Nắng nóng, khô hạn, bão lũ ngày càng dị thường

29/06/2010 02:18 GMT+7

Theo dự báo, các biểu hiện bất thường của thời tiết sẽ tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới.

6 tháng qua, nhiều trị số quan trắc về nhiệt độ, mực nước, dòng chảy của sông suối và các hồ đã phá vỡ kỷ lục của những năm trước đây, lập kỷ lục mới.

Nắng nóng, hạn hán kỷ lục

Hôm qua 28.6 đã là ngày thứ 6, người dân các tỉnh miền Trung phải gồng mình chống chọi với cái nắng khô rát trong điều kiện bị cắt điện liên miên. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, đợt nắng này nhiều khả năng sẽ kéo dài đến hết ngày 5.7 tới và nắng nóng lịch sử sẽ tái diễn.

Nhận xét về diễn biến khí tượng thủy văn 6 tháng đầu năm 2010, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, nói: “Nắng nóng kỷ lục, khô hạn lịch sử đã diễn ra trên diện rộng với nhiều dấu hiệu bất thường. Nóng trái mùa, nắng nóng xuất hiện sớm, nhiều đợt, kéo dài và cường độ gay gắt”. Theo ông Tăng, ngay từ giữa tháng 2, khi mà bình thường, người dân miền Bắc phải hứng chịu cái rét cắt da cắt thịt thì nắng nóng trái mùa đã xuất hiện với nhiệt độ cao nhất lên đến 35 - 36 độ C, tiếp đó nắng nóng gay gắt kéo dài từ tháng 4 đến tháng 5 tại các tỉnh Nam Bộ.

Người dân các tỉnh Trung Bộ và Bắc Bộ, từ tháng 3 đến nay đã phải chống chọi với 5 đợt nắng nóng. Trong đó, đợt nắng nóng kéo dài từ ngày 12 - 20.6 ở Bắc Bộ và Trung Bộ là gay gắt, dữ dội nhất trong vòng hơn nửa thế kỷ qua, nhiệt độ cao kỷ lục được ghi nhận ở Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội, Hà Nam,Thanh Hóa, Nghệ An. Vì thế, theo ông Tăng, mặc dù trong 6 tháng đầu năm nay đã có tới 6 đợt rét đậm, rét hại và một số đợt không khí lạnh cường độ trung bình và yếu nhưng nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN). “Nền nhiệt độ các khu vực trong 5 tháng đầu năm ở Bắc Bộ phổ biến cao hơn TBNN từ 1,5 - 2,5 độ C, ở Nam Bộ là 1 - 2 độ C”, ông Tăng nói.

Trong khi đó, tình hình thiếu hụt mưa nghiêm trọng đã xảy ra trên toàn quốc. 6 tháng qua, cả nước mới chỉ có 4 đợt mưa vừa trên diện tương đối rộng với lượng mưa mỗi đợt từ 30 - 100 mm. Mùa mưa ở Nam Bộ đến muộn hơn so với TBNN khoảng 1 tháng và cho đến nay vẫn chưa xuất hiện mưa lớn tại Nam Bộ, Tây Nguyên.

Ông Tăng cho biết: “Từ tháng 1 đến tháng 5, dòng chảy hệ thống sông Hồng - Thái Bình từ thượng nguồn đến hạ du, trên dòng chính và cả trên các sông nhánh đã xuống đến mức thấp nhất trong lịch sử. Khô hạn xảy ra nghiêm trọng và trên diện rộng ở Bắc Bộ. Mực nước các hồ chứa lớn, kể cả các hồ thủy điện đều xuống gần mực nước chết. Năm nay là năm mực nước kiệt nhất từ trước đến nay, ngay cả năm 1998 khi xảy ra hiện tượng El Nino mạnh, mưa ít và khô hạn rất gay gắt nhưng mực nước hồ Hòa Bình cũng chỉ cạn kiệt đến giữa tháng 6 mà thôi”. Trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ lượng dòng chảy phổ biến ở mức thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 10 - 70%. Một số nơi mực nước xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc như: trên sông Mã tại Lý Nhân, sông Cả tại Nam Đàn, sông La tại Linh Cảm, sông Cái Trang tại Đồng Trăng...

Bão đến muộn nhưng nhiều hơn

Ông Tăng cho biết, nền nhiệt độ từ nay đến cuối năm ở hầu hết các khu vực cao hơn bình thường, riêng trong các tháng mùa hè (tháng 7, 8 và 9) cao hơn nhiều. Miền Bắc sẽ phải hứng chịu 2 - 3 đợt nắng nóng, miền Trung là 4 - 5 đợt nữa.

Về diễn biến mùa mưa bão năm nay, ông Tăng nói: “Bây giờ đã là cuối tháng 6 mà trên biển Đông vẫn chưa xuất hiện cơn bão và áp thấp nhiệt đới nào, tại “rốn bão” Thái Bình Dương cũng mới chỉ có 1 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới. Như vậy, bão và áp thấp nhiệt đới đã đến muộn nhất trong vòng hơn 100 năm qua”.

Ông Tăng cảnh báo: “Dù đến muộn nhưng số cơn bão ảnh hưởng đến nước ta có khả năng nhiều hơn so với TBNN (thường là 5 - 6 cơn). Bão sẽ xuất hiện muộn nên mùa bão sẽ kéo dài về cuối năm, tương tự như các năm 1983 và 1998. Bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện dồn dập trong thời gian ngắn, nhiều trường hợp bão đôi có hướng di chuyển và diễn biến phức tạp”.

Theo ông Tăng, tổng lượng mưa tại Bắc Bộ và Nam Bộ thấp hơn bình thường, tập trung vào giữa và cuối mùa. Tuy lượng mưa cả mùa thiếu hụt nhưng sẽ có 2 - 3 đợt mưa lớn trên diện rộng. Tại các tỉnh miền Trung, do ảnh hưởng của nhiều bão và áp thấp nhiệt đới nên lượng mưa nhiều hơn bình thường, tập trung từ tháng 9 đến tháng 12 và sẽ có khoảng 4 - 5 đợt mưa rất lớn trên diện rộng. Ông Tăng cho rằng, đỉnh lũ trên các sông suối Bắc Bộ xuất hiện vào nửa cuối tháng 7 và tháng 8. Mùa lũ ở bắc Trung Bộ bắt đầu từ nửa cuối tháng 8 đến giữa tháng 10, ở trung và nam Trung Bộ từ nửa cuối tháng 9 đến tháng 12. Dự báo sẽ xuất hiện lũ lịch sử trên một số sông ở miền Trung. Tại Tây Nguyên, mùa lũ bắt đầu từ giữa tháng 7 đến tháng 11, đỉnh lũ trên các sông suối từ báo động II đến báo động III. Lũ bắt đầu lên trên các sông suối thuộc Nam Bộ từ đầu tháng 8 và đạt đỉnh vào đầu tháng 10, đỉnh lũ ở mức từ báo động II đến báo động III.

Quang Duẩn 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.