Nâng mức xử phạt tối đa trong lĩnh vực quản lý Nhà nước lên 500 triệu đồng

01/03/2008 14:40 GMT+7

Sáng 1.3, tiếp tục phiên họp thứ 6, UBTVQH cho ý kiến về Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.

Điều khiển phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội (QH) Uông Chu Lưu đề nghị các thành viên Thường vụ QH tập trung xem xét, thảo luận về phạm vi sửa đổi đáp ứng việc giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong thực tế; nâng mức xử phạt; mở rộng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên; các biện pháp xử lý hành chính đặc biệt và thủ tục, trình tự áp dụng việc xử lý vi phạm hành chính.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành năm 2002, đến nay không còn phù hợp, đặc biệt là mức xử phạt thấp, không đảm bảo tính răn đe. Do vậy, Dự thảo pháp lệnh đã tăng mức xử phạt đối với nhiều vi phạm và nâng thẩm quyền xử phạt đối với các cơ quan chức năng. Cụ thể, sẽ nâng mức xử phạt tối đa trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước từ 70 triệu hiện nay lên 500 triệu đồng.

Đối với các cơ quan chấp pháp, dự thảo Pháp lệnh đã nâng thẩm quyền xử phạt hành chính của Chủ tịch UBND xã, phường và Chủ tịch UBND cấp huyện, thành phố thuộc tỉnh. Cụ thể: Chủ tịch UBND xã, từ 500.000 đồng lên 2 triệu đồng và Chủ tịch UBND huyện từ 20 triệu lên 30 triệu đồng. Riêng đối với Chủ tịch UBND phường, quận các thành phố trực thuộc trung ương thì thẩm quyền xử phạt cao hơn. Cụ thể: Chủ tịch phường được xử phạt tới 5 triệu đồng và Chủ tịch quận là 50 triệu đồng. Dự thảo Pháp lệnh cũng nâng thẩm quyền đối với lực lượng Công an Nhân dân, trong đó Cục trưởng Cục quản lý xuất nhập cảnh và Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền áp dụng hình thức xử phạt trục xuất. Dự thảo Pháp lệnh còn bổ sung hình thức xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính theo hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 100.000 đồng.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến băn khoăn quy định xử phạt tiền đối với các vi phạm hành chính của người vị thành niên. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của QH, Đào Trọng Thi tán thành việc phạt tiền cao hơn đối với vị thành niên. Tuy nhiên, ông Thi đề nghị Pháp lệnh cần bổ sung một số biện pháp nhằm nâng cao ý thức của trẻ, tăng cường sự kết hợp nhà trường và gia đình trong quản lý, giáo dục trẻ em.

Về vấn đề này, Trung tướng Trần Đại Quang, Thứ trưởng Bộ Công an dự buổi họp cho rằng việc phạt tiền đối với vị thành niên nên có quy định áp dụng linh hoạt trong thực tế. Cơ quan chức năng cần cân nhắc những trường hợp có thể áp dụng phạt cảnh cáo đồng thời thông báo đến gia đình, trường học để phối hợp quản lý con em. Nêu ví dụ trường hợp gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hoặc trẻ bỏ nhà đi lang thang vi phạm pháp luật, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của QH Ksor Phước băn khoăn: Đối với các trường hợp này, nếu quy định bố mẹ, hoặc người giám hộ phải chịu trách nhiệm thì rất khó áp dụng trong thực tiễn. Ông Ksor Phước đề nghị có chế tài linh hoạt để các cơ quan hành chính có thể áp dụng trong từng trường hợp cụ thể.

Đối với việc nâng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận cho rằng, cần cân nhắc kỹ việc quy định mức xử phạt khác nhau giữa Chủ tịch xã và Chủ tịch UBND phường các thành phố trực thuộc trung ương; giữa Chủ tịch UBND huyện với Chủ tịch UBND quận là không phù hợp với nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước. Không đồng tình với quan điểm của ban soạn thảo, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng, Pháp lệnh không nên phân biệt thẩm quyền của Chủ tịch UBND cùng cấp giữa nông thôn và thành thị mà trái lại cần quy định thống nhất thẩm quyền của các đối tượng này để đảm bảo phù hợp với các quy định của hệ thống pháp luật.

Tán thành với quan điểm sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Pháp lệnh của Bộ Tư pháp về việc nâng cao thẩm quyền xử phạt của lực lượng bảo vệ pháp luật, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho rằng quy định này sẽ góp phần phát huy tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa tội phạm. Cũng theo ông Quang, trước tình trạng người nước ngoài vi phạm pháp luật tại Việt Nam đang gia tăng, việc mở rộng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với hình phạt trục xuất là cần thiết để đảm bảo công tác giữ gìn an ninh trật tự của đất nước trong bối cảnh hội nhập. Nhất trí với nội dung mở rộng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo Dự thảo của Chính phủ, Trưởng ban Công tác đại biểu QH Phạm Minh Tuyên đề nghị Pháp lệnh cần cho phép Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền tháo dỡ một số công trình xây dựng trái phép, góp phần ngăn chặn tình trạng xây dựng trái phép.

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đề nghị cơ quan soạn thảo cần tổng kết việc nâng mức xử phạt vi phạm hành chính đảm bảo phù hợp với thực tế; tránh tình trạng mức phạt quá cao, không có khả năng thi hành. Cũng liên quan đến việc mở rộng thẩm quyền, đa số các đại biểu không đồng tình với việc mở rộng thẩm quyền tạm giữ người. Ông Ksor Phước lo lắng: Việc mở rộng thẩm quyền này có thể sẽ dẫn đến tình trạng lạm dụng, vi phạm quyền tự do, dân chủ của công dân. Ông Ksor Phước cũng đề nghị cần xây dựng riêng nơi tạm giữ hành chính, không để chung người vi phạm trật tự quản lý hành chính với các loại tội phạm khác. Bên cạnh đó, cũng cần có quy chế kiểm tra, giám sát đảm bảo thực hiện đúng pháp luật.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đồng ý với quan điểm sửa đổi của cơ quan soạn thảo, đã bám sát những vấn đề nổi cộm trong thực tiễn cuộc sống; xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể; tăng cường đấu tranh xử lý vi phạm hành chính triệt để, nghiêm minh với thủ tục chặt chẽ. Việc bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ việc tăng thẩm quyền cho một số chức danh và một số vấn đề khác chưa có ý kiến thống nhất, sớm hoàn thiện dự thảo, trình UBTVQH thông qua.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.