Nâng cấp tổng thể mạng lưới cao tốc toàn quốc

Mai Hà
Mai Hà
13/04/2024 04:50 GMT+7

Cao tốc 2 làn xe, thiếu làn dừng khẩn cấp, thiếu trạm dừng nghỉ…, những bất cập khiến hệ thống cao tốc VN thiếu chuẩn sắp được khắc phục với phương án nâng cấp tổng thể mạng lưới cao tốc cả nước vừa được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ.

Giải cứu các cao tốc "mắc kẹt" 2 làn xe

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) đường Hồ Chí Minh, cho biết việc nâng cấp cao tốc 2 làn xe La Sơn - Hòa Liên đã được Quốc hội thông qua và bố trí nguồn vốn để triển khai. Theo báo cáo nghiên cứu khả thi vừa được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ, tuyến đường này sẽ được mở rộng lên 4 làn xe, nền đường rộng 22 m. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 3.011 tỉ đồng được đề xuất sử dụng vốn ngân sách, công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2023 - 2024 và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn được ưu tiên nâng cấp mở rộng lên 4 làn xe

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn được ưu tiên nâng cấp mở rộng lên 4 làn xe

Mai Hà

"Với tuyến Cam Lộ - La Sơn, ban đang làm hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi để báo cáo Bộ GTVT trình Quốc hội để bố trí vốn. Sau khi Quốc hội thông qua, có danh mục dự án sẽ được bố trí vốn và tiến hành công tác mời thầu. Thủ tục chuẩn bị đầu tư hiện được rút ngắn rất nhiều vì dự án cũng khá cấp bách, dự kiến cuối năm 2024 có thể khởi công được", ông Quý cho hay.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, thời gian vừa qua, trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, khiến nhiều cử tri, đại biểu Quốc hội và người dân bày tỏ sự quan ngại về an toàn giao thông với cao tốc 2 làn xe. Cho rằng các tuyến 2 làn xe nếu khai thác hiệu quả sẽ an toàn hơn các tuyến quốc lộ, song lãnh đạo Bộ GTVT cũng thừa nhận việc tổ chức giao thông trên cao tốc 2 làn khó khăn do chưa đầu tư được hệ thống giao thông thông minh (ITS) để kiểm soát chặt chẽ phương tiện lưu thông. Các tuyến cao tốc do ngân sách đầu tư chưa thu phí nên xe tải trọng lớn thường lưu thông để tránh QL1 đã thu phí.

Đặc biệt, một số cao tốc nằm "mắc kẹt" giữa các cao tốc 4 làn liền kề khác, có nguy cơ thành điểm nghẽn như cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Theo Bộ GTVT, các phương tiện có thể khai thác với tốc độ 80 km/giờ trên cao tốc này, song do có nhiều phương tiện tải trọng lớn (chiếm đến 44%) lưu thông với tốc độ rất thấp, trong khi đường cao tốc chỉ có 2 làn xe, không cho phép vượt khiến các phương tiện phía sau bị tắc lại, một số lái xe bức xúc, cố tình lấn làn, vượt ẩu dẫn đến nguy cơ mất an toàn. Đây là lý do Cục Đường bộ VN mới đây phải đưa ra phương án tình thế là cấm xe khách trên 30 chỗ và xe tải nặng lưu thông trên cao tốc này, trong lúc chờ mở rộng lên 4 làn hoàn chỉnh.

Lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết việc triển khai nâng cấp các cao tốc 2 làn xe hiện nay sẽ đồng bộ toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam lên quy mô 4 làn hoặc 6 làn tùy từng đoạn tuyến, tránh những điểm nghẽn mất an toàn trên tuyến.

Ngân sách có hạn, ưu tiên trước 5 tuyến

Chỉ đạo tại phiên họp xây dựng pháp luật ngày 11.4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu sử dụng ngân sách có trọng tâm, trọng điểm, tập trung các lĩnh vực ưu tiên như hạ tầng chiến lược, giao thông vận tải, trong đó có các dự án cấp bách, nâng cấp một số đoạn cao tốc hiện chỉ có 2 làn xe… Tuy nhiên, với nhu cầu nâng cấp rất lớn, nếu bố trí luôn gần 495.000 tỉ đồng ngân sách để nâng cấp cao tốc 2 làn xe và 4 làn xe hạn chế đạt quy mô hoàn chỉnh sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng đến nguồn vốn để đạt mục tiêu 5.000 km cao tốc vào năm 2030.

Cao tốc Mai Sơn - QL45 sắp khởi công xây dựng trạm dừng nghỉ

Cao tốc Mai Sơn - QL45 sắp khởi công xây dựng trạm dừng nghỉ

Mai Hà

Vì thế, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ nâng cấp 5 tuyến cao tốc có nhu cầu cấp bách trước (nhóm 1) với tổng vốn sơ bộ khoảng 55.318 tỉ đồng. Trong đó, vốn nhà nước huy động khoảng 15.034 tỉ đồng (đang thiếu 7.000 tỉ đồng chưa có nguồn bố trí); vốn nhà đầu tư huy động khoảng 40.284 tỉ đồng. Ngoài đoạn La Sơn - Hòa Liên dài 66 km đã được bố trí vốn, đoạn Cam Lộ - La Sơn dài 98 km hiện đang khai thác 2 làn xe, đã giải phóng mặt bằng (GPMB) theo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh. Tổng vốn cần nâng cấp lên 4 làn hoàn chỉnh khoảng 7.000 tỉ đồng, Bộ GTVT đề xuất bố trí từ nguồn tăng thu ngân sách T.Ư năm 2023.

Với đoạn Cao Bồ - Mai Sơn dài 15 km, đang khai thác quy mô 4 làn xe hạn chế, đã GPMB theo quy mô 6 làn xe. Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp đạt quy mô 6 làn xe với tổng mức đầu tư khoảng 1.995 tỉ đồng. Hiện đã bố trí 1.200 tỉ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách T.Ư năm 2022, còn lại 795 tỉ đồng sẽ bố trí trong giai đoạn 2026 - 2030. Hiện đang thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, dự kiến khởi công trong năm 2024, cơ bản hoàn thành năm 2026.

Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km, quy mô 4 làn xe hạn chế (đã GPMB quy mô 6 làn xe). Bộ GTVT đang phối hợp với nhà đầu tư đề xuất dự án hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đạt quy mô 6 làn xe kết hợp với nâng cấp đoạn TP.HCM - Trung Lương 8 làn xe theo phương thức PPP, tổng vốn đầu tư ngoài ngân sách khoảng 35.362 tỉ đồng. Ngoài ra, đoạn Hòa Lạc - Hòa Bình dài 26 km, quy mô 2 làn xe được nghiên cứu lên quy mô 6 làn xe theo phương thức PPP, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 7.950 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đề xuất thêm 3 nhóm cao tốc khác cần nâng cấp. Nhóm 2 tổng vốn 18.683 tỉ đồng, gồm đoạn Yên Bái - Lào Cai, Thái Nguyên - Chợ Mới, đoạn 12 km qua địa phận Hải Phòng và Thái Bình. Nhóm 3 nâng cấp các tuyến cao tốc 2 làn xe còn lại đạt quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, nhu cầu khoảng 50.837 tỉ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư như đoạn Tuyên Quang - Hà Giang, Hòa Bình - Mộc Châu, Đồng Đăng - Trà Lĩnh… Nhóm 4 nâng cấp các tuyến cao tốc phân kỳ 4 làn xe hạn chế còn lại, nhu cầu vốn nhà nước cần bổ sung khoảng 410.572 tỉ đồng.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng đề xuất với các dự án đầu tư công cần nghiên cứu phương án thu phí dịch vụ theo quy định. Trường hợp chưa thu phí, cần nghiên cứu phương án phân luồng, điều tiết giao thông phù hợp. Việc đầu tư, nâng cấp đạt quy mô hoàn chỉnh sẽ nghiên cứu trong giai đoạn 2026 - 2030 khi cân đối được nguồn vốn. 

Cuối năm 2025 hoàn thiện mạng lưới trạm dừng nghỉ

Theo ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, dự kiến một loạt dự án trạm dừng nghỉ sẽ chọn được nhà đầu tư vào tháng 6, thời gian triển khai khoảng 1 năm, mục tiêu đồng bộ các cao tốc đã và sắp đưa vào khai thác đều có trạm dừng nghỉ từ nay đến cuối năm 2025.

Báo cáo Bộ GTVT, Cục Đường cao tốc cho biết 8 trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 1 đã phát hành hồ sơ mời thầu, dự kiến lựa chọn xong nhà đầu tư trong tháng 6 tới. Trong đó, về GPMB, 5 trạm dừng nghỉ của các đoạn Mai Sơn - QL45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Phan Thiết - Dầu Giây trong tháng 6 sẽ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư trúng thầu triển khai thi công ngay. Với 3 trạm dừng nghỉ các cao tốc Nha Trang - Cam Lâm; Vĩnh Hảo - Phan Thiết (2 trạm), trong tháng 8 mới có thể bàn giao mặt bằng, chậm 2 tháng.

Với tiến độ hiện nay, có thể đưa các công trình tạm phục vụ cho cao tốc trong tháng 8 (5 trạm) và tháng 10 (3 trạm), sau khi trạm trên QL45 - Nghi Sơn hoàn thành công trình tạm dự kiến trong tháng 11 sẽ đảm bảo các dự án cao tốc đã thông xe đều có vị trí dừng nghỉ tạm phục vụ người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.