Cùng với niềm vui về tuyến đường Hồ Chí Minh vừa được nâng cấp còn có nỗi lo bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) ở các tỉnh Tây nguyên.
Tuyến đường Hồ Chí Minh (QL14) qua Tây nguyên đã được nâng cấp, mở rộng - Ảnh: Trung Chuyên
|
Cuối tháng 6, dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây nguyên và tỉnh Bình Phước (QL14) với chiều dài 663 km đã hoàn thành. Toàn tuyến được đầu tư với quy mô tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng cho 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ; một số đoạn qua đô thị được mở rộng 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ. Nhiều cầu trên tuyến được xây dựng mới; cầu cũ được sửa chữa, nâng cấp kiên cố…
Dự án đã được các bộ, ngành liên quan đánh giá đảm bảo tiến độ và chất lượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn chiến lược Tây nguyên. Mặt đường êm thuận, rộng rãi đã làm tăng tốc độ cho các phương tiện tham gia giao thông, rút ngắn thời gian đi lại, vận chuyển hàng hóa, hành khách.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui về cơ sở hạ tầng giao thông được cải thiện là nỗi lo về trật tự, ATGT trên tuyến đường quan trọng này.
Tại Đắk Lắk, một thực tế đáng quan tâm là số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh, trong khi ý thức chấp hành luật giao thông của người điều khiển phương tiện, nhất là ở vùng sâu vùng xa, còn hạn chế.
Theo ông Đỗ Bình Chính, Phó giám đốc Sở GTVT Đắk Lắk, tỉnh có 1,8 triệu dân nhưng có trên 1,1 triệu xe cơ giới các loại; trong đó, mô tô, xe máy gần 999.000 chiếc; ô tô 36.500 chiếc; máy kéo nhỏ gần 79.000 chiếc...
“Loại xe máy kéo nhỏ phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp nhưng khi tham gia giao thông lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT, nhất là trên các tuyến quốc lộ có lưu lượng lớn về phương tiện và tốc độ cao như đường Hồ Chí Minh”, ông Chính nhìn nhận.
Ban ATGT tỉnh Gia Lai cũng cho biết qua thống kê trên địa bàn tỉnh này số vụ tai nạn giao thông (TNGT) từ nghiêm trọng trở lên liên quan đến người đồng bào dân tộc thiểu số điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia, không đội mũ bảo hiểm và điều khiển xe máy kéo nhỏ gây nên có chiều hướng tăng cao…
Những địa phương khác ở Tây nguyên cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ TNGT tăng trên tuyến đường Hồ Chí Minh sau khi được nâng cấp, mở rộng.
Cuối tuần qua, tại Đắk Lắk, hội nghị về triển khai kế hoạch tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT trên địa bàn Tây nguyên đã được Ủy ban ATGTQG tổ chức. Ghi nhận tại hội nghị cho thấy để khai thác hiệu quả, an toàn tuyến đường Hồ Chí Minh, các tỉnh trong vùng cần có giải pháp đồng bộ về ATGT, ngăn ngừa, giảm thiểu TNGT xảy ra.
Theo Ủy ban ATGTQG, nhiều hoạt động phải được triển khai mạnh mẽ, trong đó tập trung công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về ATGT; tăng cường kiểm soát tải trọng xe; xử lý nghiêm vi phạm hành lang ATGT; tăng cường giáo dục kiến thức pháp luật về ATGT, quy tắc tham gia giao thông an toàn cho người dân…
Một số tỉnh đã có chương trình hành động, như Đắk Nông đẩy mạnh phòng ngừa, đấu tranh với tình trạng ném đá vào xe khách; Đắk Lắk chú trọng hoạt động đào tạo, cấp giấy phép lái xe các hạng A1, A4 cho đồng bào dân tộc thiểu số, xử lý người điều khiển phương tiện máy kéo nhỏ vi phạm; Bình Phước siết chặt quản lý hoạt động vận tải, ngăn chặn vận chuyển hàng hóa quá tải trọng…
Tuy nhiên, theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban ATGTQG, những mối lo về ATGT trên tuyến đường Hồ Chí Minh chỉ được giải tỏa một khi các tỉnh Tây nguyên chỉ đạo triển khai kế hoạch đảm bảo ATGT một cách thực chất, thường xuyên; từ tỉnh, huyện đến tận cơ sở thôn, buôn; tránh hình thức, “đánh trống bỏ dùi”...
“Kết cấu hạ tầng giao thông đã được nâng cấp, đòi hỏi phải nâng cao trách nhiệm quản lý của các địa phương về hành lang ATGT, xây dựng ý thức chấp hành pháp luật giao thông, văn hóa giao thông đến từng người dân”, ông Hùng nói.
Bình luận (0)