thảo nghị quyết của Chính phủ về điều hành kinh tế xã hội năm tới cần bổ sung vấn đề nâng cao huy động nguồn lực trong xã hội cũng như cần có giải pháp chỉ đạo việc sử dụng nguồn lực hiệu quả. “Bởi thực tế chúng ta cũng đã phải kiểm điểm nhiều công trình dự án chi tiêu lãng phí”, bà Thịnh lưu ý.
Bỏ 1 thủ tục, tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng
Trình bày báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19 về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, định hướng đến năm 2020, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay nghị quyết đưa ra mục tiêu thứ hạng rất cụ thể đối với những chỉ số môi trường kinh doanh đang thấp như: Khởi sự kinh doanh từ vị trí 121 phải lên 60; thủ tục cấp phép xây dựng từ 166 ngày phải rút ngắn thêm 30 ngày; thuế có tiến bộ nhưng vẫn còn 540 giờ và phải tiếp tục giảm; thời gian giải quyết tranh chấp từ 400 ngày còn 300 ngày… Về nâng cao năng lực cạnh tranh, nghị quyết đặt mục tiêu nâng thứ hạng VN theo xếp hạng của WEF từ 60 lên vị trí 50.
Đề cập đến vai trò quan trọng của người đứng đầu trong thực hiện cải cách, Phó thủ tướng nêu ví dụ vừa qua Bộ trưởng Bộ Công thương đã bãi bỏ các quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyde trong vải, khai báo hóa chất đã tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng, hàng vạn ngày công cho DN. Tới đây Bộ Công thương sẽ tiếp tục sửa đổi quy định về dán nhãn năng lượng vốn gây tốn kém rất lớn về thời gian, chi phí cho DN khi mọi loại thiết bị sử dụng năng lượng nhập vào VN đều phải kiểm tra, dán nhãn năng lượng, dù năng lực kiểm định của VN có hạn.
Thủ tướng nhìn nhận một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ là nâng cao môi trường kinh doanh, cạnh tranh quốc gia, nhưng hiện một số chỉ số cải cách vẫn chưa đạt yêu cầu. “Không thể cứ để VN trong tình trạng ì ạch mãi thế này, không để đứng chót bảng mãi được”, Thủ tướng thúc giục.
Hoàn thiện quy định đánh giá, phân loại cán bộ, công chức
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ chỉnh lý theo hướng quy định người đứng đầu đơn vị sự nghiệp có trách nhiệm nhận xét và đề nghị người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp quyết định đánh giá, phân loại đối với cấp phó không do mình bổ nhiệm; lưu ý quy định đối với đơn vị sự nghiệp tự chủ để bảo đảm đúng thẩm quyền. Bộ Nội vụ báo cáo xin ý kiến Chính phủ phương án quy định về trách nhiệm xây dựng các tiêu chí chi tiết để đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức: phương án 1 như dự thảo nghị định là giao thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng các tiêu chí chi tiết để đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm phù hợp với điều kiện cụ thể của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; phương án 2 là giao bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ hướng dẫn cụ thể các tiêu chí để đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo từng ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.
|
Bình luận (0)