Nhiều phụ huynh ở thành phố Nam Định có con học bán trú bày tỏ lo lắng về an toàn thực phẩm và chế độ dinh dưỡng ở các bếp ăn nhà trường.
|
Chia sẻ với Thanh Niên Online, anh Lê Văn Thanh (phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định) cho biết, anh có 2 con cùng học bán trú tại các trường tiểu học trong thành phố. Tuy nhiên, từ đầu năm học, nhà trường thường thông báo nộp bao nhiêu tiền, ăn mấy bữa, ăn gì... nhưng không cho biết việc nấu ăn như thế nào, mua thực phẩm ở đâu mà chỉ nói chung chung: “Xin các phụ huynh yên tâm!”.
Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều phụ huynh có con em đang học bán trú tại các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn tỉnh Nam Định. Lo lắng này xuất phát từ việc hầu như chưa trường nào công khai chất lượng, nguồn gốc thực phẩm, trong khi thực tế đã xảy một vụ ngộ độc tập thể tại Trường mầm non Xuân Phương (xã Xuân Trường, huyện Xuân Trường) ngày 5.10.2012, khi 24 học sinh và 1 giáo viên phải đi cấp cứu vì ngộ độc khi ăn ruốc.
Theo thống kê của Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thuộc Sở Y tế Nam Định, trên địa bàn tỉnh có 291 trường học với 510 bếp ăn, chủ yếu là của các trường mầm non, tiểu học, với 98.962 suất ăn mỗi bữa, chưa kể các bếp ăn của các hộ trông trẻ tại nhà. Tuy nhiên, chỉ có 50% số bếp có chứng nhận đảm bảo ATVSTP.
Theo ông Hoàng Tiến Cường, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Nam Định, các cuộc kiểm tra cho thấy hầu hết các bếp ăn trên đều mua nguyên liệu, thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, điều kiện trang bị còn rất hạn chế, chật chội, việc khám, kiểm tra và trang bị dụng cụ, trang phục cho các đầu bếp chưa được thực hiện nghiêm túc.
Trong khi phụ huynh học sinh rất quan tâm đến chất lượng bữa ăn cũng như xuất xứ nguyên liệu chế biến ở các bếp ăn nhà trường thì các trường lại tỏ ra rất “kín đáo” với vấn đề này. Chúng tôi đã liên hệ hoặc tìm đến hàng chục trường tiểu học, mầm non tại thành phố Nam Định nhưng đều bị từ chối làm việc. Câu trả lời của lãnh đạo các trường này thường là: “phải được sự đồng ý của Phòng Giáo dục thì mới làm việc”.
Trong khi đó, có lẽ do thực hiện tốt nên một vài trường lại sẵn sàng mời PV đến xem bữa ăn bán trú của học sinh, như Trường tiểu học Hồ Tùng Mậu có tới 805 học sinh ăn bữa trưa. Tại đây, PV được chứng kiến học sinh ăn bữa trưa ngày 6.11 và tiếp cận với các đầu bếp, nhà cung cấp thực phẩm, các hợp đồng mua bán...
Tiếp cận một số đầu mối thực phẩm, được chị L.T.T, một đại lý gạo ở chợ Mỹ Tho, TP.Nam Định cho biết: chỉ vài trường đông học sinh mới đặt mua gạo, thịt hàng ngày, còn lại đều ăn bữa nào mua bữa ấy, có gì ở chợ mua thứ ấy. Còn chị P.T.N, một đầu mối thường bán thịt lợn cho các trường, cho biết: hầu hết các trường đều giao lại cho một giáo viên việc quản lý bếp ăn, giáo viên này cho đấu thầu lại hoặc thuê đầu bếp tổ chức bữa ăn hàng ngày.
Ngoài mối lo về chất lượng, nguồn gốc thực phẩm, trách nhiệm tay nghề của đội ngũ đầu bếp trong các bếp ăn tập thể cũng là vẫn đề đáng quan tâm. Theo Chi cục ATVSTP Nam Định, hơn 70% đầu bếp phục vụ bán trú ở các trường trên địa bàn chưa được đào tạo tay nghề và cấp chứng chỉ nấu ăn. Ngoài ra, các cuộc kiểm tra thực tế cho thấy tình trạng phổ biến ở các bếp ăn trường học là thiếu dụng cụ, trang bị của đầu bếp trong quá trình nấu nướng.
Hoàng Long
>> Chưa có trường đạt chuẩn về bếp ăn bán trú
>> Bếp ăn bán trú ở trường tiểu học có nên tồn tại?
Bình luận (0)