Bữa ăn học đường hiện chưa được quan tâm đúng mức - Ảnh: Ngọc Thắng |
Thiếu cả lượng và chất
|
Tại Hà Nội, bữa ăn bán trú được các trường thực hiện phổ biến theo các hình thức: tự nấu, mua cơm hộp do các công ty cung cấp suất ăn hoặc thuê dịch vụ nấu ăn. Việc thả nổi, thiếu quản lý và giám sát chất lượng bữa ăn dẫn đến mối lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm, thiếu dinh dưỡng cho các thế hệ tương lai.
Chị Hoàng Thị Bình, có con học tại Trường tiểu học Q.Đống Đa (Hà Nội), cho hay đã 3 năm nay, cứ vào năm học mới, chị lại lo lắng cho sức khỏe của cậu con trai. “Không hiểu sao, 3 tháng hè con ở nhà tăng 4-5 cân, nhưng hễ đi học là cháu lại sụt cân. Con đang tuổi ăn, tuổi lớn, chiều nào đi học về cháu cũng kêu đói, kêu cơm hộp ở trường ăn rất chán và không đủ no. Tính ra tiền ăn 25.000 đồng/ngày không phải là ít, nhưng có thể do chưa cân đối dinh dưỡng hợp lý nên các con ăn thiếu cả về lượng lẫn chất”, chị Bình bộc bạch.
Mặc dù đóng học phí cao hơn hẳn trường công, nhưng tại các trường tư thục, dinh dưỡng bữa ăn cũng chưa hợp lý. Chị Quỳnh Hoa, có con học trường tư thục tại Q.Cầu Giấy (Hà Nội), chia sẻ: “Cả hai vợ chồng đều bận rộn nên gia đình chỉ ăn tối cùng nhau, còn lại bữa sáng và bữa trưa con đều ăn ở trường. Từ ngày đi học, con tăng cân nhanh, nhưng gần đây cháu rất khó ăn, nhiều hôm còn mang theo bánh ngọt về nhà. Hỏi thì cháu bảo thực đơn ở trường toàn là những món chiên, xào, nướng và béo… ăn nhiều về nhà ngửi mùi đã thấy sợ. Tôi đã kiến nghị với nhà trường cân đối lại dinh dưỡng bữa ăn, nhưng xem ra chưa cải thiện nhiều”.
210.000 tỉ đồng để nâng cao thể trạng trẻ em VN
Chất lượng bữa ăn của học sinh tại trường không chỉ là lo lắng của các bậc phụ huynh mà cả các chuyên gia dinh dưỡng.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), nguyên nhân quan trọng là chế độ ăn uống không đầy đủ các chất dinh dưỡng hoặc chất lượng quá kém, trong đó có bữa ăn tại trường học. “Hiện chưa có số liệu điều tra mang tính toàn quốc về dinh dưỡng trẻ em lứa tuổi học đường. Tuy nhiên một số nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia (DDQG) và Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM đều cho thấy vấn đề dinh dưỡng học đường chưa được quan tầm nhiều, chiều cao, cân nặng của trẻ em Việt Nam lứa tuổi mầm non, tiểu học luôn thấp hơn khuyến cáo của tổ chức quốc tế. VN vẫn còn nằm trong danh sách 16 quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi cao nhất thế giới”, ông An cho biết.
|
Còn theo bà Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện DDQG, nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ ở lứa tuổi học đường cần glucid từ 61 - 70% tổng năng lượng, trong đó đường tinh chế không quá 10%. Nhu cầu chất xơ tối thiểu là 14 gr/1.000 kcal, nhu cầu các chất khoáng và vitamin như can xi (mg) là 700, sắt (mg) là 11,9, vitamin A (mcg) là 500, vitamin D (mcg) là 5...
“Với một khẩu phần ăn bình thường thì không thể đáp ứng được. Bằng chứng là có tới 28% học sinh bị thiếu máu do thiếu sắt, 3% bị thiếu i ốt, rất nhiều học sinh thiếu vitamin A. Vì vậy cần phải triển khai hoạt động can thiệp lồng ghép về dinh dưỡng và giáo dục dinh dưỡng - sức khỏe trong trường học”, bà Mai nói.
Ông Nguyễn Trọng An phân tích: “Sức khỏe là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng học tập, sáng tạo và sự phát triển cũng như tương lai và cuộc sống của học sinh. Giai đoạn từ khi sinh ra đến 12 tuổi là giai đoạn phát triển chiều cao chủ yếu ở trẻ, đây là giai đoạn cần sự đáp ứng dinh dưỡng tối đa. Các vi chất dinh dưỡng có vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển về thể lực và trí tuệ của học sinh. Điều tra về dịch tễ cho thấy trẻ em thường bị thiếu các vitamin A, E, can xi, sắt, kẽm, i ốt... Khi trẻ bị đói và thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ dẫn đến mệt mỏi, các em khả năng tiếp thu chậm. Về lâu dài, trẻ chán học, học hành sa sút. Điều này, không chỉ ảnh hưởng đến học tập mà còn ảnh hưởng đến nòi giống trong tương lai”.
Theo các chuyên gia, hiện nay chịu trách nhiệm về chất lượng bữa ăn học đường chủ yếu do ngành giáo dục quản lý, chưa có một cơ quan ban ngành chuyên môn nào của Chính phủ chịu trách nhiệm. Do vậy, thiếu các văn bản quy định, hướng dẫn triển khai bữa ăn học đường tại các trường để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Trọng An, sang năm 2014, Bộ LĐ-TB-XH sẽ trình Chính phủ phê duyệt đề án nâng cao thể trạng trẻ em VN. Kinh phí đến năm 2020 khoảng 210.000 tỉ đồng. Mục tiêu dự kiến của đề án là chiều cao trung bình người Việt sẽ được cải thiện, trung bình nam giới đạt 167 cm, nữ giới 156 cm vào năm 2020; đến năm 2030 là 168,5 cm ở nam và 157,5 cm ở nữ (tăng hơn nhiều so với con số 164,4 cm ở nam và 153,4 cm ở nữ hiện nay).
Chiều cao trung bình ở nữ đã tăng thêm 2 cm và nam tăng thêm 4 cm trong vòng 25 năm qua, tuy nhiên vẫn thấp hơn chiều cao trung bình chuẩn quốc tế và trong khu vực. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thấp còi ở VN vẫn ở mức cao (26%) cản trở có được chiều cao tối đa. Chiều cao này có thể chênh lệch đến 12 cm (158 và 170 cm) giữa các trẻ thấp còi và không thấp còi khi trưởng thành. Thấp còi rất khó có thể “sửa chữa”, làm ảnh hưởng đến sức bền và năng suất lao động khi trưởng thành. Thấp còi cũng làm tăng nguy cơ béo phì vì khi điều kiện dinh dưỡng cải thiện, các trẻ thấp còi có xu hướng tăng cân nặng nhanh hơn tăng chiều cao. (Nguồn: Tổng cục DS-KHHGĐ và Viện DDQG) |
Thu Hằng
>> Phụ huynh lo bếp ăn bán trú không an toàn
>> Phụ huynh phản ứng chất lượng bữa ăn bán trú
Bình luận (0)