Nâng điểm chuẩn để đánh rớt thí sinh: Các trường đã không nghe khuyến cáo của Bộ

Quý Hiên
Quý Hiên
15/08/2019 19:48 GMT+7

Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ này đã từng khuyến cáo để các trường thông tin rõ cho thí sinh, nếu trường đoán trước số em trúng tuyển quá ít không đủ để mở lớp, nhưng nhiều trường đã không thực hiện.

Liên quan tới việc xảy ra với các trường đại học Đồng Nai, Hùng Vương TP.HCM mà Thanh Niên đã phản ánh, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT xác nhận, đúng là có việc một số trường, trong điều kiện quá ít thí sinh trúng tuyển, không đủ số lượng để mở lớp và duy trì lớp học, nên một số trường đã nâng điểm trúng tuyển lên cao để thí sinh được chuyển sang xét tuyển ở nguyện vọng tiếp theo hoặc tham gia xét tuyển đợt sau.
Từ góc độ người học, thì cách thức này của các trường dẫn đến một số hệ quả bất lợi cho các em, như các em không trúng tuyển đợt 1, hoặc không trúng tuyển vào nguyện vọng mà các em ưu tiên.
Theo bà Phụng, vì các trường được quyền tự chủ trong tuyển sinh (đồng thời các thí sinh được tự do lựa chọn ngành học, nơi học), nên Bộ không thể tùy tiện can thiệp. Bộ cũng không thể đặt ra các quy định kiểu như các trường phải mở lớp khi có thí sinh đăng ký xét tuyển vượt điểm sàn của trường cho dù số lượng trúng tuyển là bao nhiêu, cũng như không thể quy định là thí sinh trúng tuyển vào trường không đủ số lượng mở lớp thì tự động chuyển sang trường khác (vì còn phải tính đến nguyện vọng, điều kiện, ý kiến của thí sinh)…
Nhưng bà Phụng cũng cho biết, trong tình huống cụ thể mà đã xảy ra năm nay thì Bộ GD-ĐT cũng có thể hỗ trợ, để tạo điều kiện tốt nhất cho các em. Nếu thí sinh chỉ có một nguyện vọng vọng hoặc đây là nguyện vọng cuối thì trường có thể trao đổi với thí sinh để các em chuyển sang ngành khác mà các em đủ điểm trúng tuyển tại trường. Hoặc nếu thí sinh xin vào cùng ngành đăng ký xét tuyển ở trường khác, nếu đủ điểm trúng tuyển, thì Bộ đồng ý cho trường khác đó được xét tuyển.
Bà Phụng nói: “Thí sinh có thể lựa chọn đăng ký ngành học của trường khác mà đủ điểm trúng tuyển rồi gửi đơn đề nghị Bộ GD-ĐT. Vụ Giáo dục đại học sẽ trình lãnh đạo Bộ GD-ĐT chuyển đơn đến trường để tuyển thí sinh”.
Cũng theo bà Phụng, Bộ GD-ĐT từng khuyến nghị các trường sau khi có thông tin về đăng ký xét tuyển ban đầu, nếu trường thấy có khả năng không đủ điều kiện mở lớp thì cần thông tin đầy đủ cho các em trước hoặc trong thời gian thay đổi nguyện vọng. Hoặc các trường có thể báo cáo Bộ GD-ĐT đề xuất và hỗ trợ cách giải quyết. Các trường cũng có thể thông qua bộ phận quản lý cơ sở dữ liệu để trao đổi thông tin với các thí sinh về khả năng, điều kiện của trường và các phương án mà thí sinh có thể lựa chọn… Nhưng rất tiếc là một số trường đã không thực hiện.
Bà Phụng cho rằng, trong toàn hệ thống, các trường gặp khó khăn trong tuyển sinh như Trường đại học Đồng Nai, Trường đại học Hùng Vương TP HCM không nhiều. Bên cạnh một số tác động như buộc các trường phải nâng cao chất lượng để thu hút thí sinh, buộc phải đánh giá nhu cầu của thị trường khi mở ngành; buộc phải khảo sát nhu cầu của thị trường và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khi những ngành cũ giảm đi, ngành mới phát sinh… thì cũng cần tính đến các giải pháp hợp lý để đảm bảo quyền của thí sinh và quyền tự chủ của các trường.
“Có những giải pháp đã và đang được thực hiện như công khai minh bạch thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng của nhà trường, về tình hình tuyển sinh và đào tạo những năm trước để người học lựa chọn. Bộ GD-ĐT cũng đã có chế tài nếu trường có vi phạm về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh, chẳng hạn trường sẽ không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn 5 năm. Hoặc nếu 5 năm trường không tuyển sinh được thì bị đóng ngành…”
Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.