Lượng điện tiêu thụ của các hộ gia đình trên địa bàn Hà Nội tăng rất mạnh, nhiều nơi tăng tới 200%. Theo số liệu của ngành điện Hà Nội, tháng 6 là thời điểm cao điểm mùa nắng nóng ở Hà Nội với các đợt nắng nóng kéo dài trên 10 ngày (từ ngày 21.6 - 30.6), nhiệt độ ngày cao nhất lên tới 39o- 40oC. Nắng nóng kéo theo lượng điện sử dụng tăng mạnh. Nếu như tháng 4, lượng điện bình quân trên địa bàn thành phố chỉ khoảng 38 triệu kWh/ngày, sang tháng 5 lên tới 46,38 triệu kWh thì đến đầu tháng 6 lên tới 57,3 triệu kWh/ngày. Riêng ngày 15.6, lượng điện sử dụng đến hơn 69 triệu kWh/ngày. Dự báo lượng diện tiêu thụ cao nhất có thể lên tới 77 triệu kWh/ngày trong đợt cao điểm nắng nóng của tháng 7 này.
Lượng điện sử dụng cho sinh hoạt của người dân thành phố cũng tăng rất mạnh. Trong tháng 4, lượng điện bình quân sử dụng cho sinh hoạt chỉ ở mức 21 triệu kWh/ngày nhưng sang đến tháng 5, đã tăng hơn 3 triệu kWh, lên trên 24,3 triệu kWh/ngày. Đến tháng 6, lượng điện dùng cho sinh hoạt đạt 32,2 kWh/ngày và dự báo lên tới trên 33 triệu kWh/ngày trong tháng 7. So với tháng 4, lượng điện sử dụng cho sinh hoạt đã tăng 158,4% và tăng tới 160,8% trong tháng 7. Tại nhiều khu vực đông dân cư của Hà Nội, mức sử dụng điện cho sinh hoạt tăng tới 200%.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết, theo dõi trong thời gian từ 20.5 đến 19.6, EVN Hà Nội nhận thấy có 17 ngày khách hàng bị ảnh hưởng của nắng nóng. Biểu đồ phụ tải những ngày nắng nóng tại Hà Nội có thời điểm gấp 5 lần so với các thời điểm khác trong năm. Tại các khu vực tập trung đông dân cư, khu chung cư cao tầng: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Hà Đông, Long Biên... lượng điện sử dụng những ngày cao điểm đều vượt 100%. Đơn cử, lượng điện tại Q.Cầu Giấy những ngày nắng nóng tháng 6 vừa qua tăng tới 170% so với tháng 4.
|
Theo ông Tuấn, kỳ ghi chỉ số phát hành hóa đơn đối với khách hàng mua điện mục đích sinh hoạt ở Hà Nội hầu hết kéo dài từ ngày 3 đến 20 hàng tháng. Do vậy dự báo hóa đơn tiền điện tháng 6 của khách hàng sẽ bị ảnh hưởng do các đợt nắng nóng.
Để minh bạch trong việc ghi chỉ số công tơ và đảm bảo quyền lợi của người sử dụng điện, EVN Hà Nội sẽ phát thông báo giải thích cho khách hàng về việc hoá đơn tiền điện tăng có tính quy luật diễn ra hằng năm vào mùa nắng nóng tại các điểm thu tiền điện của công ty điện lực, qua các tổ chức trung gian thanh toán, phòng giao dịch của ngân hàng hoặc thu ngân viên lưu động.
“Tổng công ty đã chỉ đạo các đơn vị không được phép thay đổi thời gian ghi chỉ số điện của người dân. Nếu thay đổi phải có báo cáo lãnh đạo tổng công ty. Việc không cho điều chỉnh thời gian ghi chỉ số công tơ giúp khách hàng không bị ảnh hưởng về số điện dẫn đến tiền điện tăng theo. Để người dân có thể theo dõi được lượng điện tiêu thụ, từ 16.6, EVN Hà Nội đã công bố sản lượng điện hàng ngày trên website của đơn vị. Khách hàng sử dụng điện cũng có thể dùng mã số khách hàng để tra cứu sản lượng điện đã dùng trong tháng trên website của tổng công ty”, ông Tuấn cho biết.
Nếu có thắc mắc về việc hóa đơn tiền điện tăng cao bất thường có thể điện thoại trực tiếp tới Trung tâm Chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty (Tổng đài: 19001288 - 04.22222.000) hoặc gửi kiến nghị, thắc mắc cần giải đáp về email (evnhanoi@evnhanoi.vn) công ty sẽ cho kiểm tra và nhanh chóng phản hồi thông tin tới khách hàng trong thời gian sớm nhất.
Khuyến cáo cách sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả của EVN HANOI:
- Rút phích cắm điện ra khỏi ổ điện khi không sử dụng thiết bị.
- Lắp đặt thiết bị điện khoa học, hợp lý, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên.
- Hạn chế sử dụng các thiết bị điện cùng một lúc vào giờ cao điểm.
(sáng từ 9h30 - 11h30, tối từ 17h00 - 20h00).
- Sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng đã được dán nhãn ngôi sao năng lượng của Bộ Công thương.
- Điều hòa là thiết bị sẽ tiêu tốn nhiều điện năng nhất nên để giảm tiền điện khi sử dụng cần lưu ý: Cứ giảm 1oC của điều hòa thì sản lượng điện tiêu thụ sẽ tăng ít nhất 7%. Vì vậy, ban ngày nên điều chỉnh nhiệt độ từ 25oC trở lên và ban đêm từ 27 – 28oC. Ngoài ra, cần định kỳ bảo trì, vệ sinh tấm lọc bụi của điều hòa ít nhất 3 tháng/lần, bảo dưỡng định kỳ ít nhất 1 lần/năm.
|
Bình luận (0)