Ngày 3.5, Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho biết, thời tiết nắng nóng kéo dài trong nhiều tháng vừa qua đã làm hơn 40.000 ha cây trồng gồm lúa, cây ăn quả, cây công nghiệp... ở Trung bộ, Tây nguyên, Nam bộ đang bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Ở khu vực Trung bộ, tỉnh Bình Thuận đã có 365 ha thanh long tại H.Hàm Thuận Nam bị ảnh hưởng do hạn hán. Dự báo trong vụ đông xuân năm 2023 - 2024, Bình Thuận sẽ có 1.200 ha cây trồng nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán.
Tại khu vực Tây nguyên, tính đến ngày 3.5 đã có khoảng 17.186 ha bị ảnh hưởng bởi hạn hán, chủ yếu là diện tích ngoài các hệ thống công trình thủy lợi, gồm: Kon Tum 112 ha, Gia Lai 699 ha, Đắk Lắk 4.958 ha, Đắk Nông 10.721 ha và Lâm Đồng 696 ha. Tại Gia Lai đã có 89 ha, Lâm Đồng có 23 ha trồng lúa bị mất trắng.
Dự báo từ nay đến cuối vụ đông xuân 2023 - 2024, Tây nguyên sẽ có khoảng 15.000 - 26.000 ha cây trồng đối mặt với tình trạng hạn hán, thiếu nước.
Ở khu vực Đông Nam bộ, Bình Phước đang là địa phương có diện tích cây trồng bị hạn hán, thiếu nước nhiều nhất với khoảng 10.492 ha, gồm 215 ha lúa; 137,5 ha cây hàng năm khác; 1.992 ha cà phê; 313 ha hồ tiêu; 7.835 ha cây ăn trái và cây lâu năm khác. Ghi nhận trong những ngày vừa qua, Bình Phước đã có mưa rải rác tại 7/11 huyện, thị xã nhưng lượng mưa nhỏ từ 3 - 20 mm, góp phần giảm căng thẳng về nguồn nước.
Cũng theo Cục Thủy lợi, dự báo thời tiết nắng nóng và tình trạng khô hạn còn kéo dài đến giữa tháng 5 nên vẫn có nguy cơ xảy ra hạn hán vào cuối mùa khô, với tổng diện tích cây trồng khu vực ngoài công trình thủy lợi bị ảnh hưởng khoảng 8.000 - 12.000 ha, tập trung ở 2 tỉnh Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, địa bàn này có khoảng 4.642 ha chanh và cây ăn trái có nguy cơ giảm năng suất; 43 ha lúa (Sóc Trăng) bị mất trắng. Đây là các diện tích người dân xuống giống tự phát, không theo khuyến cáo khoanh vùng sản xuất an toàn. Dự báo trong những ngày tới, xâm nhập mặn tiếp tục ảnh hưởng đến các diện tích cây trồng tại ĐBSCL, Cục Thủy lợi khuyến cáo cần tăng cường giải pháp cấp nước tưới, bảo vệ diện tích cây trồng ở khu vực này.
Trước đó, ngày 2.5, Cục Thủy lợi đã có Văn bản số 579/TL-VHTT gửi Sở NN-PTNT các địa phương khu vực Trung bộ tăng cường các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Bình luận (0)