Muốn có bằng nhưng... không chịu học
Tại hội thảo về nâng cao chất lượng hệ đại học vừa học vừa làm (ĐH-VHVL) do trường ĐH Kinh tế TP.HCM vừa tổ chức, đại diện Trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) các tỉnh cho biết, ĐH-VHVL hiện đáp ứng nhu cầu học tập của những người không có cơ hội vào các ĐH chính quy, phù hợp với những người có nhu cầu được trang bị thêm kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc liên kết đào tạo giữa trường ĐH Kinh tế TP.HCM và Trung tâm GDTX các tỉnh đã có tác dụng rất tốt khi đào tạo được nguồn nhân lực quan trọng cho các địa phương...
Tuy vậy, vẫn còn có một số nhược điểm cần được khắc phục về phía người học lẫn người dạy. PGS-TS Hoàng Đức (Trưởng khoa Đào tạo tại chức, trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng các thầy cô còn nâng đỡ trong kết quả thi hết học phần, dẫn đến đánh giá chất lượng chưa hoàn toàn chính xác; một số thầy cô thì lại quá chặt chẽ, tạo nên sự không công bằng trong đào tạo. TS Bùi Phúc Trung (Trưởng khoa Toán - Thống kê) nêu mâu thuẫn thường xuyên xảy ra, theo đó không ít người học muốn có bằng tốt nghiệp, nhưng... không chịu học; ngược lại, cơ sở đào tạo muốn có đông sinh viên nhưng lại cũng muốn chất lượng tốt để đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm GDTX An Giang nói thẳng: "Có một số giáo viên luôn yêu cầu phải được dạy liền 10 tiết/ngày và dạy liên tục trong nhiều ngày; thậm chí có giáo viên từ TP.HCM đến dạy ở tỉnh đã rút ngắn thời gian, ép giờ, dạy luôn cả ngày chủ nhật để... tranh thủ về sớm. Có giáo viên bảo mật đề thi hết môn chưa tốt và chưa đảm bảo tính khoa học; trong quá trình chấm bài, do không rọc phách nên có hiện tượng sinh viên nghi ngờ tính khách quan trong việc chấm điểm của giảng viên...". Đáng lo hơn cả khi ông Dũng phát biểu: "Đây là hiện tượng khá phổ biến".
Đừng nhìn sinh viên một cách "tiêu cực"
Để giải quyết những mâu thuẫn đã nêu ở trên và tránh tình trạng "có bằng mà không có kiến thức", TS Trung đề nghị: "Đề thi tuyển sinh đầu vào cải tiến sao cho gọn nhẹ để phù hợp với đối tượng dự thi của hệ đào tạo này, nhưng không quá chênh lệch với hệ chính quy. Về tổ chức thi cử, nên kiểm tra giữa kỳ (đánh giá quá trình) để khuyến khích sinh viên thường xuyên đến lớp, đến khi thi cuối học kỳ sẽ thuận lợi cho sinh viên hơn". Cũng về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Trọng Hoài (Trưởng khoa Kinh tế phát triển) đề nghị không nên lấy điểm chuẩn đầu vào quá thấp, tiến tới nên chọn những học viên có nhiệt huyết và thực sự muốn học.
TS Lê Văn Hưng (Trưởng khoa Luật Kinh tế) yêu cầu cần bỏ cách nhìn "tiêu cực" đối với sinh viên hệ ĐH-VHVL, nếu các giảng viên đặt yêu cầu cao hơn so với hiện nay thì họ vẫn có thể theo kịp. Quan điểm này sẽ chi phối chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy cho hệ ĐH-VHVL, tiến đến chuẩn hóa trình độ và bằng cấp. TS Hưng nói: "Không nên đặt vấn đề nâng cao chất lượng đối với hệ ĐH-VHVL mà làm sao để chuẩn hóa trình độ cử nhân kinh tế đối với hệ này, cả hai phía giảng viên và cơ sở đào tạo không được cắt xén chương trình".
Trong phần kết luận, TS Phan Mạnh Tiến (Phó vụ trưởng Vụ ĐH - Sau ĐH, Bộ GD-ĐT) cũng nhận định chất lượng đào tạo chung trên toàn quốc còn thấp, mất cân đối ngành nghề vì nhiều trường chủ yếu mở các khối ngành kinh tế, xã hội - nhân văn, luật... mà rất ít nơi mở các ngành kỹ thuật. Dự kiến từ đầu năm tới, Bộ GD-ĐT sẽ tập trung kiểm tra khâu quản lý của các cơ sở đào tạo, điều kiện mở lớp và quản lý các điều kiện đó. Bộ cũng sẽ kiểm tra chặt chẽ các khâu ra đề thi, coi thi..., Cụ thể đối với những cơ sở đào tạo có ngân hàng đề thi đủ lớn thì sẽ được xem xét để cho phép tự ra đề, những cơ sở còn lại phải dùng đề thi chung của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục.
Tại hội thảo, khá nhiều giải pháp để nâng chất hệ ĐH-VHVL cũng được nêu ra như: ban hành quy chế VHVL, giảng viên dạy hệ ĐH-VHVL phải có trên 3 năm giảng dạy hệ chính quy; chuẩn bị đề thi tuyển sinh bằng trắc nghiệm; quản lý nội dung chương trình đào tạo, có cập nhật kiến thức mới (sử dụng giáo trình quá cũ, không còn phù hợp), chú trọng cung cấp cho sinh viên khả năng tự học, tự nghiên cứu tìm kiếm tài nguyên học tập trên mạng; cân nhắc không nên để các trường ở quá xa địa điểm học viên thực học; mở rộng đối tượng tuyển sinh, không cần điều kiện có 1 năm công tác... Hội nghị GDTX toàn quốc dự định tổ chức đầu năm 2008 sẽ tập trung bàn kỹ các biện pháp này.
Nhựt Quang
Bình luận (0)