Nắng nóng gay gắt đầu năm, làm sao để phòng chống hiệu quả?

Lê Cầm
Lê Cầm
24/02/2024 04:06 GMT+7

Để chống nắng nóng hiệu quả cần lựa chọn khẩu trang, áo khoác có đủ độ dày, màu sắc, chất liệu phù hợp, ngoài ra nên thoa kem và sử dụng viên uống chống nắng trong một số trường hợp.

Nam bộ nắng nóng gay gắt, chỉ số UV cực đại

Như Thanh Niên đưa tin, Nam bộ đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt nhất từ đầu mùa khô đến nay. Tại TP.HCM nhiệt độ cao nhất những ngày trong và sau tết, phổ biến từ 35 - 36 độ C. Khu vực chịu ảnh hưởng nắng nóng gay gắt gồm các quận, huyện 1, 3, 4, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Bình Tân, Hóc Môn, 12, Củ Chi, 7, TP.Thủ Đức…

Nắng nóng gay gắt đầu năm, làm sao để phòng chống hiệu quả?- Ảnh 1.

Nam bộ đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt

Nhật Thịnh

Trong khi đó, các tỉnh miền Đông phổ biến từ 35 - 37 độ C và miền Tây 35 - 36 độ C. Trong những bản tin nắng nóng đầu tiên, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ dự báo nắng nóng có thể kéo dài đến ngày 18.2 (mùng 9 tết), nhưng cập nhật sau đó cho thấy nắng nóng tiếp tục kéo dài thêm 5 ngày tới, tương ứng khoảng ngày 23 - 24.2.

Theo cập nhật của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia chiều 23.4, tại khu vực Nam bộ ghi nhận nhiệt độ cao nhất 31-34 độ, riêng miền Đông 35-37 độ. Có mây, ngày nắng, riêng miền Đông có nắng nóng, đêm không mưa.

Ứng dụng dự báo về tia cực tím toàn cầu (SunSmart) dự báo chỉ số tia cực tím (UV) tại TP.HCM sẽ ở mức cực đại (12 - 13) trong 3 ngày tới (24 - 26.2), đặc biệt nguy hại từ 8 giờ đến 16 giờ. Theo bảng phân loại mức độ nguy hại của WHO, chỉ số UV từ 11 được coi là cực đại và cực kỳ nguy hiểm cho da khi đi ra đường trong thời điểm này.

Người lao động nhọc nhằn mưu sinh trong nắng nóng bất thường đầu năm

Mặc áo khoác, đeo khẩu trang có đủ chống nắng?

Ngày 24.2, thạc sĩ - bác sĩ Tạ Quốc Hưng, khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết việc sử dụng áo khoác, khẩu trang để chống nắng phải dựa trên chất liệu, màu sắc, độ dày.

"Nếu đeo khẩu trang y tế sẽ hở hai bên mang tai hoặc các loại áo khoác mỏng, có màu sắc vàng, trắng... thì sẽ không đủ để chống nắng, ngăn tia UV xuyên qua da", bác sĩ Hưng chia sẻ.

Theo đó, trang phục chống nắng nên là chất liệu cotton thấm hút mồ hôi tốt, đủ dày để che chắn, tránh ánh nắng xuyên qua. Màu sắc sẫm như đen, nâu giúp che tia UV tốt hơn là vàng, trắng.

Theo bác sĩ Hưng, thông thường các loại áo, váy chống nắng bán trên thị trường đa số đủ dày để che chắn. Để kiểm tra, chúng ta có thể sử dụng đèn pin để chiếu qua, nếu không có ánh sáng từ đèn pin lọt vào thì có thể yên tâm áo đủ dày để chống nắng.

Tuy nhiên theo bác sĩ Hưng chỉ khi toàn bộ cơ thể được che chắn kín thì mới đảm bảo chống nắng. Trong thực tế, việc di chuyển đi lại hoặc vận động có thể khiến việc che chắn bằng áo khoác, khẩu trang, váy chống nắng không đảm bảo độ phủ. Khi đó việc sử dụng kem chống nắng là rất cần thiết.

Viên uống chống nắng và chế độ ăn uống

"Nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30, lựa chọn kem chống nắng phù hợp với làn da. Ví dụ, da dầu mụn thì nên lựa kem không chứa dầu, bôi kem cách 2 tiếng một lần để đảm bảo hiệu quả chống nắng", bác sĩ Hưng khuyến cáo.

Ngoài ra, theo bác sĩ Hưng, với trường hợp không thể thoa kem liên tục 2 giờ một lần, thì việc sử dụng viên uống chống nắng sẽ có tác dụng hỗ trợ chống nắng tốt. Đặc biệt trong trường hợp phải ra đường ở khung giờ 10 giờ đến 15 giờ, việc dùng viên uống chống nắng sẽ giúp bổ trợ các biện pháp còn lại.

Về chế độ ăn uống, bác sĩ Hưng cho biết nên tăng cường thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, nhiều vitamin C, E để hỗ trợ chống nắng hiệu quả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.