- Em nói anh ấy viết đi! Câu chuyện của anh ấy mà…
- Em có nói đó chứ! Mà ảnh chỉ cười rồi nói đang bận làm nhạc xuân...
- Thôi được rồi, anh sẽ lựa lời, nhưng nói ảnh đừng có “giận” anh đấy nhé…
Nắng có còn xuân (sáng tác: Đức Trí, ca sĩ: Quang Linh, hòa âm: Võ Thiện Thanh)
Khi tôi vào Nhạc viện TP.HCM thì "hắn" sắp tốt nghiệp. Khi tôi đến Kim Lợi Studio thì còn vài ngày nữa "hắn" cũng lên đường đi Mỹ du học, như hai toa tàu không cùng một đường ray vậy. Cái này vừa đến thì cái kia rời đi. Rồi thì một hôm, tôi đang ngồi cùng với Hùng (kỹ thuật viên Kim Lợi Studio) thì nghe Hùng nói lại là "hắn" thắc mắc ai là người phối Rock con diều vậy. Hùng nói với "hắn" là tôi, Võ Thiện Thanh.
Rồi thì tới phiên tôi lại thắc mắc. Tôi nhớ là tết 2004 tôi nghe Quang Linh hát một bài xuân trên truyền hình khá lạ tai. Dường như vừa có màu ca trù, mà cũng lại có dáng dấp tài tử Nam bộ ở những nhịp đảo phách cứ như có cây guitar phím lõm, cây đàn sến chơi theo nhịp chỏi song lang vậy. Đặc biệt bản phối hiện đại với câu intro có thang âm hao hao Bắc Âu kiểu Ireland, một bản world music khá bắt tai và lạ lẫm. Khi tôi tìm hiểu kỹ thì tác giả bài hát đó không ai khác, mà là chính "hắn", nhạc sĩ Đức Trí, một "toa tàu" đã rời bến được khoảng 2 năm từ khi tôi đến. Và Nắng có còn xuân là một phát súng đầu tiên báo hiệu toa tàu nay đã bắt đầu chuyển bánh đến những đường ray mới lạ.
Sau này, khi ngồi cà phê "tỉ tơi" với hắn, tôi mới vỡ lẽ là Nắng có còn xuân lúc đầu chỉ là bản demo sơ sài mà hắn làm vội trên cây XP 30 ở xứ người, Quang Linh chộp mang về Việt Nam nhờ nhạc sĩ Bảo Lư cover dựa trên ý tưởng bản demo của "hắn". Rồi từ đó nó nổi tiếng "không kiểm soát".
- Đúng là làm chơi ăn thật hả anh...
Cậu em phóng viên cà khịa với tôi khi nói đến Nắng có còn xuân.
- Đúng vậy em ạ! Có những bài hát nó như vậy đấy. Cảm xúc bất chợt, làm demo bất chợt, nhưng nó "thắng" là vì sao em biết không?
- Vì sao anh?
- Vì nó chân thật!
Ngồi cà phê "tỉ tơi" với hắn nhiều lần, nhưng tôi chưa bao giờ hỏi "hắn" bóng hồng mà "hắn" nhắc tới với với cụm từ "Và em tôi lung linh giọt sương…” là ai, và mức độ chân thật câu chuyện của "hắn" đến mức nào. Nhưng sự nổi tiếng của bài hát thì đã minh chứng cho cái chân thật ấy.
Nắng có còn xuân lập tức được chú ý ngay lần đầu xuất hiện, không chỉ ở giai điệu thấm đẫm chất Việt, mang tính lễ hội, mà còn ở sự độc đáo của bản phối. Mặc dù bản phối khi nó được phát hành lần đầu ở Việt Nam không do Đức Trí đích thân thực hiện, nhưng ý tưởng về câu cú, hòa âm và tiết tấu của Trí quyết định hồn vía của bản phối mà Bảo Lư chỉ cover. Tất nhiên tư duy về sounds không phải của "hắn". Ở đó, chính sự tương phản giữa chất liệu Việt và thế giới của câu intro, cùng các chuyển động hòa thanh, tiết tấu đương đại làm nền đã tạo sự hấp dẫn cho Nắng có còn xuân. World music hấp dẫn là ở sự kết hợp này. Và Nắng có còn xuân nhất thiết phải có phần phối đương đại và mang tính lễ hội. Nếu không, những bản phối bình thường sẽ giảm đi đáng kể sự hấp dẫn của nó, có khi còn làm cho nó "sến" đi. Mà nó không phải là một bài âm hưởng dân ca để mà phối tranh - sáo - bầu theo kiểu cũ. Phải là một bản phối đương đại mới đúng là chiếc áo cho nó.
Hay nói một cách khác, nếu Nắng có còn xuân được phối thuần chất liệu dân ca mà không được đặt trên cái nền tương phản của world music với những màu sắc của thế giới, nó trở nên rất bình thường. Vì khi làm demo, Trí đã xác định phong cách cho nó.
Mãi đến năm 2013 tôi mới có dịp khoác cho nó chiếc áo đương đại. Ở bản phối này, thay vì mang màu sắc thế giới như câu intro nguyên bản của Trí, tôi đưa vào câu piano chạy ngũ cung bão táp, tiếng đàn sến “tỉ tơi” đúng kiểu từng giọt, đàn tranh thì tạo màu sắc bằng những cú rải mênh mang. Tất cả trên cái nền lễ hội và funk tươi trẻ, chỉ khi đến phần sau thì dàn dây spiccato mới hé lộ một chút thang âm Bắc Âu.
Nhưng lần "gặp gỡ" này với Nắng có còn xuân tôi lại bị "hố" ở một điểm chết người. Lúc ca sĩ Quang Linh thu câu: "Đâu đây tiếng đàn cầm buông lả lơi. Đâu đây tiếng lòng tôi nghe tả tơi", tôi đã ngờ ngợ rồi. Làm sao mà "tiếng lòng nghe tả tơi" được! Nó không logic với tiếng đàn cầm trước đó. Nhưng gã Quang Linh cứ khăng khăng là "tả tơi", vì ai cũng hát như thế.
- Em nghe anh Trí tâm sự lúc đầu anh ấy dùng "tỉ tơi" chứ không phải "tả tơi!"
Cậu em phóng viên lại chia sẻ với tôi.
- Vậy sao? Sao ai cũng hát "tả tơi" vậy em?
- Khi Khánh Hà thu âm nó, thì thấy rằng "tỉ tơi" vô nghĩa, không có trong tiếng Việt. Vì thế Khánh Hà mới gởi mail xin anh Trí đổi thành "tả tơi".
Tôi không biết câu chuyện này chính xác như thế nào. Nhưng theo tôi, "tỉ tơi" mới hay nhất và đúng nhất. Vì xét bối cảnh và tâm sinh lý của câu trước đó: "Đâu đây tiếng đàn cầm buông lả lơi", thì câu: "Đâu đây tiếng lòng tôi nghe tỉ tơi" nó như mô phỏng lại rằng: Tiếng lòng tôi từng giọt từng giọt như tiếng đàn cầm vậy. Nếu mà "tả tơi" thì trước đó phải là cây guitar điện "chặt" rầm rầm những hợp âm rock metal tơi tả chứ. “Tỉ tơi”, theo tôi là một tính từ gợi hình được sáng tạo rất ngẫu hứng, cái gì đó rỉ rả, từng giọt của tiếng lòng. Còn tả tơi thì không hợp với tâm trạng mùa xuân tí nào.
Trên kênh YouTube của mình, khi up bài Nắng có còn xuân, Trí cũng lý giải rằng đó là sự liên tưởng tới giọt đàn Thạch Sanh, từng giọt từng giọt tỉ tơi. Đó là sự kết hợp giữa tỉ tê và tả tơi mà thành tỉ tơi.
Thẳng thắn mà nói, Trí đã sáng tạo thêm một tính từ mới trong tiếng Việt. Có thể hiểu tỉ tơi là từng giọt, từng lời, ngồi tâm sự thỏ thẻ, nhỏ nhẹ mà không ồn ào, vồn vã. Có thể là buồn đấy, nhưng tinh tế.
- Cuối năm cà phê tỉ tơi đi!
- Cuối năm cà phê tả tơi đi!
Bạn chọn “tỉ tơi” hay “tả tơi” nào?
Bình luận (0)