Nâng ngưỡng 'siết' chi phí lãi vay mới?

Thanh Xuân
Thanh Xuân
06/06/2020 06:39 GMT+7

Dự thảo Nghị định mới về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã nâng mức khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%.

Dự thảo mới nhất về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã nâng mức khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%, phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định sẽ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo không quá 5 năm...

Giải quyết dứt điểm bức xúc của Nghị định 20

Dự thảo cũng mở rộng đối tượng không áp dụng như tổ chức kinh doanh bảo hiểm, các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp (DN) vay lại…
Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng đáng lý Bộ Tài chính nên sớm ban hành sửa đổi bổ sung Nghị định (NĐ) 20 để giải quyết những bức xúc cho DN, giải quyết số tiền mà các DN đã nộp vào ngân sách nhà nước hơn 4.800 tỉ đồng trong năm 2017 và 2018.
“Đến thời điểm này, sửa đổi, bổ sung NĐ 20 chưa thấy đâu nhưng bộ này lại trình Chính phủ cho phép áp dụng quy định tháo gỡ khó khăn trong kỳ tính thuế năm 2019, trong khi bất cập của khống chế chi phí lãi vay 20% thực hiện từ năm 2017 và 2018”, ông Xoa nhấn mạnh và cho rằng cần sớm ban hành sửa đổi NĐ 20 cho DN khấu trừ dần số thuế đã nộp trong 5 năm tới, nhất là thời điểm hậu dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN hết sức khó khăn.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Tú, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Thuế, nhận xét việc sửa đổi tăng tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay, cũng như cho khấu trừ chi phí vào 5 năm tiếp theo sẽ giải quyết được phần nào vấn đề bức xúc mà NĐ 20 đã gây ra. Tuy nhiên, dự thảo NĐ thay thế cho NĐ 20 chứ chưa giải quyết được những bất cập mà các DN đã gánh chịu trong 2 năm 2017 và 2018. Trong giai đoạn này, nhiều DN đã nộp thuế và khi dịch Covid-19 xảy ra, tình hình hoạt động kinh doanh khó khăn thì cũng nên xem xét sớm giải quyết những bất cập cho DN.
Ông Tú cho rằng: “Cần trả lại số thuế mà DN đã nộp do quy định khống chế chi phí lãi vay do NĐ 20 gây ra là “sòng phẳng” nhất. Còn không thì cho DN khấu trừ những khoản chi phí này vào 5 năm tiếp theo như dự thảo đã đề cập”.

Cần xem xét đối tượng áp dụng

Tại tờ trình dự thảo NĐ mới, Bộ Tài chính nhận xét qua hơn 3 năm thực hiện NĐ 20 đã mang lại kết quả trong công tác đấu tranh chống chuyển giá, nguồn thu từ chi phí lãi vay không chỉ đóng góp trực tiếp vào số thu ngân sách nhà nước mà còn phục vụ mục tiêu quan trọng hơn là chốt chặn, ngăn ngừa triệt để lợi nhuận thu được sau đấu tranh chống chuyển giá bị các DN vô hiệu hóa thông qua công cụ lãi vay do thu nhập chịu thuế của đơn vị sẽ được tính các khoản doanh thu - chi phí tài chính (bao gồm lãi vay) và các khoản thu nhập - chi phí khác trước khi tính thuế thu nhập DN...
Ông Trần Xoa cho rằng cả xã hội đồng tình với những quy định chống chuyển giá. Tuy nhiên, dự thảo NĐ đưa ra nhằm mục đích chống chuyển giá, nhưng lại nhắm sai đối tượng, làm các DN trong nước cũng bị “dính”. Hoạt động chuyển giá xảy ra khi có mức chênh lệch thuế suất giữa DN này và DN kia do được hưởng thuế ưu đãi; hoặc DN trong và ngoài nước có thuế suất khác nhau. Một số DN trong nước có giao dịch liên kết nhưng cùng mức thuế suất thu nhập DN thì sao có thể chuyển giá được.
Do đó, việc khống chế chi phí lãi vay dù 20% hay tăng lên 30% cũng sẽ gây bức xúc cho DN trong thời gian tới. Hơn nữa, tỷ lệ 20% hay 30% được Bộ Tài chính đưa ra nằm trong biên độ 10% - 30% của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị. Ở nhiều nước, các DN có vốn chủ sở hữu lớn, vốn vay ít, do đó việc lấy tỷ lệ từ nước ngoài áp dụng cho Việt Nam không mấy phù hợp. Đặc điểm của DN Việt là vốn mỏng, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm khoảng 97% và nhóm này đi vay khá nhiều cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, nên khi quy định trên “đánh trúng” họ thì DN nhỏ và vừa đã yếu lại càng yếu hơn.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đại lý Thuế TP.HCM, cho rằng tỷ lệ khống chế 20% hay 30% không quan trọng bằng việc xác định đối tượng của NĐ. NĐ mới không xác định lại đối tượng áp dụng thì DN lại tiếp tục kêu, bức xúc vì dù có giao dịch liên kết nhưng họ không chuyển giá vẫn bị khống chế chi phí lãi vay.
NĐ chỉ áp dụng cho cá nhân, tổ chức đa quốc gia, xuyên biên giới. Bởi thuế suất DN trong nước hiện nay là 20% nhưng một số nước có thuế suất khác chỉ 10%, 15%, 17%, 22% … thì mới cần chuyển thu nhập ra nước ngoài qua hình thức cho vay để chuyển giá.
Trong khi trong nước, DN có cùng mức thuế suất, chi phí của DN này là doanh thu của DN khác nên không thể chuyển giá được. Khi đã xác định được đối tượng như vậy thì tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay 20% cũng hợp lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.